Mô hình đồng quản lý thủy sản tại vùng đầm phá

Quản lý bền vững và hiệu quả nguồn lợi thủy sản hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai là một yêu cầu bức thiết trước tình trạng khai thác vượt ngưỡng làm suy thoái tài nguyên, môi trường và đe dọa sinh kế của hàng chục ngàn hộ đánh bắt và nuôi trồng thủy sản ven phá. Phương thức “Đồng quản lý thủy sản” được các nhà khoa học của Trung tâm Phát triển Cộng đồng thuộc Hội Nghề Cá tỉnh Thừa Thiên Huế do PGS.TS Trương Văn Tuyển làm chủ nhiệm tiến hành nghiên cứu từ thập niên 2000 tại xã Vinh Giang, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hiện nay phương thức quản lý này đang được phát triển rất mạnh mẽ.

“Đồng quản lý” tức thể chế hóa vai trò của cộng đồng trong thực hiện mục tiêu quản lý thông qua việc trao quyền. Phương thức này giúp huy động nguồn lực trí tuệ cũng như sự tham gia của cộng đồng, nhờ vậy gia tăng hiệu quả quản lý.

Các nội dung chính của giải pháp sáng kiến này bao gồm:

– Kiện toàn tổ chức cộng đồng là chi hội nghề cá đồng thời xây dựng năng lực và nâng cao nhận thức cho hội viên.

– Thiết lập cơ chế quản lý gồm phân vùng quy hoạch và xây dựng quy chế quản lý theo phương pháp tham gia và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để đảm bảo cơ sở pháp lý cần thiết và phù hợp với hoạt động quản lý do cộng đồng thực hiện.

– Tạo nguồn lực và động lực cho cộng đồng thực hiện hoạt động quản lý thông qua việc cấp quyền khai thác thủy sản cho chi hội nghề cá.

– Áp dụng phương pháp và công cụ tham gia trong vận hành hoạt động đồng quản lý để kiểm soát nguồn lực và duy trì sinh kế như: Kiểm soát khai thác hủy diệt, sắp xếp nò sáo, quản lý hộ khai thác di động, bảo tồn bãi giống và khuyến ngư.

Đây là mô hình đầu tiên ở Việt Nam áp dụng việc trao quyền khai thác thủy sản theo lãnh thổ cho tập thể là chi hội nghề cá. Nội dung và đối tượng cấp quyền đều chưa được luật định.

Cấp quyền khai thác thủy sản cho tập thể giúp giải quyết các bất cập về quyền sử dụng tài nguyên ở các thủy vực và vùng biển ven bờ.

Mô hình này áp dụng phương pháp cộng đồng nên huy động được nguồn lực và cách thức giải quyết bất cập trong quản lý, giảm chi phí, tăng tính khả thi nhờ hài hòa giữa bảo vệ và sử dụng nguồn lợi. Xây dựng và kiện toàn tổ chức cộng đồng (hội nghề cá) trong quản lý tài nguyên đã gia tăng tư cách pháp nhân cho quản lý, vì vậy tăng hiệu quả và tính bền vững cho quản lý.

Mô hình đồng quản lý thủy sản đã giúp chấm dứt việc khai thác thủy sản bằng xung điện, giảm cường lực khai thác thủy sản kể cả ngư cụ cố định và di động;

Phát triển các hình thức khai thác thủy sản thân thiện như: chuôm và nuôi xen ghép; Tạo điều kiện thúc đẩy bảo tồn như thiết lập khu bảo vệ thủy sản cộng đồng và phục hồi môi sinh bãi giống thủy sản. Mô hình còn giúp giảm chi phí đầu tư cho quản lý tài nguyên từ ngân sách, tăng thu nhập ổn định cho các hộ ngư dân; Giảm mâu thuẩn và tăng công bằng lợi ích giữa các nhóm sử dụng nguồn lợi. Giải pháp sáng kiến này có thể nhân rộng ở các địa phương có các vùng mặt nước đầm phá, sông ngòi và các loại thủy vực ven biển. Thực tế hiện nay, mô hình này đã được áp dụng ở tất cả các huyện thị có mạt nước đầm phá của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đánh giá cao tính mới, tính sáng tạo và tính ứng dụng của giải pháp này, Ban Tổ chức Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VIII đã trao giải Nhì lĩnh vực Bảo vệ môi trường và Sử dụng hợp lý tài nguyên.

Trần Giải

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email