Các thành tạo magma xâm nhập lộ ra trên lãnh thổ Thừa Thiên Huế có tuổi từ Paleozoi đến Kainozoi.
Phức hệ Đại Lộc (γD1 đl) gồm các khối Động Ngại, Bình Điền, ARam, Khe Tion. Thành phần gồm granit biotit dạng porphyr, áplít granit hai mica dạng porphyr, cấu tạo gơnai, áplít granit sáng màu hạt nhỏ. Đá của hệ phức này xuyên cắt và gây sừng hoá các trầm tích của hệ tầng Long Đại, A Vương, nhưng bị các trầm tích vụn thô màu đỏ của hệ tầng Tân Lâm phủ lên.
Phức hệ Cha Val (vaT3 cv) gồm các khối Bắc Cha Val, dọc sông Tả Trạch, đông, đông nam Hướng Hoá, ở Phúc Lộc. Thành phần gồm: Piroxenit màu sẫm hạt vừa đến lớn, gabro có màu xám sẫm. Các đá của phức hệ này xuyên cắt và gây sừng hoá các trầm tích của hệ tầng Tân Lâm và hệ tầng Long Đại. Nhưng chúng bị cuội kết của hệ tầng chứa than Nông Sơn phủ ở trên.
Phức hệ Hải Vân (γT3 hv) trải dài dọc sông Hữu Trạch. Thành phần gồm granit biotit và granit hai mica từ hạt nhỏ đến hạt lớn. Ngoài ra còn có các đá mạch như aplit, pegmatit giàu turmalin và granat. Đá của phức hệ này xuyên cắt các trầm tích phun trào của hệ tầng Sông Bung, đồng thời bị trầm tích chứa than hệ tầng Nông Sơn phủ ở trên. Ở Nam Hướng Hoá gặp thể tù đá xâm nhập gabro của phức hệ Cha Val nằm trong đó.
Kiến trúc móng gồm các thành tạo lục nguyên cacbonat tuổi Paleozoi sớm-giữa ở Bắc Trung Bộ. Chuyển động tạo núi hoàn thành trong Paleozoi muộn. Hoạt động phá huỷ, biến vị nội mảng có liên quan chặt chẽ với các hệ đứt gãy A Lưới và Sông Cu Đe. Bình đồ kiến tạo khu vực hình thành và phát triển có liên quan chặt chẽ với cấu trúc Đông Dương và Nam Trung Hoa. Các hoạt động kiến tạo tiếp theo trong Mezozoi tạo uốn nếp mạnh mẽ, tạo nên các cấu trúc có phương TB-ĐN. Từ cuối Mezozoi, khu vực chịu ảnh hưởng lớn của hoạt động tách giãn tạo biển Đông, nên các kiến trúc phá huỷ này một lần nữa bị phức tạp hoá bởi các hoạt động magma kiến tạo. Trong Kainozoi, bình đồ kiến trúc phân dị khá mạnh mẽ. Hoạt động tân kiến tạo và kiến tạo hiện đại hình thành địa hình bề mặt Trái đất. Chuyển động hạ lún và hoạt động đứt gãy tích cực góp phần hình thành hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Hoạt động nâng tân kiến tạo và các đứt gãy kiến tạo đã hình thành khối nâng Bạch Mã và Tây Huế.
Bùi Thắng