Vừa qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành xây dựng chương trình phổ biến kiến thức với chủ đề: “vấn đề giờ vàng đột quỵ”.
Khách mời của chủ đề này là chuyên gia PGS.TS. Nguyễn Đình Toàn – Giám đốc Trung tâm cấp cứu và đột quỵ – Bệnh viện trường Đại học Y dược, Đại học Huế, đồng thời là Phó Chủ tịch hội Chống đau tỉnh Thừa Thiên Huế; Ủy viên Ban chấp hành hội Đột quỵ Việt Nam.
Như chúng ta đã biết, đột quỵ là nguyên nhân gây tàn tật lâu dài hàng đầu ở các nước phát triển và là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Theo thống kê, cứ sáu người thì có một người bị đột quỵ trong đời, hơn 13,7 triệu người bị đột quỵ mỗi năm và hậu quả là 5,8 triệu người tử vong. Hiện nay có hơn 80 triệu người đã sống sót sau đột quỵ trên toàn cầu. Khoảng 70% đột quỵ do thiếu máu cục bộ và phần còn lại là xuất huyết trong não hoặc xuất huyết dưới nhện. Tại Việt Nam, ước tính khoảng 200.000 ca mới mắc mỗi năm trong đó tỷ lệ tử vong là 1/3 trường hợp.
Đối với đột quỵ nhồi máu não, nếu bệnh nhân đến viện sớm trước 4,5h kể từ khi khởi phát bệnh, bệnh nhân sẽ có cơ hội được cứu sống với điều trị đặc hiệu là thuốc tiêu huyết khối hoặc can thiệp lấy huyết khối cơ học.
Cuộc trao đổi đã đem đến những thông tin hết sức hữu ích và thiết thực không chỉ đối với bệnh nhân mắc bệnh đột quỵ nói riêng mà còn đối với tất cả chúng ta, chuyên gia đã cung cấp những kiến thức về đột quỵ, các dấu hiệu nhận biết, phương pháp điều trị và những lời khuyên đến từ chuyên gia.
Toàn bộ nội dung thông tin sẽ được phát sóng qua kênh Youtube “Ban thong tin LHH Thua Thien Hue” và website: husta.org của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế.
BÍCH ĐÀO