Một số giải pháp phòng tránh nguy cơ sụt lún mặt đất: Giải pháp cảnh báo nguy cơ xảy ra sụt đất, Nhóm giải pháp phi công trình, Nhóm giải pháp công trình
1. Giải pháp cảnh báo nguy cơ xảy ra sụt đất
Giải pháp cảnh báo nguy cơ xảy ra sụt đất đơn giản là… “chạy”. Để “chạy” cũng phải có cách, phải thiết lập quy trình cảnh báo quy định khi nào cần chạy dựa trên bản tin dự báo thời tiết (mưa, lũ); cần đào tạo, tập huấn và thiết lập kế hoạch sơ tán cho người dân… Trước mắt, cần lồng ghép việc cảnh báo nguy cơ lũ quét với kế hoạch phòng tránh thiên tai. Với mạng lưới viễn thông, điện thoại bàn, cầm tay, Internet đã khá phổ biến như hiện nay thì đây có lẽ là giải pháp khả thi. Giải pháp cảnh báo nguy cơ sụt đất gồm các nội dung sau:
- Xác định các vùng cảnh báo sụt đất dựa trên tổ hợp vùng có nguy cơ sụt đất cao và có độ rủi ro cao. Xây dựng bảng hiệu cảnh báo nguy cơ sụt đất.
- Xây dựng quy trình cảnh báo sụt đất trong kế hoạch phòng tránh thiên tai của địa phương. Có kế hoạch đối phó, khắc phục khẩn cấp hậu quả khi có sụt đất xảy ra ở những vùng có nguy cơ cao và tập trung đông dân cư. Có thể tổ chức diễn tập theo tình huống để người dân địa phương cùng với chính quyền sở tại bình tĩnh và chủ động triển khai các hoạt động ứng cứu nhằm giảm nhẹ tối đa các tác động tiêu cực khi sụt đất xảy ra.
- Tập huấn, nâng cao nhận thức cho cộng đồng hiểu rõ nguyên nhân gây sụt, các tác động của sụt đất đến đời sống, ảnh hưởng đến phát triển KTXH và các giải pháp phòng tránh, khắc phục khi có sụt đất xảy ra; cần giải thích rõ những dấu hiệu nhận biết khả năng xảy ra sụt đất và những việc cần làm ngay khi phát hiện dấu hiệu gây sụt đất để tránh những thiệt hại, rủi ro đáng tiếc.
Tất nhiên không phải lúc nào cũng “chạy”. Người có thể chạy chứ các di sản văn hóa, nhà cửa, đường sá giao thông thì không thể di chuyển được, nên cần có các giải pháp các biện pháp công trình nhằm gia cố ổn định nền đất. Nhưng trước hết cần ưu tiên các giải pháp phi công trình.
2. Nhóm giải pháp phi công trình
Nhóm giải pháp này chủ yếu bao gồm các vấn đề về cơ chế – chính sách, qui hoạch, khoa học – công nghệ, nâng cao nhận thức cộng đồng, bao gồm các giải pháp sau:
- Định hướng qui hoạch sử dụng đất cũng như qui hoạch phát triển KTXH khu vực nghiên cứu theo hướng bền vững, phòng tránh thiên tai. Tại vùng có nguy cơ sụt đất cao, người dân vẫn có thể sinh sống được nếu có biện pháp phòng tránh đúng đắn, cần có biện pháp khắc phục thỏa đáng đối với các công trình đã có, không nên xây dựng công trình CSHT mới trên khu vực này. Không cấp phép cũng như nghiêm cấm tuyệt đối việc khai thác khoáng sản, các công trình xây dựng, các điểm dân cư nằm trong vùng có nguy cơ cao về sụt đất. Tại những vùng có nguy cơ sụt đất trung bình, không bố trí thêm khu dân cư tại đây, nhưng có thể xây dựng công trình công trình CSHT mới, nhưng cần chú ý thực hiện các giải pháp về khảo sát địa chất, thiết kế và thi công hợp lý, cần có đánh giá tác động đến môi trường của dự án đến khả năng gây ra sụt đất.
- Thiết lập mạng lưới quan trắc, quản lý các dạng thiên tai có nguy cơ cao ở địa phương, trong đó có sụt đất, đồng thời xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo kịp thời cho cộng đồng dân cư.
- Gia cố mặt đất bằng hệ rễ cây của thảm phủ thực vật, đồng thời bảo vệ rừng đầu nguồn chống xói mòn bề mặt. Khuyến khích người dân không tự ý khoan giếng, đào giếng trong vùng có nguy cơ cao.
3. Nhóm giải pháp công trình
Chiến lược giảm thiểu an toàn nhất là tránh các khu vực sụt lún và các khu vực dễ xuất hiện các hố sụt nhất. Biện pháp phòng ngừa này có thể được áp dụng cấm hoặc hạn chế phát triển ở các khu vực nguy hiểm nhất thông qua quy hoạch và quy hoạch sử dụng đất. Kế hoạch này thường hiệu quả nhất khi được phát triển bởi chính quyền địa phương. Tại các khu vực dễ bị sụt lún, người dân, các tòa nhà và cơ sở hạ tầng dễ bị tổn thương, nên giảm thiểu rủi ro bằng cách giảm tác động và mức độ nghiêm trọng của các nhân tố gây sụt lún. Vì việc kiểm soát các yếu tố như cấu trúc địa chất, sự vận động nước dưới đất và các quá trình sụt lún ở trên bề mặt thường rất khó khăn nên các giải pháp giảm thiểu thường yêu cầu lập kế hoạch cẩn thận và các thiết kế kỹ thuật cần tuân theo các qui trình – qui phạm.
Một số giải pháp công trình nhằm khắc phục, giảm thiểu nguy cơ sụt lún bao gồm: (1) Ngăn chặn việc rút nước và suy giảm mực nước ngầm; (2) Lót đáy kênh, suối để hạn chế thấm của nước mặt vào đất; (3) Xây dựng bề mặt không thấm nước với các loại vải địa kỹ thuật, bê tông phủ mặt…; (4) Xây dựng hệ thống thoát nước và chuyển hướng dòng chảy bề mặt; (5) Làm đầy các lỗ hỗng trong đất hoặc đá bằng vữa; (6) Xây dựng các tường chắn cát bên dưới các bờ sông để hạn chế quan hệ thủy lực giữa nước dưới đất và nước mặt.
Các loại biện pháp kỹ thuật cần được áp dụng để bảo vệ công trình khỏi phát triển hố sụt, tương tự như việc xây dựng công trình trên nền đất yếu. (1) Mở rộng móng (móng bè) hoặc dùng móng cọc thường được sử dụng để chuyển tải trọng công trình đến lớp đá gốc phía dưới; (2) Tăng cường độ cứng cho các kết cấu bên trên (dầm, sàn nhà).
Giải pháp đầu tư xây dựng các công trình với mục tiêu can thiệp vào môi trường tự nhiên hoặc hạn chế tối đa nguyên nhân tiềm ẩn gây sụt đất trên một phạm vi nhất định. Tuy nhiên, các giải pháp công trình thường mang tính thụ động, giá thành đắt, nếu không được thiết kế, thi công cẩn thận và xem xét chúng trong mối tương quan hỗ trợ với các biện pháp khác thì sẽ không thể mang lại hiệu quả như mong đợi.
BÙI THẮNG