Học sinh trường THCS Phú Đa sáng tạo dung dịch cầm máu, sát khuẩn

Mai Thị Kiều Nhi và Phạm Thị Khánh Hà là hai học sinh của trường THCS Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế đã điều chế thành công dung dịch cầm máu, sát khuẩn bằng các nguyên liệu tự nhiên để tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XI và đã được Ban tổ chức Cuộc thi trao giải Nhì lĩnh vực Sản phẩm thân thiện với môi trường.

Tác giả của đề tài cho biết: xuất phát từ ý tưởng nhằm dễ dàng, tiện lợi cho việc mang theo để sơ cứu khi gặp phải vết thương đang chảy máu mà không có các loại thuốc kháng sinh tây y hay trạm y tế nào gần đó để băng bó cầm máu vết thương, từ kinh nghiệm dân gian và thông qua thử nghiệm, các em lựa chọn 03 loại nguyên liệu là: cỏ mực, lá ngải cứu, củ nghệ để tạo ra dung dịch cầm máu và sát khuẩn.

Cách làm được tiến hành như sau: nguyên liệu cây cỏ mực, cây ngải cứu, củ nghệ rửa sạch để ráo nước. Các nguyên liệu được xay nhuyễn theo từng loại theo tỷ lệ: 100 gam cỏ mực kết hợp với 200 ml cồn Ethanol 900, 100 gam lá ngải cứu kết hợp với 200 ml cồn Ethanol 900, 500g củ nghệ kết hợp với 100ml cồn Ethanol 900. Sau khi xay xong cho nguyên liệu đó vào chai nhựa để trong 2 ngày. Sau đó tiến hành lọc lấy dịch chiết, thay dung môi mới và ngâm tiếp trong hai ngày. Tiếp theo, để dung môi bay hơi trong 10 ngày trong bình chứa có mặt thoáng rộng cho đến khi dịch chiết trở nên đặc, sánh. Hoặc có thể sử dụng phương pháp cô quay làm bay hơi cồn dựa trên áp suất và nhiệt. Lọc tinh chất của các nguyên liệu theo từng loại và pha trộn 40 % tinh chất dung dịch từ cỏ mực +40 % tinh chất dung dịch từ ngải cứu + 20% tinh chất dung dịch từ củ nghệ.

Dung dịch đã được kiểm nghiệm tại Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm thuộc Sở y tế Thừa Thiên Huế và thu được kết quả tốt, không phát hiện các chỉ tiêu vi sinh và chỉ tiêu hóa lý về kim loại nặng. Khi nhỏ dung dịch lên vết thương, sau 10 đến 20 giây dung dịch có tác dụng cầm máu, sát khuẩn. Nếu trường hợp bị vết thương nặng, sau khi đã xử lý khẩn cấp bằng dung dịch này, người bị nạn sẽ được đưa đến các cơ sở y tế để xử lý tiếp.

Đề tài đã chế tạo ra dung dịch để nhỏ và xoa lên vết thương, vết lở nhỏ, có tác dụng vừa cầm máu, sát khuẩn vừa làm mờ các vết thâm và kích thích hình thành da mô mới. Sản phẩm được chiết xuất bởi hỗn hợp dung dịch có nguồn gốc tự nhiên là cỏ mực, ngải cứu và củ nghệ rất hữu ích, dễ dàng, gọn nhẹ, tiện lợi khi mang theo để sơ cứu. Đề tài này được đánh giá cao bởi tính sáng tạo của tác giả là những học sinh THCS ở vùng nông thôn xa xôi.

Giải Pháp

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email