Ứng dụng Hue-S cung cấp chức năng hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, khách du lịch phản ánh toàn diện các hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Ngày 22/5, thông tin từ Trung tâm điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên Huế cho hay, bắt đầu từ ngày 5/6, sẽ áp dụng thêm dịch vụ Thông tin cảnh báo.
Dịch vụ Thông tin cảnh báo là một chức năng trong ứng dụng trên điện thoại di động Hue-S (Dịch vụ đô thị thông minh).
Sắp ra mắt chức năng cảnh báo cho người dân
Ứng dụng Hue-S cung cấp chức năng hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, khách du lịch phản ánh toàn diện các hoạt động trên địa bàn tỉnh khi nhận thấy các vấn đề bất cập bằng cách gửi phản ánh về Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh kèm theo hình ảnh chụp hoặc quay video, clip.
Theo đó, với chức năng cảnh báo thông qua ứng dụng Hue-S, cơ quan nhà nước sẽ chuyển tải đến cho người dân những thông tin có tính chất cảnh báo, nhằm hỗ trợ cho người dân sớm nhận diện và phòng tránh như: Tình trạng giao thông; Tình hình cung ứng điện nước; Các hình thức lừa đảo; Tình hình thời tiết nguy hiểm…
Trung tâm này cũng thông báo về điều kiện sử dụng dịch vụ. Cụ thể, dịch vụ được cung cấp miễn phí; Cá nhân, tổ chức tải ứng dụng Hue-S để sử dụng và nhận thông báo. Đối với các nhân, tổ chức đã cài đặt Hue-S cần lưu ý cập nhật phiên bản.
Lộ trình triển khai chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn 1, cơ quan nhà nước cung cấp thông tin cảnh báo 1 chiều cho người dân nắm. Trong khi đó, ở giai đoạn 2, sẽ hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin cảnh báo tức thời đối với những sự kiện đang diễn ra trên thực tế. Và ở giai đoạn 3 sẽ hoàn thiện cộng đồng tương tác cảnh báo hướng đến nhà nước và người dân cùng tham gia toàn diện vào hoạt động cảnh báo.
Thời gian triển khai giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 5/6/2019. Để sử dụng, người dùng cần tải ứng dụng ở địa chỉ
Trong một buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Văn Phương – Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận và đánh cao những kết quả đạt được của tỉnh Thừa Thiên Huế trong xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh.
Ông Phương còn nhấn mạnh, những thế mạnh của Thừa Thiên Huế trên các lĩnh vực này là kinh nghiệm tốt cho các địa phương trong nước đến trao đổi, học tập để triển khai hiệu quả và phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Hy vọng, thời gian tới, Thừa Thiên Huế sẽ là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh.
Được biết, đến nay, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh đã đưa vào vận hành chính thức 7 dịch vụ: Giám sát đô thị qua cảm biến camera; Phản ánh hiện trường; Giám sát thông tin báo chí; Giám sát dịch vụ hành chính công; Thẻ điện tử; Cảnh báo mạng lưới đô thị thông minh; Giám sát quảng cáo điện tử.
Số lượng camera giám sát của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh có 60 camera được kết nối, 182 camera của các phường, xã, hồ đập thủy điện và các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đang tiến hành các giải pháp kết nối trong thời gian sắp tới. Ngoài ra, Sở Thông tin Truyền thông đang khảo sát và đầu tư 102 camera theo như đề án Phát triển dịch vụ đô thị thông minh tỉnh.
Hệ thống camera sử dụng hạ tầng, giải pháp phân tích hình ảnh dùng chung, đường truyền, hệ thống lưu trữ tập trung, giải pháp quản lý camera tập trung tại Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh.
Hiện nay, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh đang tập trung giám sát thông qua camera về các lĩnh vực trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, bước đầu đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm (hơn 35 trường hợp). Ngoài ra, còn thường xuyên trích xuất hình ảnh cơ sở dữ liệu phục vụ công tác điều tra trong các lĩnh vực giao thông, an ninh (10 trường hợp).