Tác giả: Khánh Phong
Sáng ngày 13.11.2022, tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, huyện Phong Điền, đã tổ chức hội thảo “Di sản văn hóa gia tộc cụ Đồ Chiểu tại quê hương Bồ Điền, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế”, do UBND huyện Phong Điền phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa và Thể thao, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, về phía địa phương có lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Phong Điền, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Phong An, Ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, đại diện dòng họ Nguyễn Đình làng Bồ Điền, đại diện hậu duệ cụ Đồ Chiểu tại Bến Tre, cùng một số nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ trên địa bàn. Trước khi diễn ra hội thảo, các đại biểu đã dâng hoa, dâng hương tưởng niệm tại lăng mộ cụ Nguyễn Đình Huy thân sinh Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu.
Toàn cảnh dâng hoa, dâng hương tưởng niệm tại mộ cụ Nguyễn Đình Huy
Có 12 báo cáo trình bày trong hội thảo nhằm tôn vinh thân thế, cuộc đời và sự nghiệp cụ Nguyễn Đình Chiểu – Danh nhân văn hóa thế giới. Đồng thời, khẳng định vị thế gia tộc Nguyễn Đình tại làng Bồ Điền, xã Phong An, huyện Phong Điền; trong đó có vai trò, vị thế thân sinh danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu là cụ Thư lại Văn hàn ty Nguyễn Đình Huy và bà Phan Thị Hữu – mẹ đích của cụ Đồ Chiểu.
Đồng chí Nguyễn Đình Bách – Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền phát biểu khai mạc hội thảo
Như chúng ta đã biết, từ ngày 9 đến ngày 24.11.2021, tại thủ đô Paris (Pháp), Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 đã vinh danh nhà giáo, nhà yêu nước, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là danh nhân văn hóa thế giới. Trong năm 2022, nhân sự kiện kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu, đã có nhiều hoạt động được diễn ra ở Bến Tre, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Thừa Thiên Huế.
Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) là một nhà văn hóa lớn, nhà thơ yêu nước, nhà giáo của nhiều thế hệ, người thầy thuốc tinh thông y lý, y thuật và nổi tiếng về y đức của dân tộc Việt Nam. Là một trong những tác giả tiêu biểu nhất của dòng văn chương yêu nước chống ngoại xâm nửa sau thế kỷ XIX, thơ văn của ông đậm tính nhân văn, khích lệ lòng yêu nước, chứa đựng nhiều ý nghĩa về đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đã góp phần nâng cao tầm vóc và ảnh hưởng của văn học nước nhà và đặc biệt là thể loại văn tế. Ông còn là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, thương dân, ý chí kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống ngoại xâm với những tác phẩm đồ sộ, chất chứa nét hùng ca bi tráng như: Truyện Lục Vân Tiên, Dương Từ – Hà Mậu, Ngư Tiều y thuật vấn đáp, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Định, Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh.
Những tác phẩm này cùng tên tuổi của ông đã đưa nền văn học trung cận đại Việt Nam lên tầm thế giới. Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đã khẳng định “Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam; tấm gương vượt qua nghịch cảnh và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời”.
Toàn cảnh hội thảo
Các đại biểu tham gia hội thảo đều thảo luận và nhất trí các mục đích sau:
– Tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp của Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu, gắn kết hệ thống di tích Nguyễn Đình Chiểu ở Bến Tre và Thừa Thiên Huế, gắn kết hệ thống các trường học mang tên danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trên cả nước.
– Xác định giá trị lịch sử và văn hóa của làng Bồ Điền trong dòng chảy văn hóa Huế và văn hóa Việt Nam.
– Làng quê Bồ Điền hiện còn ngôi từ đường thân tộc thờ phụng Nguyễn Đình Chiểu tại bản quán. Ngôi từ đường này được xây dựng bên cạnh từ đường họ Nguyễn Đình hiện chưa được chỉnh trang. Cần phải tôn tạo nơi đây thành nơi thờ tự thể hiện được vị thế của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đối với văn hóa của dân tộc, là nơi xứng đáng để mọi tầng lớp nhân dân đến tưởng niệm ông sau này. Xây dựng bảo tàng thu nhỏ theo mô hình “Từ đường – Bảo tàng”, vừa là nơi thờ phụng, vừa là nơi giới thiệu về lịch sử dòng họ, làng xã và danh nhân văn hóa, đặc biệt là về quãng thời gian tuổi niên thiếu cụ Nguyễn Đình Chiểu đã sinh sống, học tập ở làng Bồ Điền.
– Cần sớm tiến hành xây dựng, lập hồ sơ Cụm di tích lịch sử – danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu và gia tộc ở Huế, gồm nhà thờ họ, mộ tổ, mộ cụ Nguyễn Đình Huy, nhà cụ Thái phó để xét công nhận di tích cấp tỉnh, làm cơ sở đưa vào kết nối thành “Hệ thống di tích quốc gia của nhà thơ – nhà văn hóa Nguyễn Đình Chiểu”. Từ di sản, lăng mộ của các bậc tiền nhân, lăng mộ ông bà Nguyễn Đình Huy, nhà thờ phái Nhất, nhà thờ họ Nguyễn Đình sẽ tạo thành quần thể di sản độc đáo, đặt trong hệ thống di sản đình, chùa, miếu của làng Bồ Điền, nhằm tạo điều kiện cho việc xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia trong tương lai.
– Đề xuất thành lập phòng lưu niệm truyền thống, giới thiệu thân thế, sự nghiệp của danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu. Phòng lưu niệm – Thư viện sẽ trưng bày những tác phẩm, sử liệu, tài liệu, những tác phẩm văn học tiêu biểu của cụ Đồ Chiểu. Nhằm giới thiệu, tôn vinh, vừa giáo dục thế hệ trẻ, bằng những giờ học ngoại khóa về lịch sử địa phương, danh nhân văn hóa, cho học sinh các cấp trên địa bàn Phong Điền cũng như Thừa Thiên Huế.