Tác giả: TS.BS. Nguyễn Đức Hoàng
Trong giai đoạn đầu của đại dịch, các chuyên gia nhận thấy Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C), tình trạng viêm hiếm gặp và nghiêm trọng, có thể xuất hiện vài tuần sau khi trẻ khỏi bệnh COVID-19. Theo các nhà khoa học, MIS-C thường xuất hiện ở trẻ vào thời điểm khoảng 4 đến 6 tuần sau khi mắc COVID-19. Hội chứng này gây ra tình trạng viêm sâu khắp cơ thể trẻ, ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng lớn trong cơ thể.
Hội chứng MIS-C là tình trạng các bộ phận cơ thể khác nhau có thể bị viêm, bao gồm: tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa. MIS-C có thể nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong sau 2 – 4 tuần nhiễm COVID-19.
Lần đầu tiên (26/4/2020), các bác sĩ nhi tại Anh Quốc đã ghi nhận nhiều đứa trẻ khỏe mạnh trước đây mắc hội chứng viêm nặng với các đặc điểm giống bệnh Kawasaki. Các trường hợp này phát hiện xảy ra ở trẻ em hậu nhiễm COVID-19, hoặc có yếu tố dịch tễ tiếp xúc với COVID-19. Bệnh nhân có biểu hiện sốt dai dẳng và một loạt các triệu chứng bao gồm hạ huyết áp, các cơ quan trong cơ thể như: tim, tiêu hóa, thận, huyết học, da liễu, thần kinh,…và các dấu hiệu viêm tăng, đáng chú ý các triệu chứng hô hấp không xuất hiện trong tất cả các trường hợp.
Theo nghiên cứu của New York (Hoa Kỳ 05-2020) đã xác định 102 bệnh nhân trẻ em có hội chứng MIS-C.
Tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng MIS-C liên quan đến COVID-19
– Sốt ≥ 3 ngày.
– Và có 02 trong các dấu hiệu sau:
- Ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc hoặc phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân.
- Hạ huyết áp hoặc sốc.
- Suy giảm chức năng tim, tổn thương màng tim, viêm màng ngoài tim, tổn thương mạch vành qua siêu âm tim, điện tim, tăng proBNP, Troponin T-hs.
- Rối loạn đông máu (PT, APTT, D-dimer cao).
- Rối loạn tiêu hóa cấp tính (ỉa chảy, đau bụng, nôn).
– Tăng các chỉ số viêm (CRP, máu lắng, procalcitonin).
– Không tìm ra các nguyên nhân nhiễm trùng khác.
– Có bằng chứng của nhiễm virus SARS-CoV-2 hoặc tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 trong vòng 2-6 tuần (XN Real-time RT-PCR hoặc kháng thể kháng SARS-CoV-2 dương tính).
Bố mẹ cần làm gì khi nghĩ con mình bị mắc hội chứng MIS-C
+ Đến khám các cơ sở y tế chuyên khoa nhi, khi các cháu có một số các triệu chứng sau:
- Sốt dai dẵng
- Đau bụng
- Mắt đỏ
- Tiêu chảy
- Chóng mặt hoặc choáng váng (dấu hiệu của huyết áp thấp)
- Da phát ban
- Nôn ói
Các bác sĩ có thể làm một số xét nghiệm để tìm viêm hoặc các dấu hiệu bệnh khác. Những xét nghiệm này có thể bao gồm:
- Xét nghiệm máu
- Chụp X quang ngực
- Siêu âm tim (điện tâm đồ)
- Siêu âm bụng
Hầu hết trẻ em mắc hội chứng MIS-C cần được điều trị trong bệnh viện. Một số sẽ cần được điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ em (ICU).
Theo một nghiên cứu Philadelphia (Hoa Kỳ – 2022) đã mang tới những tín hiệu tốt liên quan tới MIS-C, đó là: Trẻ em có xu hướng hồi phục hoàn toàn sau bất kỳ tổn thương tim nào trong vòng 3 tháng kể từ khi bị bệnh.
Các kết quả điện tim (ECG) cho thấy chức năng tim ở trẻ bị MIS-C được cải thiện nhanh chóng trong tuần đầu tiên. Và sau 3 tháng, chức năng tim về cơ bản đã trở lại bình thường. Hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) ở trẻ cũng không phát hiện thấy tổn thương sẹo lâu dài hoặc tổn thương tim.
“Mặc dù tổn thương tim có thể gây tình trạng khá nghiêm trọng và đôi khi gây tử vong, nhưng hầu hết trẻ đều bình phục sau một thời gian, tất cả bệnh nhi đều hồi phục sau khoảng 6 tuần kể từ khi bị bệnh”.
Phòng bệnh
Hiện nay dịch COVID-19 trẻ em vẫn gia tăng, vì vậy cần chú ý phát hiện sớm hội chứng MIS-C, đến cơ sở y tế điều trị sớm tránh nguy cơ tử vong ở trẻ em.
Dựa trên những gì chúng ta hiện đang biết về MIS-C, cách tốt nhất để bảo vệ trẻ là thực hiện phòng ngừa cho trẻ.
Tái khám hậu COVID-19 sau 2 tuần ngưng cách ly tại nhà.