Định hướng và giải pháp cấp thiết cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế – xã hội, thoát nghèo bền vững tại huyện A Lưới

Tác giả: Thủy Tiên

Trong hai ngày 26-27/9, tại huyện A Lưới, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp Hội)phối hợp với UBND huyện A Lưới tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Định hướng và giải pháp cấp thiết tại huyện A Lưới cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế – xã hội và thoát nghèo bền vững”.

Tiếp nối thành công của Hội thảo “Chuyển giao và ứng dụng giải pháp khoa học công nghệ trong nông nghiệp, thủy sản” tại huyện A Lưới vào ngày 18/7/2024 do Liên hiệp Hội cùng UBND huyện tổ chức, và nhằm tiếp tục hỗ trợ huyện A Lưới triển khai ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm, thủy sản, qua đó góp phần vào quá trình phát triển bền vững kinh tế – xã hội của địa phương, hội thảo lần này được tổ chức và tiếp tục mời các chuyên gia, học giả từ các sở, ban ngành, viện nghiên cứu, các trường đại học trên địa bàn tỉnh để tiếp thu, lắng nghe các khó khăn, đề xuất của phía địa phương, từ đó tập trung tìm kiếm các giải pháp, cơ chế áp dụng khoa học, công nghệ phù hợp, có tính khả thi nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội và thoát nghèo bền vững tại huyện A Lưới, cùng trong bối cảnh huyện chính thức thoát khỏi huyện nghèo năm 2024 theo Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận được tổ chức ngày 6/9.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Hội thảo đã vinh dự đón tiếp ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Hồ Đàm Giang, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cùng đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh; đại diện phòng, ban, UBND xã thuộc huyện A Lưới; đại diện các tổ chức KHCN, trường Đại học, tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực KHCN trên địa bàn tỉnh; đại diện một số Hội thành viên và đơn vị trực thuộc Liên hiệp Hội; phóng viên các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo

Trong phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Bình đã khẳng định vị thế và tiềm năng phát triển mạnh mẽ của huyện A Lưới, là địa phương được chính quyền quan tâm đặc biệt. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải có những định hướng phát triển hợp lý và đề xuất các giải pháp ứng dụng khoa học và công nghệ, nhằm đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội bền vững cho huyện. Kết quả hội thảo là cơ sở để giúp tham vấn cho tỉnh những nội dung cụ thể, hỗ trợ xây dựng các chính sách và chủ trương phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển của A Lưới. Tỉnh kỳ vọng những giải pháp cụ thể sẽ giúp cải thiện đời sống của người dân và có một cuộc sống ấm no, đây là nguyện vọng hết sức chính đáng của tỉnh.

TS Hồ Đắc Thái Hoàng, Chủ tịch Liên hiệp Hội báo cáo đề dẫn

Trong khuôn khổ hội thảo, đại biểu đã có cơ hội tham quan một số mô hình thực tiễn trên địa bàn huyện, bao gồm mô hình nuôi heo hữu cơ, mô hình nuôi cá tầm và mô hình dệt Dèng.

 

Một số hình ảnh tại buổi tham quan

Với chủ đề Định hướng và giải pháp cấp thiết tại huyện A Lưới cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế – xã hội và thoát nghèo bền vững, Hội thảo đã nghe 07 báo cáo tham luận từ các sở, ban ngành, địa phương.

Với 02 nội dung đến từ UBND huyện A Lưới, tại tham luận là “Phân tích và định hướng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế – xã hội tại huyện A Lưới từ góc nhìn ứng dụng khoa học công nghệ”, ông Võ Doãn Nho, Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện A Lưới nhấn mạnh rằng nông nghiệp sẽ là ngành chủ đạo, và cần tập trung vào việc ứng dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả sản xuất. Các giải pháp đề xuất bao gồm: triển khai các chính sách của Đảng, phát triển nông nghiệp bền vững, đầu tư vào công nghệ và giáo dục, cũng như phối hợp giữa các cấp chính quyền để thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Với tham luận “Những vấn đề phát sinh, nhu cầu và mong đợi của cộng đồng dân cư huyện A Lưới liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo bền vững”, ông Trần Phước Hùng, Phòng NN & PTTN huyện A Lưới chia sẻ thông tin về nhu cầu và mong đợi của huyện A Lưới liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội và giảm nghèo bền vững. Huyện có nền nông nghiệp đa dạng, nhưng chủ yếu dựa vào sản xuất nhỏ và truyền thống. Hiện nay nhu cầu lớn nhất là chăn nuôi bò và nuôi cá lồng, trong khi thực trạng chăn nuôi bò còn yếu về chất lượng và quy mô, nuôi cá lồng mới phát triển nhưng còn manh mún. Ông đề xuất các giải pháp như nâng cao chất lượng giống bò, quy hoạch vùng nuôi cá lồng, và hỗ trợ tài chính cho người dân để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Các tham luận còn lại tập trung vào nội dung giới thiệu những mô hình phát triển kinh tế – xã hội thành công của các địa phương có điều kiện tương tự như huyện A Lưới và đề xuất các giải pháp khả thi, cơ chế hỗ trợ việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội và giảm nghèo bền vững tại huyện A Lưới của Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Sinh kế cộng đồng, Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Huế, Khoa Thuỷ sản – Đại học Nông Lâm, Đại học Huế. Cụ thể, chủ đề tham luận của Viện Sinh kế Cộng đồng (INCOLI) là Thức ăn trong chăn nuôi bò ở A Lưới: Giải pháp cung cấp đủ thức ăn vào mùa mưa rét và hướng đến nâng cao chất lượng thức ăn để phát triển chăn nuôi bò thịt hiệu quả và bền vững. Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã nêu ra các định hướng mô hình áp dụng cho huyện A Lưới; phát huy tiềm năng, tài nguyên bản địa của huyện A Lưới để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo… Hội Nông dân tỉnh giới thiệu mô hình trồng chuối mốc tại huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi; mô hình trồng hoa lan Organic của anh Hồ Văn Huy, xã Hương Xuân, huyện Nam Đông; mô hình chăn nuôi lợn rừng lai của anh Nguyễn Văn Pha, Hội Nông dân xã Hương Lộc; mô hình nuôi dúi của anh Bàn Tiến Lục, ở thôn Bó Mi, xã Tân Phượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Huế giới thiệu mô hình phát triển giống lúa đặc sản Ra Dư ở huyện A Lưới – Thừa Thiên Huế, Hồng A Lưới, Chuối tiêu Hồng, Chuối tiêu Huế, Cam Valencia 2, Cam VietGAP Nam Đông,… Mô hình nuôi thương phẩm cá Leo phù hợp với điều kiện tự nhiên huyện A Lưới của TS. Võ Đức Nghĩa, Khoa Thuỷ sản, Đại học Nông Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu và phổ biến kỹ thuật nuôi cá Leo. Qua các mô hình trên, các đơn vị cũng đã đề xuất các giải pháp khả thi, cơ chế hỗ trợ việc ứng dụng khoa học công nghệ, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội và giảm nghèo bền vững tại huyện A Lưới.

 

Các báo cáo viên trình bày tham luận tại Hội thảo

Tại hội thảo, đại diện UBND huyện cùng các nhà khoa học đã chia sẻ những khó khăn, mong muốn và định hướng phát triển nông nghiệp nhằm cải thiện đời sống người dân. Các ý kiến nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, phát triển các chương trình liên kết doanh nghiệp, đồng thời cải thiện tổ chức sản xuất, nâng cao quản lý và chuyển giao công nghệ cho những đối tượng thực sự có nhu cầu thoát nghèo và phát triển kinh tế…

Các định hướng và giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ được đề xuất và tổng kết tại Hội thảo khoa học lần này về “Định hướng và giải pháp cấp thiết tại huyện A Lưới cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế – xã hội và thoát nghèo bền vững” sẽ tạo nền tảng vững chắc để xây dựng và hoàn thiện các định hướng chiến lược để tham mưu cho tỉnh nhà, đóng góp trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội và giảm nghèo bền vững tại huyện A Lưới, trong quyết tâm hiện thực hóa Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025./.

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email