Tác giả: Khánh Phong
Sáng ngày 19/02, tại đình làng Vân Cù, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà đã diễn ra Lễ đón nhận bằng công nhận Nghề làm bún Vân Cù vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đúng vào dịp Lễ húy kỵ bà Bún. Đây không chỉ là một vinh dự to lớn đối với người dân Vân Cù mà còn là niềm tự hào chung của nhân dân thành phố Huế.
Đến dự có đồng chí Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế cùng các đồng chí đại diện Thành ủy, UBND thành phố, đại diện lãnh đạo thị xã Hương Trà, đại diện lãnh đại xã Hương Toàn, Ban điều hành làng Vân Cù và các nhà nghiên cứu đến tham dự.
Làng bún Vân Cù có lịch sử hơn 500 năm hình thành và phát triển, gắn liền với truyền thuyết về Bà Bún, người được xem là tổ nghề của làng. Chúng ta không chỉ tự hào về sản phẩm bún, mà còn tự hào hơn về nghề làm bún, một nghề đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo và tâm huyết của người thợ.
Từ xa xưa, nghề làm bún Vân Cù không chỉ là một phương thức mưu sinh, mà còn là nét văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây. Mỗi sợi bún không chỉ là sản phẩm của gạo, nước và bàn tay người thợ, mà còn là kết tinh của biết bao thế hệ gìn giữ nghề tổ. Họ không chỉ làm bún để bán, mà còn làm với cả niềm tự hào, sự trân trọng với nghề truyền thống của cha ông. Bởi nghề làm bún không đơn giản chỉ là sản xuất thực phẩm, mà còn là một phần linh hồn của làng, là ký ức, là bản sắc văn hóa của người dân làng Vân Cù.
Bún Vân Cù không chỉ là một sản phẩm ẩm thực, mà nghề làm bún chính là di sản cần được gìn giữ. Từng công đoạn trong quá trình làm bún, từ việc chọn gạo, ngâm, xay, ủ bột, ép bột, đến khi luộc bún…đều là những kỹ thuật được truyền từ đời này sang đời khác, không ngừng cải tiến nhưng vẫn giữ nguyên cốt lõi của nghề truyền thống.
Nghề làm bún Vân Cù được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là sự tôn vinh một nghề truyền thống, mà còn là sự ghi nhận những giá trị văn hóa sâu sắc của vùng đất này. Nhưng đi đôi với niềm vinh dự ấy là trách nhiệm lớn lao. Làm sao để nghề làm bún không chỉ tồn tại, mà còn phát triển, thích nghi với cuộc sống hiện đại mà vẫn giữ được giá trị truyền thống.
Trong thời gian tới, lãnh đạo xã Hương Toàn và bà con nhân dân làng Vân Cù đã xác định một số vấn đề để phát triển nghề bún một cách bền vững như sau:
- Tiếp tục chung tay bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề bún Vân Cù. Đó là sự kết hợp giữa truyền thống và sáng tạo, chung tay giữ giữ gìn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
- Phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, cộng đồng và du khách, trong đó lấy người dân là chủ thể để làm du lịch cộng đồng. Chủ động áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất bún theo hướng thân thiện, bảo vệ môi trường bền vững.
- Tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm bún Vân Cù đa dạng về mẫu mã, hình thức và thời hạn sử dụng; Kết nối với các nhà hàng, quán ăn truyền thống trong và ngoài thành phố để đưa bún Vân Cù trở thành nguyên liệu chính trong các món ăn đặc sản;
- Phát triển du lịch cộng đồng làng nghề truyền thống vì làng bún Vân Cù có đầy đủ điều kiện để trở thành một điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá Huế, một vùng đất di sản;
- Tăng cường thông tin về làng nghề truyền thống vào các chương trình giáo dục địa phương, lồng ghép vào các chương trình ngoại khóa, tìm hiểu về văn hóa quê hương. Từ đó giữ gìn, phát triển và quảng bá thương hiệu bún Vân Cù như một niềm tự hào không chỉ riêng của Huế mà còn của nền ẩm thực Việt Nam.
Việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa từ các làng nghề truyền thống không chỉ là nhiệm vụ của riêng các nghệ nhân mà cần sự chung tay của cả cộng đồng. Khi mỗi sản phẩm làng nghề được trân trọng, mỗi chuyến tham quan làng nghề được tổ chức, đó chính là cách chúng ta góp phần giữ gìn và lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Nhân dịp này, người dân và quan khách đã bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến các thế hệ nghệ nhân, những người thợ làm bún làng Vân Cù đã dành trọn tâm huyết để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống.
Mong rằng, với niềm tự hào và quyết tâm, chúng ta sẽ cùng nhau chung sức để nghề truyền thống làm bún Vân Cù và món ăn được chế biến từ Bún Vân Cù không chỉ mãi mãi là niềm tự hào của quê hương mà còn trở thành một thương hiệu vươn xa, góp phần đưa tinh hoa ẩm thực Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.