Tác giả: TS. Đặng Thanh Phú
Giáo dục là nền tảng mà xã hội phát triển, đổi mới và thịnh vượng. Trong thế giới kết nối ngày nay, những thách thức mà giáo dục phải đối mặt, từ sự chênh lệch trong khả năng tiếp cận giáo dục chất lượng đến nhu cầu học tập suốt đời cần có các giải pháp toàn cầu. Đây chính là nơi ngoại giao giáo dục đóng vai trò quan trọng. Cùng với đối ngoại kinh tế, văn hóa, “ngoại giao giáo dục” góp phần như thế nào để đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới.
“Ngoại giao giáo dục”
Ngoại giao là nghệ thuật và thực hành xây dựng và duy trì mối quan hệ giữa các quốc gia, tổ chức hoặc cá nhân thông qua giao tiếp, đàm phán và hợp tác hiệu quả. Nó bao gồm sự khéo léo, tôn trọng về văn hóa, cho phép các bên thúc đẩy quan hệ đối tác và đạt được các mục tiêu chung.
Trong bối cảnh giáo dục, ngoại giao đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp các bên liên quan như chính phủ, tổ chức, cộng đồng để hợp tác về các chính sách và sáng kiến thúc đẩy giáo dục của hai nước hay giáo dục toàn cầu. Thông qua ngoại giao, các khoảng cách về văn hóa, chính trị được thu hẹp để đảm bảo một tương lai toàn diện, công bằng cho tất cả mọi người.
Ngoại giao giáo dục có vai trò quan trọng nhờ tạo ra các cơ hội giáo dục xuyên quốc gia và tạo điều kiện cho đối thoại giữa các quốc gia, các “nhà ngoại giao giáo dục” đảm bảo rằng lợi ích của giáo dục được chia sẻ trên toàn cầu. Họ ủng hộ các chính sách cho phép sinh viên từ nhiều nền tảng khác nhau tiếp cận giáo dục ở nước ngoài, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu thúc đẩy đổi mới và hướng tới việc công nhận lẫn nhau về trình độ để tạo ra một thế giới kết nối hơn.
“Ngoại giao giáo dục” phát triển từ khi nào
Trên thế giới, Hoa Kỳ là quốc gia có nền giáo dục tiên tiến thuộc loại bậc nhất. Từ thập niên 60 của thế kỷ 20, Hoa Kỳ là quốc gia thiểu số bị thù địch, ngay cả trong phạm vi châu Mỹ. Tuy nhiên, quốc gia này đã có chính sách hết sức đặc biệt, đó là cung cấp các khoản đầu tư hàng triệu đô la Mỹ cho các nước Mỹ La tinh. Một trong những thế chế được Hoa Kỳ chú trọng là việc triển khai các chương trình giáo dục chính thức. Khoảng 300 trường học Bắc Mỹ đã được thành lập cùng với sự gia tăng của các hoạt động thương mại tại khu vực này, đặt tại tất cả hai mươi nước cộng hòa ở Mỹ Latinh.
Ngoài Bắc Mỹ, châu Âu cũng là khu vực đóng vai trò quan trọng trong quan hệ “ngoại giao giáo dục” với Mỹ. Từ mô hình của nước Mỹ cho thấy nước này đã đặt ra quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong giáo dục đại học từ lâu. Quan hệ ngoại giao giáo dục giữa Mỹ và châu Âu được công nhận bởi rất nhiều “thể chế” như: Chương trình trao đổi sinh viên Erasmus, Viện giáo dục Quốc tế (IIE), Hiệp hội các Nhà Giáo dục Quốc tế (NAFSA), Chương trình Fulbright tại Hoa Kỳ; Hội đồng Anh, Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức, Chương trình Fulbright-Schuman.
Trong khi đó, trong quan hệ ngoại giao giáo dục giữa châu Âu và Trung Quốc đã xuất hiện một loại hình có tên gọi là “Ngoại giao sinh viên – sinh viên”. Theo đó, Trung Quốc và các nước châu Âu đã có nhiều hình thức trao đổi sinh viên qua lại vì mục đích học tập và trao đổi học thuật.
Nước Nga không ngoại lệ. Nước Nga đã nỗ lực phát triển vị thế của một cường quốc giáo dục hàng đầu thế giới. Trong ngoại giao giáo dục của mình, nước Nga ưu tiên mở rộng các hình thức giáo dục xuyên quốc gia, thành lập các cơ sở giáo dục ở nước ngoài, hướng đến các hoạt động thúc đẩy giáo dục đại học Nga.
Một quốc gia khác có nền giáo dục phát triển mạnh, hiệu quả, đó là Hàn Quốc. Với Hàn Quốc, giáo dục được xem như là một công cụ sức mạnh mềm trong quan hệ ngoại giao với các nước. Theo nước này, giáo dục là một trong những kênh tích cực và hiệu quả nhất tạo sự gắn kết giữa hai quốc gia.
Tại Đông Nam Á, các nước như Singapore, Malaysia đã đưa ra các thể chế ngoại giao giáo dục khá đa dạng, như: Chương trình hợp tác Singapore, các học bổng toàn phần như Học bổng quốc tế sau đại học (SINGA), học bổng sau đại học của Hiệu trưởng Nanyang (NPGS), học bổng quốc tế Malaysia (MIS) nhằm thu hút sinh viên quốc tế tài năng theo học bậc sau đại học tại các trường công lập và tư thục được chính phủ lựa chọn.
“Ngoại giao giáo dục” – Hướng đi đúng của Việt Nam
Đến nay, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính phủ hết sức quan tâm đến đổi mới và phát triển giáo dục của đất nước. Cùng với việc ban hành các chính sách giáo dục kịp thời, lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm đến các kênh ngoại giao quốc tế, trong đó có “Ngoại giao giáo dục” để thúc đẩy hợp tác về giáo dục với các quốc gia, các trường đại học, các tổ chức giáo dục quốc tế tiên tiến trên thế giới.
Điều này đã được thể hiện rõ nét trong buổi tiếp và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào ngày 31/3 với đoàn đại biểu gồm 21 trường đại học danh tiếng hàng đầu của Mỹ tham dự chương trình trao đổi học thuật quốc tế 2025 tại Việt Nam. Chương trình Đối tác Học thuật Quốc tế (IAPP) 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam và Viện Giáo dục Việt Nam Hoa Kỳ phối hợp thực hiện. Phái đoàn Mỹ tham dự IAPP có hơn 40 lãnh đạo cấp cao của 21 trường đại học danh tiếng và phía Việt Nam có 30 trường đại học lớn trên cả nước.
Chương trình IAPP là hoạt động nhằm kết nối chiến lược các trường đại học Việt Nam với trường đại học của Mỹ nhằm hỗ trợ các trường đại học của hai bên xây dựng Kế hoạch hợp tác thiết thực, hiệu quả và bền vững. Nội dung hợp tác tập trung vào lĩnh vực STEM, bao gồm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ICT, bán dẫn – vi mạch, AI, tự động hóa, công nghệ sinh học, vật liệu tiên tiến, năng lượng xanh, luật quốc tế, nông nghiệp và bền vững, sức khỏe, giáo dục, Đông Nam Á học, ngôn ngữ Việt Nam học.
Chủ tịch danh dự Viện Giáo dục Hoa Kỳ (IIE), Tiến sĩ Allan E.Goodman
Trước đó, vào tháng 9/2024, nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 và làm việc tại New York, Mỹ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thăm Đại học Columbia, một tổ chức giáo dục đại học lâu đời nhất ở bang New York và lâu đời thứ 5 ở Mỹ, đồng thời là một trong những trung tâm nghiên cứu quan trọng nhất thế giới, và là môi trường học tập đặc biệt và nổi bật dành cho sinh viên đại học và nghiên cứu sinh trong nhiều lĩnh vực học thuật.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Đại học Columbia
Phát biểu trước các giáo sư, sinh viên của Đại học Columbia, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định “để một mối quan hệ phát triển, các bên cần đẩy mạnh nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, con người, hệ thống chính trị, kinh tế – xã hội của nhau. Do đó, tôi đánh giá cao Chương trình Việt Nam học của Đại học Columbia và việc ký thỏa thuận hợp tác giữa trường và Đại học Vin. Nhìn rộng ra, tôi cho rằng nếu các quốc gia hiểu, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, cùng nhau xây dựng lòng tin thì thế giới sẽ thêm hòa bình, bớt xung đột. Trong thời đại khoa học công nghệ, chúng ta có thể tranh thủ những phương thức mới như nền tảng và công cụ số để thúc đẩy sự kết nối rộng rãi và hiểu biết sâu sắc hơn giữa các dân tộc”.
Gần đây, trong chuyến thăm chính thức đến Việt Nam của Nhà vua Bỉ Philippe và hoàng hậu vào tháng 3/2025, đáng chú ý là trong phái đoàn của Nhà vua và hoàng hậu, có sự tháp tùng của nhiều trường đại học, viện nghiên cứu. Phát biểu tại buổi gặp, Tổng Bí thư nhấn mạnh hai nước cần tiếp tục làm sâu sắc hợp tác trong các lĩnh vực, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thực chất trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là chia sẻ mô hình phát triển doanh nghiệp từ môi trường đại học của Bỉ, góp phần giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển đến năm 2030 và 2045. Tổng Bí thư đồng thời đánh giá cao đội ngũ chuyên gia Việt Nam được đào tạo tại Bỉ trong những năm qua, đã đóng góp tích cực vào công tác quản lý nhà nước và nền kinh tế Việt Nam.
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Nhà vua Bỉ Philippe
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam hiện nay có quan hệ hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo với các nước có nền giáo dục, đào tạo tiên tiến, hiện đại như Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Sỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Trung Quốc…Việt Nam đã thu hút được 605 dự án đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư lên tới 4,57 tỷ USD, khoảng 430 chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài được triển khai tại 65 cơ sở giáo dục đại học trong nước, có 5 cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Riêng bậc đại học, cả nước có 408 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, trong đó có 186 chương trình do các cơ sở giáo dục đại học tự chủ cấp phép và 222 chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép thực hiện. Những quốc gia, vùng lãnh thổ đứng đầu về liên kết chương trình đào tạo với Việt Nam là Vương Quốc Anh (101 chương trình), Mỹ (59 chương trình), Pháp (53 chương trình), Úc (37 chương trình), Hàn Quốc (27 chương trình).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) tháng 3/2025 (Nguồn: VNU Media)
Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong giai đoạn 2013-2022, Việt Nam đã cử 11.657 lượt người, gồm 4.049 tiến sĩ, 1.877 thạc sĩ, 5.070 đại học và 661 thực tập ra nước ngoài học tập tại hơn 40 nước trên thế giới. Nhiều tổ chức quốc tế về giáo dục, đào tạo hoạt động tại Việt Nam như: Hội đồng kiểm định các trường và chương trình kinh doanh (ACBSP), Hội đồng kiểm định các chương trình đào tạo kỹ thuật và công nghệ (ABET), Viện kiểm định, chứng nhận và bảo đảm chất lượng Đức (ACQUIN)… đã góp phần vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ lao động, thực hành công việc cho sinh viên.
Như vậy, “Ngoại giao giáo dục” đã góp phần vào sự nghiệp giáo dục của đất nước thông qua tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nghiên cứu khoa học, giảng dạy của các trường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; quảng bá, giới thiệu nền văn hóa, giáo dục Việt Nam ra thế giới, tăng cường sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia, dân tộc trên thế giới và thu hút các trường đại học, tổ chức uy tín quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đến Việt Nam.
Tuy nhiên, từ quyết tâm của lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước về tiếp cận và đổi mới giáo dục, để qua đó đưa Việt Nam vững bước trên con đường hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Hơn bao giờ hết, Việt Nam cần phải có một nguồn nhân lực chất lượng cao để nắm bắt các thành tựu của khoa học, công nghệ tiên tiến của các nước và thế giới, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong giai đoạn mới. Để làm được điều này, thì “Ngoại giao giáo dục” cần được phát huy để trở thành một công cụ đắc lực, hiệu quả, góp phần mạnh mẽ vào quá trình phát triển của đất nước./.