Bệnh động mạch vành là một bệnh thường gặp và có tỷ lệ tử vong cao. Ở Việt Nam, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, bệnh động mạch vành ngày càng phổ biến và đã trở thành một vấn đề thời sự. Do tính chất phổ biến và nghiêm trọng của bệnh mà trong nước cũng như trên thế giới đã có nhiều công trình đi sâu nghiên cứu về cơ chế bệnh sinh, yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành để tìm ra hướng chẩn đoán, điều trị và dự phòng tối ưu cho bệnh này. Tại Huế, kỹ thuật này được triển khai từ năm 1998, TS.BS. Hồ Anh Bình cùng TS.BS. Nguyễn Cửu Lợi đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật can thiệp trong điều trị bệnh nhân có tổn thương động mạch vành tại bệnh viện Trung Ương Huế” nhằm đánh giá hiệu quả của phương pháp can thiệp động mạch vành trên thực tế lâm sàng.
Nội dung của đề tài bao gồm: Khảo sát biểu hiện lâm sàng và các yếu tố nguy cơ tim mạch ở các bệnh nhân bị động mạch vành; Khảo sát đặc điểm và các hình thái tổn thương động mạch vành; Đánh giá hiệu quả điều trị và mức độ an toàn của phương pháp can thiệp động mạch vành qua da ở bệnh nhân động mạch vành.
Kết quả đề tài cho thấy đặc điểm biểu hiện lâm sàng, cận lâm sàng cũng như các yếu tố nguy cơ xuất hiện trên bệnh nhân được thực hiện kỹ thuật can thiệp động mạch vành. Đây là đề tài có số lượng bệnh nhân lớn nhất, với 1711 bệnh nhân, được thực hiện can thiệp động mạch vành một cách bài bản, có hệ thống và được theo dõi kỹ càng sau can thiệp. Từ đó đề tài đã cung cấp những kinh nghiệm rất quí báu cho các bác sỹ không những ở Thừa Thiên Huế mà trong cả nước khi tiến hành kỹ thuật can thiệp động mạch vành. Đây là kỹ thuật ít xâm lấn được thực hiện bằng đường vào động mạch đùi, hoặc động mạch quay, dưới hệ thống máy DSA hiện đại. Bệnh nhân được can thiệp nong, đặt stent động mạch vành để điều trị bệnh tổn thương động mạch vành, nhồi máu cơ tim. Đó là những bệnh rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao. Nếu không thực hiện kỹ thuật này, bệnh nhân phải chịu đựng một cuộc đại phẩu tim hở để bắc cầu nối động mạch vành. Khi so sánh với kỹ thuật tim hở thì kỹ thuật can thiệp động mạch vành qua da sẽ giúp cho bệnh nhân hồi phục nhanh chóng, một số bệnh nhân có thể ra viện ngay ngày hôm sau ( kỹ thuật tim hở phải nằm viện từ 7-10 ngày).
Kỹ thuật này là xu hướng tất yếu trong điều trị bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim trên thế giới. Việc áp dụng thành công kỹ thuật này giúp chúng ta tiệm cận với nền y học tiên tiến của thế giới. Việc áp dụng thành công kỹ thuật can thiệp động mạch vành qua da tại bệnh viện Trung Ương Huế đem lại cơ hội cứu sống cho hàng ngàn bệnh nhân ở miển Trung và Tây nguyên. Kỹ thuật này được các nhà khoa học ở bệnh viện Trung Ương Huế đã và đang chuyển giao cho một số bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh như: bệnh viện C Đà Nẵng, bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, bệnh viên Trung Ương Việt Nam – Cu Ba, bệnh viện Đa khoa Quảng Trị.
Ban Tổ chức Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VIII đã đánh giá cao những đóng góp về mặt khoa học và hiệu quả của đề tài này.
Huệ Tâm