Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ

Hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ đã trở thành một yếu tố quan trọng trong kinh tế đối ngoại và phát triển kinh tế xã hội của nước ta trong giai đoạn hiện nay nói chung và của từng địa phương, từng ngành từng lĩnh vực nói riêng. Nó là nguồn lực to lớn, cầu nối, kênh dẫn không thể thiếu được đối với hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN).

Trong những năm qua, mặc dù tình hình thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn song với chính sách đổi mới, mở cửa của Đảng và Nhà nước, chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè và các đối tác trên thế giới để đẩy nhanh phát triển KH&CN. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ về hợp tác khoa học và công nghệ với gần 70 nước, tổ chức quốc tế và vùng lãnh thổ. Hơn 80 hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ cấp Chính phủ và cấp bộ đã được ký kết và đang thực hiện. Việt Nam đang là thành viên của gần 100 tổ chức quốc tế và khu vực về khoa học và công nghệ.

Xác định hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ là mục tiêu, đồng thời là giải pháp quan trọng để góp phần đưa khoa học và công nghệ sớm đạt trình độ khu vực và quốc tế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thúc đẩy việc thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế; chú trọng các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, du lịch, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật, y tế với các đối tác quốc tế. Đến nay, các cơ quan, ban ngành của tỉnh và cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên duy trì và có quan hệ hợp tác với 44 nước trên thế giới. Đặc biệt lĩnh vực hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo và y tế đã triển khai sâu rộng và toàn diện với nhiều đối tác đến từ các nước như: Bỉ, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Áo, Úc, Phần Lan, Ý, Thụy Điển, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc…các lĩnh vực nông lâm, ngư nghiệp; công nghệ thông tin…cũng được các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn quan tâm đẩy mạnh hợp tác với nước ngoài để không ngừng ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng trong công tác giáo dục và đào tạo ngày càng tốt hơn. Năm 2017 UBND tỉnh đã phê duyệt tiếp nhận 27 dự án từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) nâng số dự án thực hiện trên địa bàn là 58 dự án với tổng giá trị cam kết 12,4 triệu USD trong đó có nhiều dự án phi chính phủ nước ngoài về khoa học kỹ thuật và công nghệ hoặc có nhiều hợp phần về nghiên cứu khoa học.

Trong xu thế hội nhập và phát triển, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã nhận thức được vai trò và vị thế của mình trong việc phát huy những mối quan hệ với các đối tác nước ngoài. Thông qua đó giới thiệu và quảng bá những hoạt động sáng tạo, những thành tựu về khoa học công nghệ của Liên hiệp hội cũng như của tỉnh Thừa Thiên Huế đến với bạn bè quốc tế đồng thời kết nối các hợp tác từ các tổ chức quốc tế.

Từ năm 2015 Liên hiệp hội đã xúc tiến và xây dựng website phiên bản tiếng Anh song song với bản tiếng Việt tại địa chỉ www.husta.org. Măc dù nội dung chưa được phong phú như phiên bản tiếng Việt, tuy nhiên mục tiêu nhằm giới thiệu rộng rãi những thành tựu nghiên cứu khoa học, những hoạt động sáng tạo của Liên hiệp hội đến các tổ chức quốc tế đã được triển khai khá tốt. Đồng thời, thông qua các buổi làm việc với đối tác nước ngoài Liên hiệp hội đã chủ động giới thiệu các thành tựu nổi bật của mình với mong muốn đưa các kết quả nghiên cứu vượt qua giới hạn đất nước Việt Nam. Có thể nói đây là một sự nỗ lực lớn của cơ quan Liên hiệp hội, chỉ với một đội ngũ cán bộ rất ít lại kiêm nhiệm nhiều công việc nhưng Thường trực vẫn mạnh dạn, quyết tâm xây dựng phiên bản tiếng Anh và đã duy trì ổn định từ đó đến nay.

Cơ quan Liên hiệp hội và các đơn vị trực thuộc Liên hiệp hội trong những năm qua đã thiết lập được mối quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế như ICCO, Luxamburg, GEF, SNV, Đại sứ quán Phần Lan, NCA, Paraff, ADB, WWF, Đức, Đan Mạch, Hà Lan,… nhận các nguồn hỗ trợ không hoàn lại trên 40 tỷ đồng triển khai các dự án về xóa đói giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường…ngoài ra Trung tâm Khoa học và Giáo dục Gặp gỡ Việt Nam hàng năm giành trên 10 tỷ đồng học bổng Vallet hỗ trợ các sinh viên, học sinh Việt Nam tài năng, xuất sắc trong học tập, nghiên cứu khoa học. Các dự án do Liên hiệp hội và các đơn vị trực thuộc đang phát huy hiệu quả tốt, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Các hội thành viên của liên hiệp hội, đặc biệt là các hội hoạt động trong lĩnh vực y tế đã thiết lập được mối các quan hệ thường xuyên, bền vững với nhiều tổ chức quốc tế hỗ trợ về khoa học công nghệ, thiết bị y tế, trao đổi học thuật,…

Trong hoạt động tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật, Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ và Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng, Liên hiệp hội đã thu hút được không những học sinh mà cả các giáo sư người nước ngoài tham gia. Năm 2017, Liên hiệp hội đã phối hợp đưa đoàn học sinh của Huế tham dự Triển lãm quốc tế dành cho các nhà Sáng tạo trẻ tổ chức tại Nhật Bản và vinh dự cả 3 đề tài tham gia đều đạt giải (1 Huy Chương Bạc và 1 Huy Chương Đồng và 1 Bằng khen)

Hoạt động hợp tác quốc tế về lĩnh vực khoa học công nghệ của tỉnh nói chung và của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tại Liên hiệp Hội chưa phát huy hết nội lực để tham gia hiệu quả vào các hoạt động khoa học và công nghệ quốc tế và khu vực. Các hợp tác còn nhỏ lẽ, chưa có sự liên kết mạnh mẽ giữa Liên hiệp hội với các hội thành viên, đơn vị trực thuộc; sự phối hợp giữa các hội, các đơn vị trực thuộc còn yếu vì vậy chưa tạo được sức mạnh tổng hợp để có thể thu hút các nguồn đầu tư, hỗ trợ lớn của các tổ chức quốc tế. Mặt khác việc quảng bá hình ảnh về tổ chức mình còn khiêm tốn chưa lan tỏa rộng khắp.

Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hội nhập quốc tế về khoa học và công nghê, cần phát huy tốt nội lực đồng thời tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài. Một số giải pháp được đề xuất như sau:

1. Phối hợp với các tổ chức chuyên trách về đối ngoại để nâng cao nhận thức và năng lực cho các hội thành viên, các tổ chức KH&CN, các nhà khoa học về ngoại giao, chú trọng ngoại giao khoa học; cập nhật các chính sách về đối ngoại, chiến lược phát triển và nhu cầu ưu tiên địa phương, các thủ tục hành chính liên quan.

2. Tạo sự thuận lợi của các cơ quan và chính quyền địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời kỳ khoa học công nghệ 4.0.

3. Phát huy vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế là đầu mối kết nối và mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ; hình thành mạng lưới chuyên gia đầu mối trong tìm kiếm các chương trình hợp tác quốc tế.

4. Tăng cường kết nối tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế tại Huế và tạo điều kiện cho các nhà khoa học, nhà quản lý tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học ở nước ngoài; xem xét tổ chức triển lãm giới thiệu các thành tựu khoa học và công nghệ mới. Phát huy thế mạnh địa phương về lịch sử, văn hóa, du lịch đẩy mạnh kết nối tổ chức hội nghị khoa học với du lịch.

5. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá thành tựu về khoa học và công nghệ, kết quả nghiên cứu mới, hình ảnh của các tổ chức trên các phương tiện truyền thông, website, hội nghị, hội thảo quốc tế.

6. Chuẩn bị tốt về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, điều kiện cơ sở hạ tầng thích hợp để tổ chức các hoạt động khoa học đáp ứng yêu cầu quốc tế (nhà Hội nghị, phương tiện phục vụ chuyên nghiệp…).

Hợp tác quốc tế về KH&CN không chỉ là cơ hội khai thác có hiệu quả thành tựu KH&CN của thế giới, thu hút nguồn lực và công nghệ nước ngoài để nâng cao và phát triển trình độ KH&CN trong nước, mà còn có vai trò động lực và nền tảng của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và từng bước hội nhập vào nền kinh tế tri thức của thế giới.

Hồ Đức Hưng

 

 

 

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email