Tác giả: Khánh Phong
Chiều ngày 15/12/2023, tại thành phố Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh đã tổ chức hội thảo khoa học “Lễ hội ở Thừa Thiên Huế: Nhận diện giá trị và hướng bảo vệ”. Tham dự hội thảo có các nhà quản lý văn hóa, lãnh đạo các Phòng Văn hóa Thông tin huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu gắn bó tâm huyết với văn hóa Huế.
Toàn cảnh hội thảo
Hội thảo nhận được 20 tham luận gửi đến nhưng có 18 tham luận được in kỷ yếu. Nội dung các bài tham luận đã nêu bật được các vấn đề nghiên cứu mới, cung cấp nhiều thông tin hữu ích liên quan đến hệ thống lễ hội ở Thừa Thiên Huế như: Thực trạng công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở Thừa Thiên Huế; Hệ thống lễ hội tại Thừa Thiên Huế; Lễ hội cung đình thời Nguyễn; Lễ hội các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế; Lễ hội tôn giáo – tín ngưỡng tại Thừa Thiên Huế; Lễ giỗ tổ nghề Kim hoàn xứ Huế; Lễ vía Đức Thánh Trần ở Huế; Lễ hội điện Huệ Nam; Lễ hội của người Tà Ôi…Bên cạnh đó, các bài tham luận cũng đã trình bày khá rõ về công tác quản lý, thực trạng hoạt động lễ hội hiện nay và đề xuất một số giải pháp để đưa lễ hội Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, thu hút khác du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm và nghiên cứu lễ hội.
Hội thảo được tổ chức là nằm trong khuôn khổ đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu cơ sở xây dựng dữ liệu về hệ thống lễ hội ở Thừa Thiên Huế” do Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh chủ trì thực hiện, nhằm số hóa, lưu trữ dữ liệu phục vụ công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu tư liệu, bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội ở Thừa Thiên Huế.
Các đại biểu thảo luận
Hội thảo đã nghe trình bày báo cáo tham luận cũng như những ý kiến đề xuất của các nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, Phan Thanh Hải, Trần Đại Vinh, Trần Hoàng, Phan Tiến Dũng, Nguyễn Xuân Hồng, Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Thế, Lê Anh Tuấn, Huỳnh Thị Anh Vân.
Trong thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã có những biện pháp thiết thực để triển khai có hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống lễ hội trong bối cảnh xã hội đương đại hiện nay, nhiều lễ hội đã trở thành những sản phẩm du lịch đầy tiềm năng như lễ cầu ngư làng Thai Dương Hạ, lễ hội điện Hòn Chén, lễ cúng tổ nghề Kim hoàn, lễ hội đền Huyền Trân, lễ tết trong cung điện, lễ đảo vũ thời Nguyễn, lễ tế đàn Xã Tắc, lễ tế đàn Nam Giao, lễ đu tiên làng Thế Chí Tây, lễ cầu ngư làng An Bằng, lễ hội đua ghe làng An Cư Đông, lễ hội Sóng nước Tam Giang, lễ hội Hương xưa làng cổ Phước Tích, lễ hội chợ quê ngày hội, lễ tết Aza của người Tà Ôi – Pa Cô.
TS Phan Thanh Hải và nhà nghiên cứu Nguyễn Thế chủ trì hội thảo
Bên lề hội thảo, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh cũng đã tiến hành khảo sát ý kiến, thông tin của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý văn hóa nhằm lập danh mục 30 lễ hội tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế để bảo vệ và phát huy giá trị di sản lễ hội trong giai đoạn hiện nay.
Việc tổ chức hội thảo này cũng nhằm góp phần nhận diện giá trị lễ hội ở Thừa Thiên Huế và đề xuất các giải pháp bảo vệ, đây là việc làm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.