Tác giả: Nguyễn Anh Tuấn
Ngày 17/4, Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) phối hợp với Sở Du lịch và Hiệp Hội Du lịch TP Huế tổ chức hội thảo khoa học: “Hướng phát triển du lịch thành phố Huế”.
Hội thảo quy tụ nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nhằm thảo luận các giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế của Huế trong giai đoạn mới.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS Phan Tiến Dũng – Chủ tịch Hội KHLS thành phố Huế cho rằng, Huế từng là trung tâm quyền lực của Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn, sau đó trở thành Kinh đô của đất nước dưới hai triều đại Tây Sơn và Nguyễn. Nơi đây lưu giữ tinh hoa văn hóa vật chất và tinh thần của một kinh đô trong thể chế quân chủ, là minh chứng sống động cho nền văn hiến kinh kỳ – đỉnh cao của một quốc gia thống nhất.
Ngày nay, Huế đang trong quá trình phấn đấu trở thành một trung tâm văn hóa, du lịch lớn của Việt Nam và khu vực. Văn hóa Huế thể hiện chiều sâu đặc trưng của vùng đất, được khắc họa qua nhiều hệ giá trị văn hóa độc đáo như: ẩm thực, y phục, kiến trúc nhà vườn, giáo dục, chữ viết, âm nhạc, sân khấu, ngôn ngữ và thơ ca… Những giá trị này hiện đã trở thành tiềm năng to lớn để xây dựng Huế trở thành một trung tâm du lịch quan trọng của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Theo TS Trần Đình Hằng, Phân Viện Văn hoá, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch miền Trung, với những dấu ấn đặc trưng, Huế thực sự là một bảo tàng sống về văn hoá, trong đó có di sản văn hoá ẩm thực, sẽ càng phát huy giá trị khi thận trọng áp dụng các thành tựu khoa học hiện đại. Giải quyết nhu cầu tại chỗ, trở thành sứ giả văn hóa trong phát triển du lịch, lễ tân, công nghiệp văn hóa sẽ giúp chuyển tải các giá trị di sản thành các sản phẩm văn hóa để cập nhật, phục vụ nhu cầu đa dạng của xã hội. Nâng niu di sản truyền thống và chuyển hóa giá trị hài hòa vào cuộc sống hiện đại thành những sản phẩm độc đáo, phục vụ con người.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tiềm năng, thế mạnh của du lịch Huế như giá trị di sản kiến trúc – văn hóa, các thiết chế văn hóa và tài nguyên du lịch đặc thù. Nhiều ý kiến phân tích xu hướng phát triển du lịch hiện nay, vai trò của ẩm thực, trang phục truyền thống, du lịch tâm linh, cũng như đóng góp của Hiệp hội Du lịch trong việc thúc đẩy kinh tế địa phương.
Hội thảo cũng đề xuất các định hướng phát triển sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc Huế; giải pháp quảng bá, xúc tiến du lịch trên nền tảng số; tăng cường liên kết giữa các địa phương; và xây dựng mô hình hợp tác ba bên giữa nhà nước – doanh nghiệp – người dân. Một trong những nội dung được quan tâm là chiến lược đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đáp ứng chuẩn quốc tế nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững ngành du lịch thành phố Huế trong thời gian tới.