Những điều cần biết về sở hữu trí tuệ

Bất cứ khi nào một sản phẩm mới vào thị trường và thu hút khách hàng thành công, không sớm thì muộn sẽ bị đối thủ cạnh tranh sản xuất các sản phẩm giống hoặc tương tự. Đổi mới, sáng tạo và nâng cao hàm lượng tri thức cho các sản phẩm, dịch vụ là nhân tố chính quyết định sức cạnh tranh và sự sống còn của công ty, đơn vị sản xuất kinh doanh trên thị trường. Cũng chính điều này, công ty, đơn vị sản xuất kinh doanh đang cần một giải pháp để quản lý có hiệu quả đổi mới sáng tạo và tri thức của họ một cách hữu hiệu.

Tại sao cần phải sở hữu trí tuệ

Trong một số trường hợp, đối thủ cạnh tranh sẽ hưởng lợi từ việc tiết kiệm về quy mô sản xuất, khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn, có quan hệ tốt hơn với các nhà phân phối chính hoặc tiếp cận với các nguồn nguyên liệu thô rẻ hơn và do đó, có thể sản xuất một sản phẩm tương tự hoặc giống hệt với giá thành rẻ hơn, tạo áp lực nặng nề lên nhà sáng tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ nguyên gốc. Đôi khi, điều này sẽ đẩy nhà sáng tạo gốc ra khỏi thị trường, đặc biệt khi mà họ đã đầu tư đáng kể vào việc phát triển sản phẩm mới thì đối thủ cạnh tranh lại hưởng lợi từ kết quả đầu tư đó và chẳng mất một xu nào cho thành quả sáng tạo và sáng chế của nhà sáng tạo gốc. Đây là lý do quan trọng duy nhất để các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải cân nhắc khi sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ để bảo vệ sản phẩm sáng tạo và sáng chế của mình nhằm mang lại cho họ các độc quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thương hiệu, tác phẩm văn học nghệ thuật và các tài sản vô hình khác. Bảo hộ theo pháp luật sở hữu trí tuệ mang lại quyền sở hữu đối với tác phẩm sáng tạo hoặc đổi mới, do đó, hạn chế phạm vi sao chép và bắt chước của đối thủ cạnh tranh một cách đáng kể.

Tài sản vô hình

Tài sản của một doanh nghiệp nhìn chung được chia thành hai loại: tài sản hữu hình – gồm nhà xưởng, máy móc, tài chính và cơ sở hạ tầng – và tài sản vô hình – gồm từ nguồn nhân lực và bí quyết kỹ thuật đến ý tưởng, chiến lược, kế hoạch kinh doanh, thương hiệu, kiểu dáng và các kết quả vô hình khác được tạo ra bởi các tài năng sáng tạo và đổi mới của công ty. Theo truyền thống, tài sản hữu hình là tài sản có giá trị chính của một công ty và được coi là có tính quyết định trong việc xác định khả năng cạnh tranh của một doanh nghiệp trên thị trường. Trong những năm gần đây, điều này đã thay đổi cơ bản. Các doanh nghiệp đang nhận ra rằng các tài sản vô hình đang trở nên có giá trị hơn so với tài sản hữu hình.

Ngày nay, nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực kinh doanh thuê các công ty khác thực hiện phần lớn công việc sản xuất và chủ yếu tập trung vào việc tạo ra sản phẩm và kiểu dáng mới và quảng bá thương hiệu (hoặc nhãn hiệu) của mình để thu hút khách hàng. Trong khi sản phẩm được thiết kế một nơi thì việc sản xuất các sản phẩm đó lại được thực hiện ở nơi khác. Đối với những doanh nghiệp này, giá trị tài sản hữu hình của họ có thể rất ít, nhưng tài sản vô hình của họ (ví dụ, danh tiếng thương hiệu và/hoặc quyền sở hữu độc quyền các công nghệ quan trọng hoặc các kiểu dáng hấp dẫn) – những nhân tố chính cho thành công của họ – lại có giá trị rất cao.

Việc bảo hộ pháp lý tài sản vô hình thông qua hệ thống sở hữu trí tuệ mang lại cho chủ sở hữu độc quyền sử dụng những tài sản đó trong kinh doanh, biến tài sản vô hình thành quyền sở hữu độc quyền trong một thời hạn nhất định. Quay trở lại ví dụ nêu trên, doanh nghiệp thuê gia công để sản xuất sản phẩm của mình có thể tiếp tục mở rộng hoạt động của mình vì các đối tượng để bán chính trong sản phẩm của họ là kiểu dáng sáng tạo, các công nghệ và/hoặc nhãn hiệu độc quyền – tất cả những đối tượng đó đều là tài sản tư hữu độc quyền nhờ việc sử dụng có hiệu quả việc bảo hộ do hệ thống sở hữu trí tuệ mang lại.

Các biện pháp để bảo hộ sở hữu trí tuệ

Tùy thuộc vào bản chất của tài sản vô hình của cá nhân, đơn vị, pháp luật có những công cụ pháp lý khác nhau để giúp đỡ bảo vệ tài sản vô hình của mình. Cụ thể đó là:

– Các sản phẩm và quy trình sáng tạo có thể được bảo hộ theo sáng chế và giải pháp hữu ích;

– Các kiểu dáng sáng tạo, gồm kiểu dáng dệt may, được bảo hộ theo kiểu dáng công nghiệp;

– Thương hiệu được bảo hộ theo nhãn hiệu;

– Mạch bán dẫn được bảo hộ theo thiết kế bố trí hoặc mạch tích hợp bán dẫn;

– Chỉ dẫn hàng hóa có chất lượng hay danh tiếng nhất định gắn với xuất xứ địa lý được bảo hộ theo chỉ dẫn địa lý;

– Bí mật thương mại bảo hộ thông tin bí mật có giá trị thương mai;

– Ở hầu hết các nước, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật và văn học, kể cả phần mềm máy tính và sưu tập dữ liệu, được bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan.

Sở hữu trí tuệ được chia làm 2 nhóm chính: (1) Sở hữu công nghiệp bao gồm 06 trong 07 nhóm đối tượng nêu trên. (2) Quyền tác giả và quyền liên quan gồm nhóm đối tượng cuối cùng.

Bảo hộ sở hữu trí tuệ khiến tài sản vô hình trở nên “hữu hình hơn một chút” bằng cách biến chúng thành những tài sản độc quyền.

Trí Huế

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email