Nghề truyền thống Huế – Mạch nguồn di sản qua góc nhìn nhiếp ảnh

Tác giả: Khánh Phong

Hội Khoa học Lịch sử thành phố Huế

Huế từng là vùng đất được xem là Thần kinh trọng địa, được tạo hóa ban cho nhiều danh lam thắng cảnh và chứa đựng trong mình nhiều di sản văn hóa đặc trưng riêng. Bên cạnh đó, Huế từng là thủ phủ của xứ Đàng Trong, kinh đô dưới triều Tây Sơn, kinh đô dưới thời Nguyễn cho nên Huế đã trở thành nơi hội tụ nhiều nghệ nhân tinh hoa của cả nước và có nhiều nghề truyền thống được lưu truyền cho đến ngày nay.

Ngày 12/12, tại Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm và trình diễn nghề truyền thống Huế, đã diễn ra lễ trao giải và khai mạc triển lãm cuộc thi ảnh năm 2024 với chủ đề “Nghề truyền thống Huế – Mạch nguồn di sản”. Tại không gian triển lãm đã có những bức ảnh đẹp phản ánh các ngành nghề thủ công truyền thống Huế do các Nghệ sĩ nhiếp ảnh đến từ Hà Nội, Huế thực hiện. Chính họ đã đem đến cho người xem nhiều hứng thú từ việc giới thiệu các nghề, làng nghề và nghệ nhân Huế đã gìn giữ vàng son cho nghề truyền thống xưa nay. Qua nghệ thuật nhiếp ảnh, các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã giới thiệu, quảng bá về tinh hoa bản sắc nghề truyền thống Huế, góp phần bảo tồn và phát triển nghề. Đồng thời giới thiệu rộng rãi tới công chúng những hình ảnh đẹp được ghi lại qua ống kính nhiếp ảnh.

Các tác phẩm đã miêu tả được nét đẹp trong quy trình sản xuất và sản phẩm của nghề truyền thống Huế. Các nghề và làng nghề truyền thống vốn có từ lâu đời ở Huế đã tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa Huế, đều được các nghệ sĩ nhiếp ảnh gửi gắm vào trong từng tác phẩm đó là nghề hoa giấy Thanh Tiên của Lê Huy Hoàng Hải, Phan Thị Xuân Mai, Cao Nguyễn Xuân Đạt; nghề tranh làng Sình với 3 bức ảnh của Phan Thị Xuân Mai; nghề đan lát mây tre làng Bao La, đan gùi của người Tà Ôi, Cơtu thể hiện qua các tác phẩm của Ngô Thanh Minh, Đặng Văn Trân, Lê Thanh Tâm, Tôn Nữ Ngọc Mai, Đặng Thị Tuyết Mai, Nguyễn Khoa Huy, Nguyễn Hữu Đính; nghề đan đệm bàng Phò Trạch của các tác giả Lê Đình Hoàng, Nguyễn Khoa Huy; nghề gốm Phước Tích có Lê Tấn Thanh, Hoàng Quốc Vĩnh. Bên cạnh đó có nhiều ngành nghề nhộn nhịp không khí phục vụ Tết Huế như nghề gói bánh tét, bánh gói, nghề nung ông Táo, nghề làm bánh hạt sen, nghề làm mứt gừng, nghề trồng hoa làng Phú Mậu…được các nghệ sĩ nhiếp ảnh gạo cội của Huế thể hiện trên từng đường nét của bức ảnh như Vĩnh Hướng, Lê Văn Minh, Hoàng Văn Phước, Lê Huy Hoàng Hải.

Tác phẩm Truyền nghề cho con cháu, của NSNA Lê Huy Hoàng Hải.

Trong những bức ảnh triển lãm đó, các nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng đã dành tình cảm yêu mến nghệ thuật của mình để hoàn thiện những bức tranh khắc họa rõ nét các nghệ nhân lưu giữ tri thức nghề truyền thống Huế như cố nghệ nhân hoa giấy Thanh Tiên Thân Văn Huy, cố nghệ nhân Gối tựa cung đình Tôn Nữ Trí Huệ, hoặc nghệ nhân vẽ tranh làng Sình Kỳ Hữu Phước, nghệ nhân làm bánh sâm, bánh dứa Nguyễn Xuân Lạng. Nhờ có những bức ảnh chân dung nghệ nhân truyền nghề này làm cho giới trẻ, khách tham quan sẽ hiểu thêm phần nào về sự đa dạng phong phú và mang giá trị nhân văn sâu sắc trong mỗi ngành nghề truyền thống Huế xưa nay.

Qua cuộc triển lãm ảnh Nghề truyền thống Huế – Mạch nguồn di sản, là nhằm thể hiện, lưu giữ nét đẹp của các nghề và làng nghề truyền thống Huế và góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống Huế, thúc đẩy việc giữ gìn và phát triển các nghề, làng nghề đồng thời tạo sân chơi cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh và nghệ nhân nghề truyền thống Huế. Các tác phẩm đã miêu tả chân thật cuộc sống thường ngày hình ảnh sống động của các làng nghề trong xã hội hiện đại, hình ảnh làm việc miệt mài của những người thợ để tạo ra những sản phẩm cho xã hội.

Hiện tại, Huế đã có 2 nghề truyền thống được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Nghề dệt dzèng của người Tà Ôi, huyện A Lưới công nhận theo quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL, ngày 21.11.2016 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; và Nghề làm bún Vân Cù, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà công nhận theo quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Vậy thì những triển lãm về làng nghề truyền thống Huế – Mạch nguồn di sản cần được quảng bá rộng rãi hơn nữa để tôn vinh thêm nhiều nghề, làng nghề và nghệ nhân góp phần bảo tồn một vốn văn hóa quý trong đô thị di sản trực thuộc Trung ương.

Một thực tế cho thấy là ẩm thực và nghề truyền thống là hai lĩnh vực trọng tâm căn bản, là đòn bẩy cho ngành công nghiệp văn hóa Huế hiện nay, nghề truyền thống Huế sẽ thổi hồn lịch sử văn hóa vào sự phát triển kinh tế – xã hội gắn liền với phát triển du lịch, dịch vụ. Vậy thì qua lần triển lãm các tác phẩm nhiếp ảnh với chủ đề Nghề truyền thống Huế – Mạch nguồn di sản, là việc làm cần được chú trọng và thường xuyên hơn nữa nhất là dịp Festival Nghề truyền thống Huế 2025 sắp tới.

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email