Đổi mới phương pháp dạy học bộ môn lịch sử trong giai đoạn hiện nay

Tác giả: Đặng Thanh Phú

Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo về đổi mới phương pháp dạy học bộ môn lịch sử trong giai đoạn hiện nay

Ngày 13/12/2023, tại thành phố Huế, được sự đồng ý của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và Trường Đại học Sư phạm tổ chức Hội thảo đổi mới phương pháp dạy học bộ môn lịch sử trong giai đoạn hiện nay. Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, đơn vị, các thầy, cô giáo giảng dạy bộ môn Lịch sử tại các trường đại học thành viên thuộc Đại học Huế cùng các chuyên gia, học giả về môn học lịch sử.

Tại hội thảo

Theo Kỷ yếu của hội thảo, Lịch sử là một môn học cực kỳ quan trọng, học lịch sử sẽ giúp chúng ta hiểu về quá khứ, từ đó tạo nên sự tự hào về dân tộc, đất nước. Bên cạnh đó sẽ hình thành lòng yêu nước, bản lĩnh văn hóa và xây dựng mọi người trở thành công dân tích cực, bồi đắp tình yêu quê hương bằng cách học tập, bảo tồn những giá trị văn hóa mà tiền nhân để lại.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, kiến thức về môn Lịch sử rất cần được coi trọng để giữ gìn bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, việc dạy và học lịch sử ở trường phổ thông đang có nhiều vấn đề đặt ra thực sự đáng lo ngại: học sinh không hứng thú và yêu thích môn Lịch sử dẫn đến kiến thức về lịch sử học tập thấp, chất lượng dạy học bộ môn lịch sử chưa được như kỳ vọng. Đó là một thực trạng đang diễn ra phổ biến hiện nay đối với môn Lịch sử trong nhà trường phổ thông.

Báo cáo viên trình bày tại hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung làm sáng tỏ một số nội dung, như: Đổi mới việc đào tạo giáo viên lịch sử đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông mới; Thực trạng việc dạy học Lịch sử ở Trường Trung học Phổ thông hiện nay; Tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh trong dạy học; Vị thế và những vấn đề đặt ra đối với môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới; Xây dựng khung đánh giá thành phần năng lực nhận thức và tư duy lịch sử của học sinh theo Chương trình môn Lịch sử năm 2022; Phát triển năng lực giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy học lịch sử ở Trường Trung học Phổ thông hiện nay.

Đáng chú ý, tại hội thảo, các diễn giả, đại biểu đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy học môn lịch sử, như: đưa hoạt động trải nghiệm nên trở thành một phương pháp dạy học, ứng dụng trong hoạt động giảng dạy cả chính khóa lẫn ngoại khóa và tất cả các môn học; hướng dẫn học sinh nhận thức đúng đắn vấn đề lịch sử, giúp học sinh dễ nhớ số liệu, mốc thời gian trong môn Lịch sử; dạy học tích hợp liên môn; tổ chức trò chơi lịch sử, sân khấu hóa, tham quan các di tích lịch sử, bảo tàng, kể chuyện lịch sử bằng tranh, xây dựng các dự án, dạy học thực địa.

Nhìn chung, hội thảo là dịp để thảo luận, trao đổi để tìm ra các giải pháp nhằm cải thiện, đổi mới phương pháp dạy học bộ môn lịch sử tại các trường học để qua đó giúp các giáo viên môn lịch sử nâng cao chất lượng giảng dạy và giúp các em học sinh hứng thú và yêu thích môn khoa học lịch sử hơn./.

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email