Ngoại giao Kinh tế: Đòn bẩy đưa Việt Nam vươn mình

Tác giả: TS. Đặng Thanh Phú

Từ tên gọi “Ngoại giao thương mại”, đến nay “Ngoại giao Kinh tế” đã ngày càng trở nên phổ biến và thông dụng, phục vụ hiệu quả cho mục tiêu phát triển kinh tế của một quốc gia, bao gồm Việt Nam. Việt Nam đã vận dụng “Ngoại giao Kinh tế” như một động lực giải quyết các thách thức toàn cầu để vững chắc bước vào kỷ nguyên mới?.

Theo cách hiểu truyền thống hoạt động ngoại giao nhằm củng cố mối quan hệ chính trị giữa các quốc gia để tạo điều kiện phát triển các mối quan hệ khác. Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa và khoa học công nghệ cũng như sự phân công lao động quốc tế đã làm cho kinh tế trở thành nhân tố đóng vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế. Kinh tế đồng thời trở thành yếu tố quyết định sức mạnh tổng hợp của một quốc gia và quan hệ kinh tế trở thành yếu tố kết nối trong quan hệ chính trị giữa các nước.

Ngoại giao kinh tế là hoạt động ngoại giao liên quan đến các vấn đề kinh tế, bao gồm công tác của các đoàn ngoại giao cho đến các hội nghị quốc tế; theo dõi và báo cáo chính phủ về tình hình, chính sách kinh tế của nước nhận đại diện nhằm có những biện pháp thích hợp tạo nên sự ảnh hưởng đến kinh tế nước đó, đồng thời cũng liên quan đến việc sử dụng các nguồn tài nguyên kinh tế, các biện pháp như trừng phạt kinh tế nhằm theo đuổi những mục tiêu cụ thể của chính sách đối ngoại.

Từ chính sách áp thuế đối ứng mới bất ngờ của Mỹ

Vào ngày 02/4, cả thế giới chấn động trước tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu với hơn 180 nền kinh tế. Theo đó, lần lượt các nước như Anh (10%), Brazil (10%), Singapore (10%), Ukraine (10%), Venezuela (15%), Liên minh châu Âu (20%), Malaysia (24%), Nhật Bản (24%), Hàn Quốc (25%), Ấn Độ (26%), Indonesia (32%). Trung Quốc và Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất, lần lượt là 34% và 46%. Và chỉ khoảng nửa giờ sau công bố mức thuế, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kí sắc lệnh áp thuế, bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 09/4. Với sắc lệnh này, Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố độc lập kinh tế của Mỹ và sẽ sử dụng số tiền thu được từ thuế quan để giảm thuế và trả nợ quốc gia, đồng thời lưu ý các nước nếu muốn được miễn trừ khỏi chính sách thuế đối ứng của Mỹ thì nên thay đổi chính sách thương mại. Tuyên bố của ông Trump được xem là cứng rắn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế mới tại sự kiện ở vườn Hồng, Nhà Trắng ngày 02/4

Đến ngày 09/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục đưa ra quyết định khá bất ngờ khi hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày và giảm mức thuế xuống còn 10% đối với 75 quốc gia. Quyết định này có hiệu lực ngay khi công bố. Lí do Mỹ hoãn áp thuế với các nước là vì các quốc gia này không đáp trả Mỹ, ngược lại thúc đẩy các giải pháp đàm phán với phía Mỹ nhằm tháo gỡ các vấn đề liên quan đến thương mại, rào cản thương mại, thuế quan, thao túng tiền tệ và thuế quan phi tiền tệ. Riêng với Trung Quốc, nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên 125%.

Vận dụng “Ngoại giao Kinh tế” linh hoạt, chủ động

Chỉ hai ngày sau công bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về mức thuế đối ứng của Mỹ, Việt Nam đã có những phản ứng linh hoạt, chủ động và tức thời. Ngày 04/4, tức chỉ hai ngày sau công bố của Mỹ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump để bàn về thuế quan. Điều này cho thấy Việt Nam hết sức nghiêm túc và nỗ lực đàm phán để tìm tiếng nói chung với Mỹ nhằm giải quyết vấn đề thuế quan giữa hai bên.

Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 06/4

Tại cuộc điện đàm, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác song phương vì lợi ích hai nước và đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới, đồng thời khẳng định Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ vào Việt Nam; đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam và tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Mỹ mà Việt Nam có nhu cầu và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Mỹ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã mời Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân sớm thăm Việt Nam. Ngay sau đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đã cử Đặc phái viên của Tổng Bí thư là Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc sang Mỹ để triển khai đàm phán thuế quan với phía Mỹ.

Trong khi đó, tại cuộc điện đàm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim vào ngày 06/4, ngoài nội dung trao đổi về tình hợp tác song phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thúc đẩy hợp tác nội khối ASEAN trong bối cảnh Mỹ công bố chính sách thuế quan mới và đề xuất sớm tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN trong thời gian đến.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim ngày 06/4

Cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Mỹ đã tiếp Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc. E.Knapper để khẳng định thông điệp lớn của Tổng Bí thư Tô Lâm, đồng thời đề nghị Tổng thống Donald Trump lùi thời hạn áp thuế đối ứng với hàng hóa Việt Nam trong quá trình đàm phán thuế quan giữa hai nước.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E.Knapper (Nguồn: VGP)

Tại cuộc họp thứ 4 của Thường trực Chính phủ vào ngày 10/4 để bàn về ứng phó với chính sách thuế quan mới của Mỹ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã quyết định thành lập Đoàn đàm phán với Mỹ và cử Bộ trưởng Bộ Công thương làm Trưởng đoàn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thành lập đoàn đàm phán với phía Mỹ do Bộ trưởng Bộ Công thương làm Trưởng đoàn

Có thể thấy, chỉ trong thời gian rất ngắn kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp đặt mức thuế đối ứng mới đối với Việt Nam, thì lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã gần như có những bước đi hết sức chủ động, linh hoạt và kịp thời. Từ các cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, hay cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với người đồng cấp Malaysia, đến phái cử Đặc phái viên của Tổng Bí thư sang Mỹ, và tức tốc thành lập các Tổ công tác, đoàn đàm phán của Việt Nam để thực hiện đàm phán với phía Mỹ. Tất cả điều này cho thấy ngoại giao đã thật sự trở thành một công cụ sắc bén, phục vụ phát triển kinh tế của đất nước thông qua giải quyết vấn đề về cán cân thương mại và thuế quan.

Quốc tế và chuyên gia đánh giá về Việt Nam

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Malaysia đã đánh giá cao Tổng Bí thư Tô Lâm khi có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời bày tỏ Malaysia và các nước ASEAN nhất trí và ủng hộ cách tiếp cận của Việt Nam trong vấn đề xử lý thuế quan với Mỹ.

Hãng thông tấn Mỹ Latinh Prensa Latina đăng bài viết về chính sách linh hoạt của Việt Nam

Bên cạnh đó, hàng loạt các hãng thông tấn nước ngoài đưa tin cho rằng Việt Nam đã ứng phó linh hoạt trước thuế quan đối ứng của Mỹ. Hãng thông tấn Mỹ Latin Prensa Latina đã có bài viết với tựa đề “Việt Nam lực chọn cách tiếp cận linh hoạt với chính sách thuế quan của Mỹ” và nêu bật cách tiếp cận “linh hoạt, thông minh, tỉnh táo và sáng tạo” của Việt Nam trước chính sách thuế quan của Mỹ.

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) ông Mark Gillni thì cho rằng: “tôi nghĩ những chính sách trong thời gian vừa qua của Việt Nam cho thấy cách tiếp cận rất là thiện chí, rất kịp thời. Tôi nghĩ Việt Nam đã rất thông minh và kiên nhẫn khi không thực hiện đáp trả và cố gắng để phân tích những động thái từ phía Hoa Kỳ”.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đưa ra nhận xét: “chúng tôi kỳ vọng Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt trong khoảng thời gian ngắn sắp tới sẽ có những biện pháp phù hợp để đàm phán cùng Chính phủ Hoa Kỳ. Chúng tôi cho rằng đây có thể là thời điểm tốt, cơ hội tốt để Việt Nam tiến hành quá trình cải cách mạnh mẽ hơn”.

Cùng với quốc tế, các chuyên gia trong nước cũng đã đưa ra những đánh giá, nhận xét về chính sách linh hoạt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong ứng phó với thuế quan của Mỹ. TS Vũ Thành Tự Anh, Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam cho rằng “Định hướng của chúng ta là đúng đắn”, đồng thời nhấn mạnh “Ngoại giao kinh tế trong thời gian tới là tối quan trọng”. TS Vũ Thành Tự Anh khuyến nghị Việt Nam cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và bằng chứng xác thực để thuyết đối tác Mỹ, cần chủ động vận động chính sách, đặc biệt là với những nhân vật có ảnh hưởng đến Tổng thống Trump.

Như vậy, trong bối cảnh kinh tế thế giới thay đổi hàng ngày, hàng giờ, thì “Ngoại giao Kinh tế” ngày càng trở thành một công cụ hữu hiệu để Việt Nam nhìn thấy trước, xa hơn những vấn đề sắp diễn ra nhằm chuẩn bị tâm thế trong một thế giới đầy biến động. Mặc dầu những thử thách trong ứng phó với chính sách thuế quan mới của Mỹ còn ở phía trước, song những gì mà Việt Nam đã làm được cho đến nay phần nào khẳng định một chính sách “Ngoại giao Kinh tế” hiệu quả, tích cực và trở thành một động lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới./.

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email