Xã Quảng Thái có diện tích đầm phá 650 ha, với hơn 500 hộ dân tham gia sinh sống đánh bắt nguồn lợi thủy sản trên đầm phá Tam Giang. Đây là tiềm năng thúc đẩy sự bứt phá vươn lên phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do sự khai thác nguồn lợi thủy sản trong khu vực một cách ồ ạt, phá Tam Giang bị ô nhiễm dẫn đến dịch bệnh ở vật nuôi thường xuyên xảy ra, số lượng thủy sản tự nhiên ngày càng vơi dần. Để bảo vệ môi trường phá Tam Giang, trong thời gian gần đầy chính quyền xã và ngư dân 2 thôn Trung Làng và Lai Hà chung tay xây dựng các quy chế bảo vệ môi trường.
Diện tích mặt nước phá Tam Giang rộng 650 ha là điều kiện thuận lợi cho hơn 500 hộ dân của 2 thôn Trung Làng và Lại Hà sinh sống. Hàng năm nguồn thu nhập trên lĩnh vực đánh bắt nuôi trồng thủy sản đạt trên 5 tỷ đồng. Vì nguồn lợi mang về khá lớn, trong khi ở đây chưa cấp quyền khai thác mặt nước cho các chi hội ngề cá, tình trạng manh ai nấy làm diễn ra khá phổ biến, ngư dân trong và ngoài xã tập trung mọi phương tiện dung cụ để khai thác nguồn lợi thủy sản trong khu vực này do vậy dẫn đến tình trạng môi trường ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng, tình hình dịch bệnh ở các đối tượng nuôi thường xuyên xảy ra, thu nhập của người dân ngày càng giảm sút. Tại thôn Trung Làng có hơn 80% người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt nuôi trồng thủy sản, trong thôn đã có 150 hộ tham gia nuôi cá lồng trên phá Tam Giang. Theo anh Trần Tiễn, một ngư dân nuôi cá lồng ở thôn Trung Làng, cho hay: “Trước đây nuôi cá lồng trên phá Tam Giang rất thuận lợi, nguồn nước chưa bị ô nhiễm, rong tảo trên phá rất nhiều người nuôi chỉ bỏ công đi vợt rong tảo cho cá ăn thoải mái. Nhưng 3 năm trở lại đây lĩnh vực nuôi cá lồng của người dân chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, các đối tượng dùng cào máy để cào lươn, cào hến, dùng xung điện để đánh bắt nguồn lợi thủy sản nên đã làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, số lượng rong tảo ngày càng ít đi, nguồn thức ăn cho cá trở nên khan hiếm, đặc biệt tình trạng ô nhiễm môi trường đã làm cho vật nuôi bị nhiễm bệnh”
Quả thực như vậy, trước đây trên vùng phá Tam Giang thuộc địa phận xã Quảng Thái chưa được cấp quyền khai thác mặt nước, mạnh ai nấy làm nên những trộ nò, sáo, miệng đáy, cũng như các dụng cụ đánh bắt nguồn lợi thủy sản khác được người dân sử dụng dày đặc làm cản trở dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường nước. Đặc biệt những năm trở lại đây tình trạng phát triển mạnh lừ xếp đã tác động rất lớn đến tài nguyên thủy sản trên phá Tam Giang. Bởi lẽ, hầu hết ngư dân trên địa bàn xã đều sử dụng các loại lừ mắt lưới quá nhỏ nên cá từ con lớn đến con nhỏ đều bị đánh bắt dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Trước thực trạng trên, với sự giúp đỡ của dự án “Huy động sự tham gia của người dân để bảo vệ môi trường phá Tam Giang”, chính quyền địa phương, người dân xã Quảng Thái đã thống nhất soạn thảo quy chế hoạt động đánh bắt nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường mặt nước phá Tam Giang. Theo đó, huy động sự tham gia của nhân dân nhằm bảo vệ môi trường, xây dựng các cơ chế phù hợp huy động khả năng của cộng đồng trở thành những người hỗ trợ chính cho việc giám sát bảo vệ môi trường và ngăn chặn các hành vi tiêu cực làm cho môi trường bị ô nhiễm và suy thoái; tăng cường sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp về môi trường. Mỗi chi Hội Nghề cá có trách nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động đánh bắt khai thác nguồn lợi thủy sản, kiểm tra rà soát tình trạng khai thác nguồn lợi thủy sản trái phép. Mỗi hội viên trong chi hội phải có trách nhiệm cùng với chi hội tích cực phát hiện đấu tranh tình trạng khai thải thủy sản trái phép, đóng góp kinh phí, ngày công lao động để thu gom số lượng rác thải, bao bì ni lông khu vực đầm phá, nơi nuôi trồng thủy sản để bảo vệ môi trường. Những nỗ lực bảo vệ và tái tạo nguồn lợi của xã Quảng Thái là rất đáng ghi nhận trong thời gian qua. Tuy nhiên, rất dễ nhận thấy, nạn khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt bằng những chiếc lừ có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn chưa giảm đáng kể khiến nguồn lợi đứng trước nguy cơ tận diệt. Ông Phan Nông – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hơn 90% số lao động trong nghề khai thác thủy sản của xã sử dụng lừ xếp. Biết nghề này tận diệt nguồn lợi, chúng tôi đã nhiều lần vận động nhưng tình trạng vẫn chưa khả quan. Quyết tâm hạn chế nạn hủy diệt nguồn lợi thủy sản, chúng tôi đã vận động người dân chuyển đổi sinh kế, hạn chế và loại bỏ dần số lưới lừ kích cỡ mắt lừ quá nhỏ”. Đặc biệt từ tháng 7 năm 2014 hai Chi hội Nghề cá Trung Làng, Lai Hà đã được UBND huyện Quảng Điền trao quyết định giao quyền quản lý và khai thác nguồn lợi thủy sản trên phá Tam Giang với diện tích 500 ha, trong đó Chi hội Trung Làng 300 ha, Chi hội Lai hà 200 ha. Từ sau khi được trao quyền quản lý mặt nước và ban hành quy chế hoạt động khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên phá Tam Giang, tình trạng khai thác thủy sản ồ ạt ở khu vực này đã giảm đáng kể, dần dần trả lại môi trường trong lành cho phá Tam Giang.
Với sự quan tâm của chính quyền cùng như người dân xã Quảng Thái đối với môi trường phá Tam Giang, tin tưởng rằng tài nguyên thủy sản sẽ được bảo vệ, khai thác một cách hợp lý, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân vùng đầm phá.
Công Cương