Một số kinh nghiệm hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế

Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế (Liên hiệp hội) là tổ chức chính trị – xã hội của trí thức khoa học và công nghệ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là thành viên của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, trải qua gần 25 năm xây dựng và phát triển, có chức năng tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hiện tại, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế có 45 hội thành viên; 9 Trung tâm, 2 Câu lạc bộ và một nhóm đánh giá tác động môi trường trực thuộc với khoảng 30.000 hội viên. Liên hiệp hội đã tập hợp được các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) chuyên sâu để nghiên cứu, đóng góp ý kiến đánh giá, tư vấn, phản biện và giám định xã hội về những chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế – xã hội và công trình trọng điểm của tỉnh.

Tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TV, PB & GĐXH) đã được Liên hiệp hội xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp hội tỉnh. Điều này đã được xác định rõ trong các văn kiện của Đảng và các Chỉ thị, Quyết định của Chính phủ và của tỉnh, như Quyết định số14/2014/QĐ-TTg ngày 14/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa hoc và Kỹ thuật Việt NamQuyết định số 2679/QĐ-UBND ngày 18/11/2015 của UBND tỉnh thừa Thiên Huế quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế … Thời gian qua, hoạt động TV, PB& GĐXH được Liên hiệp hội chú trọng, đã cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn giúp tỉnh có cơ sở định hướng, đề ra chiến lược phát triển kinh tế – xã hội phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Ngoài việc tham mưu để UBND tỉnh ban hành các chủ trương, chính sách, tập hợp chuyên gia, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng TV, PB & GĐXH, Liên hiệp hội luôn sẵn sàng tham gia hoạt động TV, PB & GĐXH để hiến kế cho các vấn đề quan trọng.

Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội và các hội thành viên có bước tiến tích cực. Trong vài năm trở lại đây, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức phản biện nhiều đồ án quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh và tham gia hội đồng thẩm định hàng chục đề tài, dự án khoa học, hàng trăm báo cáo đánh giá tác động môi trường và Báo cáo Kết quả thăm dò địa chất, khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Các báo cáo phản biện và thẩm định của Liên hiệp hội đã được các cơ quan chủ quản và chủ đề án, dự án đánh giá cao. Ngoài ra, hoạt động tư vấn, phản biện chuyên ngành của hội thành viên đã phát huy vai trò, cụ thể như Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị, Hội Khoa học Lịch sử… đã tham gia tư vấn và thẩm định nhiều đề án, dự án như: Quy hoạch, bảo tồn phát huy giá trị tổng thể Văn Thánh, Võ Thánh; dự án tu bổ hệ thống kinh thành Huế; Kế hoạch xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc …

Trong thời gian qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành tư vấn, phản biện có chất lượng, được các cơ quan liên quan đánh giá cao các đồ án quy hoạch của tỉnh, đó là: Quy hoạch điều chỉnh xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 định hướng đến năm 2050”, “Quy hoạch cát, sỏi xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 định hướng đến năm 2030”, “Quy hoạch chi tiết khu du lịch dịch vụ cao cấp Cồn Hến” và “Quy hoạch phát triển trạm thu phát sóng thông tin di động tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020”.

Đặc biệt, trong năm 2016, Liên hiệp hội đã được UBND tỉnh giao làm nhiệm vụ tư vấn, phản biện độc lập dự án Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương tỉnh Thừa Thiên Huế và các đề tài, dự án như: Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 5 năm (2016-2020); Quy hoạch ngành khoa học và công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030; Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tỉnh Thừa Thiên Huế và Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 định hướng đến 2030.

Nhìn chung, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của đội ngũ trí thức KH&CN Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua đã từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình, đã tập hợp các chuyên gia đóng góp được nhiều ý kiến tư vấn cho tỉnh trên nhiều lĩnh vực. Sở dĩ đạt được một số kết quả trên là do có cơ sở pháp lý của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, xây dựng tổ chức Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng hoàn thiện và vững mạnh cũng như nhận thức của xã hội và cố gắng nổ lực của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế.

Kinh nghiệm đầu tiên mà chúng tôi rút ra từ việc thực hiện thành công các nhiệm vụ phản biện xã hội là nếu thực hiện thành công các nhiệm vụ phản biện xã hội, vai trò và vị thế của Liên hiệp hội đã được nâng lên đáng kể. Ngay sau lần phản biện quy hoạch đầu tiên – quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, UBND tỉnh đã giao thêm 02 nhiệm vụ phản biện nữa. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cũng đã quyết định và yêu cầu UBND tỉnh tiếp tục giao cho Liên hiệp hội nhiệm vụ góp ý bằng văn bản quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Vai trò và vị thế của các liên hiệp hội được Chỉ thị 42 của Bộ Chính trị khẳng định, nhưng về mặt chủ quan, vai trò và vị thế của chúng ta, phải do việc làm của chính chúng ta khẳng định, mới bền vững.

Là Liên hiệp hội thực hiện hoạt động tư vấn, phản biện và Giám định xã hội chưa được nhiều và có phần hơi chậm, trước chúng tôi, các Liên hiệp hội của nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện nhiệm vụ này. Vì vậy, với các Liên hiệp hội chưa chủ động hoặc chưa được giao nhiệm vụ phản biện xã hội cần chú ý đến việc vận động UBND tỉnh, thành phố, làm cho UBND tỉnh, thành phố hiểu được các lợi ích của phản biện xã hội. Được phản biện xã hội, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án hoặc dự án sẽ có căn cứ khoa học vững chắc hơn, sẽ có sản phẩm hoàn chỉnh hơn, sẽ phù hợp hơn với thực tế phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Kinh nghiệm thứ hai mà chúng tôi rút ra được qua thực hiện nhiệm vụ phản biện xã hội là nhất thiết phải dựa vào các cơ sở khoa học để phản biện. Đặc biệt cần lưu ý rằng, nhóm phản biện không phản đối bất cứ điều gì, mà là xem xét vấn đề ở một góc nhìn khác, góc nhìn khoa học. Nếu thấy số liệu, nhận định của nhóm tư vấn có vấn đề, những người phản biện đại diện cho xã hội, vì trách nhiệm đối với xã hội, nếu muốn nói khác các nhà tư vấn, phải chỉ ra nhóm phản biện dựa vào số liệu của ai, dựa vào tài liệu khoa học nào,… Hơn nữa, không chỉ nói rằng họ sai chỗ này, chỗ kia, mà phải tiến thêm một bước xa hơn, cần đưa ra phương án của nhóm phản biện để so sánh, lựa chọn hoặc đưa ra phương án khắc phục những chỗ sai sót của các nhà tư vấn.

Tóm lại, Liên hiệp hội đã thực hiện các nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội, mặc dù chưa nhiều, nhưng theo chúng tôi, các nhiệm vụ đã thành công và nhờ đó, vai trò, vị thế của Liên hiệp hội đã tăng lên đáng kể. Tư vấn, Phản biện và giám định xã hội là sự thể hiện trách nhiệm của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ tham gia đóng góp trí tuệ vào các hoạt động của Nhà nước. Những kinh nghiệm nêu trên có thể áp dụng cho những Liên hiệp hội còn chưa hoặc ít triển khai thực hiện các nhiệm vụ này.

TS. Bùi Thắng

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email