Rung nhĩ – Đột quỵ não

Theo các chuyên gia về bệnh lý Tim mạch – Đột quỵ, nghiêm cứu trên thực nghiệm đã chỉ ra rằng: Rung nhĩ có nguy cơ bị đột quỵ não cao gấp 3-5 lần so với người không bị rung nhĩ, có khoảng 15% trường hợp rung nhĩ liên quan với đột quỵ não.

Tại châu Âu và Bắc Mỹ (2014), rung nhĩ ảnh hưởng đến khoảng 2% đến 3% dân số. Hiện nay, thế giới có khoảng 0,6% nam giới và 0,4% nữ giới mắc bệnh rung nhĩ. Tỷ lệ người có rung nhĩ gia tăng theo độ tuổi với 0,14% đến dưới 50 tuổi, 4% từ 60 đến 70 tuổi, và 14% trên 80 tuổi bị ảnh hưởng.

Định nghĩa rung nhĩ

Rung nhĩ là một rối loạn nhịp trên thất với đặc trưng bởi tình trạng mất đồng bộ điện học và sự co bóp cơ tâm nhĩ với các đặc điểm điện tâm đồ: các khoảng R-R không đều nhau (khi dẫn truyền nhĩ thất còn tốt), không còn dấu hiệu của sóng P, các hoạt động bất thường của sóng nhĩ.

Yếu tố nguy cơ chính của rung nhĩ

– Tuổi trên 60.

– Tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, suy tim, bệnh lý van tim.

– Tiền sử phẫu thuật tim mở.

– Ngừng thở khi ngủ.

– Bệnh lý tuyến giáp.

– Đái tháo đường.

– Bệnh phổi mạn tính.

– Lạm dụng rượu/sử dụng chất kích thích.

– Nhiễm trùng/bệnh lý nội ngoại khoa nặng.

Triệu chứng lâm sàng

Rung nhĩ gây ảnh hưởng huyết động liên quan đến tần số đáp ứng thất bất thường (quá nhanh hoặc quá chậm) và sự mất sự đồng bộ giữa nhĩ và thất. Rung nhĩ gây ra triệu chứng rất khác nhau trên các bệnh nhân: từ không triệu chứng đến mệt mỏi, hồi hộp, khó thở hoặc các triệu chứng nặng như tụt huyết áp, ngất hoặc suy tim.

Tuy nhiên, biểu hiện của bệnh lại không điển hình và bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể mắc bệnh.

Chẩn đoán rung nhĩ

Chẩn đoán bằng điện tâm đồ – đây là một xét nghiệm thường quy. Có thể được phát hiện nhờ các thiết bị di động theo dõi nhịp tim trong khoảng thời gian dài như Holter điện tâm đồ.

Điều trị rung nhĩ cần được bắt đầu ngay khi xác định được chẩn đoán.

Nguyên nhân rung nhĩ

Bệnh thường gặp trên nhóm đối tượng mắc một số bệnh lý như tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh van tim, bệnh cơ tim, hay đái tháo đường, béo phì, cường giáp,…

Đối với tình trạng rung nhĩ kịch phát và dai dẳng, cách điều trị phổ biến là sốc điện để chuyển nhịp tim theo phác đồ, hay dùng thuốc chống đông và thuốc chống loạn nhịp.

Rung nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ não và/hoặc tắc mạch ngoại vi do hình thành các huyết khối trong buồng nhĩ, thường là khởi phát từ tiểu nhĩ trái.

Tuổi càng lớn thì nguy cơ mắc bệnh càng cao và gây những biến chứng như tăng huyết áp, bệnh van tim, cơ tim, động mạch vành và suy tim.

Theo ghi nhận của các bác sĩ lâm sàng, người trên 70 tuổi nguy cơ rung nhĩ 30%, còn bệnh nhân suy tim độ 4 thì mối nguy đến 50%.

Bệnh nhân bị rung nhĩ thường hình thành cục máu đông trong tim. Cục máu đông này có thể trôi theo dòng máu lên não gây đột quỵ não. Do đó bác sĩ thường cho bệnh nhân dùng thuốc kháng đông để ngăn ngừa đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tắc tĩnh mạch ở chân hay tắc tĩnh mạch phổi.

Dự phòng đột quỵ não do rung nhĩ

Bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ chế độ điều trị của bác sĩ chuyên khoa, tái khám đầy đủ, sử dụng các thuốc kháng đông theo chỉ định, kịp thời thông báo cho bác sĩ về tình trạng bệnh.

Hội nghị Tim mạch châu Âu (ESC) (2016), thuốc kháng đông đường uống được xem là một trong những liệu pháp mới được ưu tiên sử dụng hơn liệu pháp kháng vitamin K (còn gọi là warfarin) để phòng ngừa đột quỵ não cho bệnh nhân rung nhĩ không do van tim. Thuốc kháng đông đường uống mới có nhiều ưu điểm như: liều cố định, ít tương tác thuốc và thức ăn, không cần theo dõi INR (chỉ số theo dõi tình trạng đông máu) qua xét nghiệm máu. Nhờ đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bệnh nhân tuân thủ chế độ điều trị của bác sĩ, góp phần giảm các xét nghiệm và thăm khám thường xuyên.

Theo nghiên cứu ROCKET (nghiên cứu về tính hiệu quả và an toàn của thuốc) cho thấy, so với warfarin, thuốc kháng đông đường uống mới loại ức chế trực tiếp yếu tố Xa. Hiệu quả phòng ngừa đột quỵ và thuyên tắc mạch hệ thống so với warfarin ít nhất là tương đương và giảm đáng kể tỷ lệ xuất huyết nặng đe dọa tính mạng, nhất là trên nhóm bệnh nhân rung nhĩ không do van tim.

Khi sử dụng thuốc cần hạn chế thức ăn chứa vitamin K như rau xanh, bắp cải, rau muống, gan heo, gan bò, gan gà vịt, bơ thực vật, ngò tây, củ hành xanh, đậu xanh, dầu đậu nành, dầu hướng dương. Không uống hơn hai ly rượu mỗi ngày. Lưu ý khi mang thai cần báo ngay cho bác sĩ, vì thuốc có thể gây dị tật thai nhi.

TS.BS. Nguyễn Đức Hoàng

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email