Trong toán học và khoa học máy tính, một chữ số là một ký hiệu bằng số, thí dụ chữ số “3” hoặc “7” được dùng trong các số (kết hợp các ký hiệu, thành số “37” để tượng trưng cho một số nguyên hoặc số thực) trong dãy số của hệ thống số. Thuật ngữ “con số” xuất phát từ sự kiện 10 số (tiếng Latin cổ digita có nghĩa là “ngón tay” của hai bàn tay) tương ứng với 10 ký hiệu của hệ thống số cơ bản, thí dụ số thập phân (một tính từ trong tiếng Latin cổ dec. có nghĩa là mười).
Chữ số xuất hiện và tồn tại khách quan trong xã hội loài người. Nhưng quan niệm về “số đẹp” đem lại may mắn” và “số xấu” đưa lại điều chẳng lành cần kiêng kị hình thành trong quan niệm của một số người, thậm chí của cả một dân tộc, một tôn giáo, một vùng đất … và được truyền từ đời này qua đời khác. Tuy nhiên, đẹp hay xấu chỉ là quan niệm, nó tuỳ thuộc vào văn hoá, tôn giáo, vùng đất … Ở nước ta, nó còn phụ thuộc vùng, miền … Có con số được người này, nước này cho là đẹp, tốt nhưng lại là số xấu của người khác, nước khác. Không có con số nào là đẹp hay là xấu cho tất cả mọi người.
Người Trung Quốc thích số 6, số 8 và số 9. Chữ số 69 rất giống ký hiệu thái cực của Trung Quốc “âm dương giao hòa, sinh sôi, nảy nở”. Họ cho rằng số 6, số 8 và số 9 tượng trưng cho may mắn và vận tốt, đặc biệt dãy số với năm số 6 (phát âm gần với chữ “lộc”) hoặc bảy số 6 được xem là rất quý. Gần đây, trong hội bán đấu giá ở Quatar, một chiếc điện thoại cầm tay có số máy là 6666666 đã được bán với giá ngất trời (đến nay nó được cho là đắt nhất thế giới): 2,75 triệu USD. Người Trung Quốc coi trọng số 8 vì nó được phát âm gần với chữ “phát”, và kiêng số 4, vì âm của nó gần giống với âm “tử” (chết).
Ấn Độ là một quốc gia đa tôn giáo, người có tín ngưỡng khác nhau thích những con số khác nhau. Ví như, người theo đạo Islam của Ấn Độ rất thích số 6, số 7 và 8; nhưng tín đồ Ấn Độ giáo lại không thích số 6 và số 8, vì trong chiêm tinh học Ấn Độ, cung thứ 6 dự báo bệnh tật, cung thứ 8 đại diện cho sự chết chóc. Nói chung, đa số người Ấn Độ kiêng kị số 13, nhưng lại rất thích các số lẻ khác. Đặc biệt là khi tặng tiền, ngoài số tiền chẵn chỉ cần thêm 1 rupi thôi cũng khiến người được tặng cho là rất may mắn.
Số 7 là số “bình an”, số 8 là số “phát đạt” của người Philippines vì họ chịu ảnh hưởng cả văn hóa của người Hoa và văn hoá phương Tây. Bị ảnh hưởng bởi văn hoá phương Tây, người Philippines coi số 13 là số rất không may, cho nên các chung cư và khách sạn ở Philippines không có tầng 13.
Người Thái Lan thích số 9 và ghét số 6. Người Thái Lan cho số 6 là số không tốt cần phải tránh và rất thích số 9 vì tiếng Thái phát âm số 9 trùng với âm chữ “lên cao, phát triển, tiến bộ”. Hàng năm, cứ 6 tháng một lần, Sở Giao thông đường bộ Thái Lan lại tổ chức bán đấu thầu “biển đăng ký xe may mắn”. Biển đăng ký xe có nhiều chữ số 9 như 999 … thường được bán với giá cao hơn nhưng lại hết trước.
Với đất nước Hà Lan, số 4 là số “vui mừng”. Khác với người Trung Quốc, người Hà Lan thích chữ số 4, vì tiếng Hà Lan phát âm số 4 gần giống như chữ “vui mừng”, nên số 4 được coi là “số đẹp”. Người Hà Lan không thích số 6, vì phát âm số 6 khiến người ta thấy khó chịu vì giống như phát âm chữ “tình dục”. Cũng vì lý do đó, một số điện thoại của các địa điểm phục vụ “tình dục” ở Hà Lan đều thích sử dụng số đuôi “66”, “666”, và “6666”.
Trên thế giới, vì lý do tôn giáo, nhiều nước và nhiều người không thích số 13. Số 13 bị coi “xui xẻo” vì liên quan đến ‘bữa ăn cuối cùng” với chúa Giêsu, người khách thứ 13 là Guida. Lịch sử ghi nhận nhiều câu chuyện về con số 13 “xui xẻo”. Trong truyện thần thoại Na Uy, thần Lửa Loci bất ngờ xuất hiện trên bàn tiệc có 12 vị thần khác đang dùng bữa, với hệ lụy là cái chết của thần Ánh sáng Balder. Hoàng đế Pháp lừng danh Napoleon hay tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt cũng là những nhân vật rất “kiêng” con số 13.
Ngày 13 mà lại là thứ Sáu, thì sự “xui xẻo” tăng lên gấp đôi. Thứ Sáu là ngày chúa Jesus bị đóng đinh lên thánh giá, là ngày liên quan tới sự “kết thúc”. Với “tội lỗi đầu tiên” của loài người cũng vậy, người ta cho rằng Eva đã đưa cho Adam quả táo cấm vào ngày thứ Sáu. Thứ Sáu không nên làm đám cưới, không được đi xa, chuyển nhà, nhận việc, thăm trẻ mới sinh, cắt móng tay, móng chân hay giũ thảm … (?!). Tới cuối thế kỷ 19, người ta vẫn coi thứ Sáu là “ngày của đao phủ” và mọi cuộc hành quyết đều diễn ra nhằm ngày này.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người không tin số 13 là “xấu”. Ngày 13-1-1882, thứ Sáu, 13 chàng trai “dũng cảm và háo danh” đã tụ tập nhau lại tại New York (Mỹ). Những kẻ “không biết sợ ai” ấy đã lập ra “Club (câu lạc bộ) 13”, với mức hội phí cả năm là 1,13 USD, mỗi tháng là 13 cents (xu) hay… 13 USD cả đời. Sau hơn một thế kỷ tồn tại của “Club 13” hiện giờ đã con số hội viên đã vượt quá con số 1.300 người như “dự tính ban đầu”. Những dạng “câu lạc bộ bất hạnh” tương tự cũng có cả ở London và nhiều thành phố khác ở phương Tây. Năm 1886 “Club 13” ở New York còn thuyết phục được cả Nữ hoàng Tây Ban Nha phong tước hiệu cho con trai mình là Thái tử Alfonso XIII nữa.
Ai cũng biết, cho dù chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, nhưng nhiều địa phương ở Hoa Kỳ số 13 không được đặt cho các tầng cao ốc hay các phòng bệnh. Theo cơ quan thống kê liên bang Hoa Kỳ, thì “bệnh dịch 13” đã làm nước Mỹ mất đi mỗi năm chừng một tỉ USD, do sự không chịu đi làm, thay đổi vé tàu xe đã mua, cũng như sức mua hàng sụt giảm vào ngày 13 hàng tháng. “Hiểm họa số 13” cũng lan tới cả ngành chinh phục vũ trụ: như trường hợp của phi thuyền Apollo 13 được phóng lên hồi 13 giờ 13 phút từ đường băng số 39 (3 lần 13) và gặp sự cố vào ngày 13-4-1970!
Người Việt Nam bị ảnh hưởng bởi văn hoá Trung Quốc, nên cũng có xu hướng thích các số 6, 8 và 9. Hơn nữa, theo quan niệm “sinh, lão, bệnh, tử” các số 1 và 5 cũng được chuộng hơn các số khác. Tuy nhiên, không biết từ nguồn gốc nào những con số 9 vẫn là con số được ưa chuộng nhất khi gắn cho điện thoại hay xe máy, xe ô tô. Tuy nhiên, số 9 ở hàng đơn vị (đứng riêng một mình) quá hiếm, nên người ta phải chấp nhận các trường hợp tổng các chữ số trừ 10, 20 … bằng 9. Thí dụ, số xe ô tô của anh hàng xóm nhà tôi là 552.16. Cách tính của các tỉnh miền Bắc (lấy Hà Nội làm đại diện) và các tỉnh miền Trung (lấy Huế làm đại diện) sao cho tổng các chữ số (trong bảng số xe) bằng 9 là khác nhau. Số 552.16 là số “đẹp” của Huế vì tổng các chữ số là 5+5+2+1+6 =19, và 19-10=9, nhưng lại không phải là số “đẹp” của Hà Nội, vì khi có kết quả trung gian là 19, người Hà Nội lại tiếp tục cộng các con số 1+9=10. Bảng số xe 552.16 chỉ tương đương với 1 “nút”.
Cuối cùng, nếu có các con số may mắn thật, thì chúng chỉ có thể đem vận may đến cho một người nào đó hết sức tình cờ. Có lẽ đó chính là sự công bằng của tạo hoá, để ai cũng có quyền hy vọng.
Đỗ Nam