Tầm nhìn đào tạo của Đại học Huế

Tác giả: Tường Văn

Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 xác định nhiệm vụ xây dựng trung tâm giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trên cơ sở phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia.

Theo PGS.TS Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Giáo dục và đào tạo: Đại học Huế vẫn đang tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị; đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ, nhất là đội ngũ giảng việc trình độ cao; thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Đề án phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia.

Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc về Đề án xây dựng và phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia

Thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, Đại học Huế đã có nhiều giải pháp trong tầm nhìn đào tạo, tập trung phát triển nhóm ngành Sư phạm, Y Dược, Khoa học xã hội nhân văn, Nông nghiệp và Nghệ thuật, những lĩnh vực truyền thống và năng lực đào tạo vượt trội, những ngành đã tạo nên thương hiệu và sự khác biệt của Đại học Huế. Bên cạnh đó, các ngành đào tạo mới cũng được chú trọng phát triển nhằm đáp ứng với xu thế phát triển và nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội như: Kinh tế, Luật, Du lịch, tạo nên sự phong phú và đa dạng về lĩnh vực đào tạo.

Nhóm ngành Y – Dược luôn là thế mạnh truyền thống, nổi bật của Đại học Huế. Với lịch sử hình thành hơn 60 năm, Trường Đại học Y – Dược của Đại học Huế là một trong 3 cơ sở đào tạo y tế uy tín hàng đầu cả nước. Các chương trình đào tạo được phát triển theo hướng chuyên sâu như: Y đa khoa, Dược học, Răng-Hàm-Mặt, Điều dưỡng, Y học cổ truyền…nhiều chương trình chuyên khoa khác. Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế là một trường thành viên của Đại học Huế, có sứ mạng “Đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao kỹ thuật và công nghệ, khám chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân”. Tầm nhìn đến năm 2045 là: “Phát triển Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế theo mô hình Trường – Viện đạt tiêu chuẩn cấp quốc gia vào năm 2030 và hướng tới đạt chuẩn quốc tế vào năm 2045”.

Nhóm ngành Sư phạm của Đại học Huế khẳng định vị thế cung cấp đội ngũ giáo viên chất lượng cao cho cả nước. Đại học Huế có cơ sở đào tạo chuyên sâu về y tế, còn có cơ sở đào tạo giáo viên trọng điểm quốc gia. Bên cạnh các ngành Sư phạm Toán, Văn, Lý, Hóa truyền thống thì Trường Đại học Sư phạm còn đào tạo ngành giáo dục tiểu học và giáo dục mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Đặc biệt, các chương trình sư phạm trọng điểm đáp ứng chiến lược nâng cao năng lực giáo dục cho vùng sâu, vùng xa.

Nhóm ngành Nghệ thuật của Đại học Huế tiên phong trong lĩnh vực đào tạo các ngành nghệ thuật như: Hội họa, Đồ họa, Thiết kế thời trang, Thiết kế đồ họa. Các chương trình đào tạo gắn liền với các hoạt động văn hóa, khuyến khích sáng tạo và bảo tồn di sản văn hóa của khu vực miền Trung. Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát triển văn hóa nghệ thuật truyền thống của vùng đất cố đô.

Nhóm ngành Công nghệ Sinh học: Đại học Huế phát triển mạnh mẽ các ngành về Công nghệ Sinh học thông qua các chương trình đào tạo và nghiên cứu ở Trường và các viện nghiên cứu. Các ngành này không chỉ tập trung vào sinh học cơ bản mà còn mở rộng sang các lĩnh vực ứng dụng như công nghệ vi sinh, sinh học phân tử, công nghệ gen, công nghệ sinh học y dược, sinh học nông nghiệp, sinh học môi trường, nông nghiệp y sinh học, đáp ứng nhu cầu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, nhằm phục vụ phát triển bền vững. Mô hình Trường-Viện nghiên cứu, được trang bị nhiều phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ cho nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu, phát huy hiệu quả trong đào tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học.

PGS.TS Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế

Bên cạnh đó, các ngành Khoa học cơ bản, với kinh nghiệm hơn 60 năm đào tạo bậc đại học và sau đại học và năng lực đào tạo của đội ngũ giáo sư, phó giáo sư đứng hàng đầu cả nước, vẫn đóng vai trò quan trọng: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, phục vụ cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ. Các ngành khoa học cơ bản cung cấp nền tảng vững chắc cho nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực ứng dụng. Các chương trình đào tạo kết hợp lý thuyết và thực hành, giúp sinh viên sẵn sàng tham gia vào các dự án khoa học lớn trong nước và quốc tế.

Nhóm Kinh tế, Luật và Du lịch là những ngành đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Các ngành Tài chính – Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Luật Kinh tế, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản lý đất đai là những ngành được tập trung đào tạo. Ngành Luật tại Đại học Huế phát triển đã cung cấp nhân lực cho nhiều cơ quan pháp luật và quản lý nhà nước. Ngành Du lịch được ưu tiên mở rộng để khai thác tiềm năng du lịch của miền Trung. Với lợi thế phát triển ở cố đô Huế – di sản văn hóa thế giới, đào tạo các ngành Du lịch là một điểm sáng.

Hiện nay, Đại học Huế đã hoàn thiện cơ bản nội dung của Đề án phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia và đã được gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan. Các cơ quan đơn vị “Cơ bản nhất trí chủ trương phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia đã được nêu tại Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị”. Với sự đa dạng hóa ngành nghề và nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, Đại học Huế đang từng bước khẳng định vị thế là trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu khu vực, đồng thời đóng vai trò nòng cốt trong phát triển nguồn nhân lực cho đất nước./.

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email