Hướng tới việc phát triển bền vững đòi hỏi phải sử dụng hợp lý tài nguyên, sử dụng tài nguyên lâu bền sao cho hiệu quả kinh tế – xã hội cao nhất mà không phương hại tới môi trường.
Do đó, sử dụng hợp lý tài nguyên liên quan tới ba vấn đề, đó là:
Thứ nhất, sử dụng tài nguyên hệ thống đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao nhất, đáp ứng nhu cầu sử dụng hiện tại và nhu cầu sử dụng của thế hệ mai sau thông qua việc duy trì khả năng tái tạo tài nguyên để giành và lưu tồn.
Thứ hai, không phát sinh mâu thuẫn lợi ích sử dụng tài nguyên.
Thứ ba, không phương hại tài nguyên môi trường.
Như vậy, sử dụng hợp lý tài nguyên đòi hỏi hành động phát triển được quy hoạch theo chính sách phát triển, gắn liền với hành động quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường theo hệ thống thể chế và chính sách quản lý.
Như đã biết, giải pháp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, phải được xây dựng trên cơ sở phương án tổng thể, các cơ sở khoa học được nghiên cứu đồng bộ ở nhiều lĩnh vực khác nhau như địa chất, địa lý, thủy động lực học, giao thông, công trình, và các điều kiện xã hội nhân văn trong vùng. Vì thế, ở đây chỉ dừng lại là những đề nghị mang tính chuyên ngành nhằm góp phần xây dựng các phương án tổng thể.
Trên cơ sở tìm hiểu các quy luật tự nhiên và hướng bảo vệ đầm phá của các nước trên thế giới cho thấy thấy, vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở đây nên tiến hành theo hướng: tuân thủ khách quan, không đối đầu chống trả tự nhiên, mà ngược lại, tìm cách tránh né, lợi dụng nó. Từ những nghiên cứu trên cho phép nêu lên một số đề xuất sau:
Đối với nguồn nước và các trầm tích lấp cạn đầm phá, đây là vấn đề liên quan đến nhiều yếu tố như chế độ mưa lũ xói mòn, hoạt động kiến tạo, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, độ mở cửa các cửa biển… trong đó có những yếu tố con người. Nên bắt tay vào những yếu tố mà con người có thể tác động được theo hướng làm tăng hoàn lưu nước thẳng đứng và nằm ngang, tăng lưu thông nước qua các cửa biển nếu có thể được. Việc tăng hoàn lưu nước có thể bắt đầu ngay bằng việc quy hoạch các ngành nghề đánh bắt nuôi trồng hợp lý, trồng cây tạo thảm thực vật trên các cồn bãi, phủ xanh đồi núi trọc ở miền núi và vùng gò đồi đầu nguồn để chống xói mòn trên lưu vực, nhằm hạn chế lượng vật liệu phù sa và các chất độc do dòng chảy mặt mang đến.
Đối với các công trình công nghiệp, thủy nông, giao thông, có thể nói hiện nay, những công trình này chưa gây hậu quả lớn nhưng nếu không quan tâm đúng mức thì trong tương lai sẽ là những nguy cơ không nhỏ đối với môi trường đầm phá. Vì thế, nên từng bước xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường cho từng công trình (từ thi công đến hoạt động) để hạn chế và lường trước những hậu họa có thể xẩy ra. Với những công trình đã làm đặc biệt là các đập chứa đầu nguồn, nên tiến hành ngay việc đánh giá sự tác động của nó đến hệ đầm phá giúp ích cho việc lập kế hoạch hoạt động của các công trình thích hợp và ít ảnh hưởng nhất. Cần có biện pháp xử lý nước thải của các cơ sở công nghiệp và khai thác mỏ ở vùng ven đầm phá nhằm bảo vệ môi trường nước, tránh sự ô nhiễm trong khi đã được cảnh báo.
Với nuôi trồng thủy sản, cần có quy hoạch các vùng phát triển nuôi trồng, nghiên cứu và xây dựng phương án đào lắp ao nuôi phù hợp. Việc đào vớt chất đáy cần phải dựa trên đặc điểm và sự phân bố trầm tích. Tránh đào đắp bừa bãi tạo ra sự phân hủy chuyển lưu huỳnh từ dạng khử sang dạng axit trong môi trường oxi hóa gây ra ô nhiễm. Mặt khác cần có chính sách quản lý khoa học và chặt chẽ thông qua các cấp chính quyền về các nghề đánh bắt, về các vùng nuôi trồng, về ngư cụ sử dụng, nghiêm cấm các nghề và ngư cụ đánh bắt mang tính hủy diệt sinh thái và động thực vật chưa đến độ tuổi khai thác. Có biện pháp quản lý chặt chẽ các nguồn gen quý hiếm của hệ sinh thái này để ngày càng xứng đáng trở thành khu bảo tồn thiên nhiên thế giới.
Với dân cư trong vùng, nên có các chương trình tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ môi trương nói chung trong đó có đầm phá nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và xã hội hóa công tác bảo vệ môi trương. Phổ biến các kiến thức về hoạt động tự nhiên liên quan đến đầm phá nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng về hướng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở hệ đầm phá nhằm làm tốt công tác quy hoạch theo dự báo khoa học để giảm thiểu thiệt hại.
TS. Bùi Thắng