Tác giả: TS. Đặng Thanh Phú
Cùng với việc bồi đắp, truyền giảng những giá trị đạo đức và nhân văn, tôn giáo còn phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc dưới nhiều hình thức phong phú, trong đó có hoạt động hợp tác quốc tế để gắn kết toàn cầu. Tôn giáo còn có vai trò quan trọng đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Đứng trước bối cảnh mới hiện nay, tôn giáo Việt Nam tiếp tục phát huy để đưa đất nước hội nhập quốc tế, vững bước vào kỷ nguyên mới.
Sự đa dạng, vai trò của tôn giáo ở Việt Nam
Là một quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời, Việt Nam hiện có 54 dân tộc với nhiều tôn giáo khác nhau. Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện nay có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm 27% dân số cả nước. Ở Việt Nam không có sự phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo, không có mâu thuẫn, xung đột giữa các tôn giáo, người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau cùng chung sống hài hòa trong cộng đồng các dân tộc khác nhau. Các tôn giáo ở Việt Nam gồm những tôn giáo có nguồn gốc du nhập từ bên ngoài, như: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Tôn giáo Bahai, v.v…; những tôn giáo nội sinh, như: Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Phật giáo Tứ Ân Hiếu nghĩa, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, v.v…Cùng với sự đa dạng về tôn giáo, tại Việt Nam còn có sự đa dạng của các loại hình tổ chức tôn giáo, trong đó có những tôn giáo chỉ có một tổ chức duy nhất (Phật giáo, Công giáo) và cũng có những tôn giáo có rất nhiều tổ chức khác nhau (Tin Lành, Cao Đài).
Đến nay, Đảng và Nhà nước luôn có những chính sách, chủ trương nhằm phát huy vai trò của tôn giáo trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và xem các tín đồ các tôn giáo là nguồn nhân lực quan trọng có nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Việc phát huy vai trò của tôn giáo được thể hiện qua việc khuyến khích tôn giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, đóng góp nguồn lực quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, góp phần thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở của Đảng và Nhà nước. Với chính sách đối ngoại rộng mở của Đảng và Nhà nước, hoạt động quốc tế của các tổ chức, cá nhân tôn giáo diễn ra rất đa dạng, phong phú. Nhiều đoàn tôn giáo ra nước ngoài dự hội nghị, hội thảo, mở rộng quan hệ quốc tế với các tổ chức tôn giáo quốc tế, tham gia diễn đàn khu vực và quốc tế, như: Đối thoại liên tín ngưỡng Á – Âu (ASEM), đối thoại Liên tín ngưỡng khu vực châu Á Thái Bình Dương v.v…Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn đã được tổ chức trọng thể, thành công ở nước ta và được dư luận thế giới đánh giá cao như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam 4 lần đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp quốc; Giáo hội Công giáo tổ chức Tổng hội Dòng Đa minh thế giới; Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức hội nghị Giám mục Á châu.
Những hoạt động trên đã góp phần giới thiệu, quảng bá về đất nước, con người Việt Nam, về các tôn giáo, lịch sử, văn hóa của Việt Nam đến bạn bè quốc tế, góp phần đáng kể vào công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước và đối ngoại nhân dân, giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về đời sống tôn giáo Việt Nam, chính sách nhất quán tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Tôn giáo ở Việt Nam không chỉ là một thành tố của văn hóa mà còn thực sự là một nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước.
“Ngoại giao tôn giáo” thế giới
Trên thế giới, Ngoại giao tôn giáo được hiểu là hoạt động sử dụng các tín ngưỡng, thể chế và nhà lãnh đạo tôn giáo để thúc đẩy đối thoại, thúc đẩy hòa bình và giải quyết xung đột giữa các cộng đồng hoặc quốc gia khác nhau. Hình thức ngoại giao này nhấn mạnh vai trò của đức tin trong quan hệ quốc tế, sử dụng thẩm quyền đạo đức của các nhân vật tôn giáo và các giá trị chung của các truyền thống đức tin để xây dựng cầu nối giữa các đối thủ và khuyến khích sự hiểu biết.
Khác với các hoạt động ngoại giao truyền thống, “ngoại giao tôn giáo” tập trung vào các chiều kích đạo đức và luân lý của quan hệ quốc tế. Trong khi ngoại giao truyền thống thường nhấn mạnh vào các cuộc đàm phán dựa trên lợi ích chính trị, hoặc kinh tế, “ngoại giao tôn giáo” tìm cách giải quyết xung đột thông qua các giá trị và niềm tin chung. Nó thường liên quan đến sự tham gia của các nhà lãnh đạo tôn giáo có ảnh hưởng đến cộng đồng ở cấp cơ sở, thúc đẩy đối thoại và thúc đẩy hòa bình dựa trên các nguyên tắc đức tin. Ngoại giao tôn giáo thường thể hiện qua các nội dung như: đối thoại liên tôn (cuộc trò chuyện giữa các cá nhân hoặc nhóm có tôn giáo khác nhau nhằm mục đích thúc đẩy sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau), quyền lực mềm (khả năng ảnh hưởng đến người khác thông qua sự thu hút và thuyết phục thay vì ép buộc, thường sử dụng các biện pháp văn hóa hoặc ý thức hệ), giải quyết xung đột (quá trình giải quyết tranh chấp hoặc xung đột bằng cách giải quyết các vấn đề cơ bản và tạo điều kiện cho kết quả hòa bình).
Đến nay nhiều nước đã áp dụng ngoại giao tôn giáo hết sức hiệu quả, trở thành một “công cụ quyền lực mềm quốc gia” trong hội nhập quốc tế và gắn kết toàn cầu. Với Ấn Độ, trong lịch sử, nước này đã đến Đông Nam Á bằng con đường hòa bình, thương mại và tôn giáo, đặc biệt là sự truyền bá Phật giáo và Ấn Độ giáo từ Ấn Độ vào Đông Nam Á. Chính phủ Ấn Độ nhấn mạnh đến kết nối các mối quan hệ văn hóa Phật giáo, Hindu giáo của Ấn Độ với các quốc gia Đông Nam Á. Để đạt được mục tiêu này, quốc gia này đã đặt 35 “trung tâm” và “tiểu trung tâm” của Hội đồng quan hệ văn hóa của Ấn Độ tại các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á. Phật giáo và Hindu giáo được truyền đến khu vực này trở thành một phần quan trọng trong văn hóa tinh thần và đại chúng, hòa nhập, tiếp biến với phong tục địa phương và các cơ sở thờ tự (đền, tháp, chùa) cũng được xây dựng nhiều. Bên cạnh đó, thông qua Cơ quan Khảo sát Khảo cổ học Ấn Độ (ASI), Chính phủ Ấn Độ triển khai hỗ trợ bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa về Phật giáo và Hindu giáo ở các quốc gia Đông Nam Á. Tại Trung Đông, Ngoại giao tôn giáo là một thành phần thiết yếu của các quan hệ quốc tế trong khu vực giàu tính đa dạng văn hóa và tín ngưỡng. Đây là một hình thức ngoại giao đặc biệt, liên quan đến những tương tác giữa các quốc gia, các nhóm chính trị và các tổ chức tôn giáo, nhằm thúc đẩy hòa bình, giải quyết xung đột và tăng cường sự hiểu biết liên tôn giáo.
Vận dụng hiệu quả “Ngoại giao tôn giáo” của Đảng, Nhà nước ta
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ hết sức quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo hoạt động tại Việt Nam. Điều này thể hiện cụ thể qua văn kiện của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021), đó là “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Pháp huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”.
Từ quan điểm trên của Đảng, các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã hiện thực hóa thành các chương trình nghị sự cụ thể như: nhân chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh tương lai và Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 tại New York, Hoa Kỳ vào ngày 22/9/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp Thủ tướng Tòa thánh Vatican, Hồng y Pietro Parolin. Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Tòa thánh Vatican đánh giá cao những tiến triển tích cực trong quan hệ giữa Việt Nam – Vatican, nổi bật là Đại diện thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam và Văn phòng Đại diện thường trú tại Hà Nội đã đi vào hoạt động trong năm 2024. Hai nhà lãnh đạo cho rằng việc duy trì trao đổi đoàn cấp cao và cơ chế họp Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam – Vatican đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Thủ tướng Vatican, Hồng y Pietro Parolin vào ngày 19/11/2024 (Nguồn: Ban Tôn giáo Chính phủ).
Vào tháng 4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Tòa thánh Vatican nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam. Đến ngày 19/11/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Vatican, Hồng y Pietro Parolin trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil. Tại buổi tiếp xúc, hai bên đã bày tỏ vui mừng quan hệ giữa Việt Nam – Tòa thánh thời gian qua có nhiều tiến triển tích cực, thể hiện qua các chuyến thăm, tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao hai bên.
Một điểm nhấn của hoạt động tôn giáo trong năm 2025 là Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2025 do Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc (ICDV), Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng tổ chức, đã khai mạc tại Học viện Phật giáo Việt Nam vào ngày 6/5/2025. Đây là Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần thứ 20 và Việt Nam là quốc gia lần thứ tư được vinh dự đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak 2025. Đại lễ Vesak 2025 có hơn 2.700 đại biểu tham dự, trong đó có khoảng 1.200 đại biểu quốc tế đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Vesak 2025 tại Việt Nam với thông điệp chính là: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”. Trong giáo lý Phật giáo, triết lý đoàn kết và bao dung là hai yếu tố cốt lõi thể hiện tinh thần từ bi, trí tuệ và hướng đến hạnh phúc an lạc chung của cộng đồng, sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc. Giáo hội và cộng đồng Phật giáo thế giới được xây dựng trên nguyên tắc sống lục hòa tạo nên một tập thể tăng đoàn thanh tịnh, một cộng đồng sống an vui và vững mạnh.
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại Lễ khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần thứ 20 – Vesak 2025 (Nguồn: VGP).
Trong toàn văn phát biểu của Chủ tịch nước Lương Cường tại Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2025, Chủ tịch nước khẳng định: “Ở Việt Nam, Đại lễ Vesak là sự kiện tôn giáo quốc tế lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào phật tử và người dân có cảm tình với Phật giáo trên toàn thế giới, trong đó có giáo hội phật giáo, đất nước và con người Việt Nam. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đánh giá cao và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tôn giáo, trong đó có Phật giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, thực hiện nhất quán chính sách tôn giáo và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và coi đó là nền tảng quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Việc tổ chức thành công Đại lễ Vesak 2025 là một minh chứng hùng hồn, khẳng định nhiều giá trị nhân văn và thành tựu to lớn của đất nước, con người Việt Nam, trong đó có vai trò của “Ngoại giao tôn giáo”.
Thay lời kết
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng khẳng định: “thông qua công tác ngoại giao tôn giáo đã nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam với cộng đồng quốc tế”.
Và trong mỗi giai đoạn đổi mới của đất nước, trong sự nghiệp đối ngoại nhân dân, trong cuộc đấu tranh vệ biên giới, hải đảo, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, hoạt động tôn giáo nói chung và “ngoại giao tôn giáo” nói riêng đã đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của đất nước. Các tôn giáo Việt Nam đã luôn thực hiện tốt đường lối đối ngoại, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trên thế giới, tiếp tục đồng hành cùng đất nước, cùng dân tộc vững bước vào kỷ nguyên mới./.