Là hoạt động thường niên của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế (Liên hiệp hội), Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng (Cuộc thi) đã góp phần khơi dậy tiềm năng, phát huy tư duy sáng tạo của các em thanh thiếu niên, nhi đồng. Năm nay, Cuộc thi có một bước tiến mới trong công tác tổ chức nhờ vậy chất lượng, số lượng đề tài tăng lên đáng kể, phạm vi triển khai cũng được mở rộng.
Ghi từ cơ sở
Nếu như mọi năm, Cuộc thi Thanh thiếu niên, Nhi đồng chỉ được triển khai ở những địa phương có thế mạnh thì năm nay nhiều đơn vị mới cũng góp mặt vào Cuộc thi tạo nên một phong trào sâu rộng trong toàn tỉnh.
A Lưới là huyện miền núi khó khăn của tỉnh, vì lẽ đó, phong trào nghiên cứu khoa học tại các trường trên địa bàn gặp phải nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau khi ban tổ chức Cuộc thi tiến hành triển khai, UBND các huyện đã có nhiều động thái tích cực nhằm đẩy mạnh phong trào. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban tổ chức Cuộc thi cho biết: ”Sau buổi làm việc của các thành viên trong Ban tổ chức, chúng tôi đã tiến hành triển khai sâu rộng ở hầu khắp các trường trên địa bàn huyện. Dù là năm đầu tiên tham gia nhưng Cuộc thi đã thu hút gần 50 đề tài tham gia ở huyện và tuyển chọn được 7 đề tài tham gia Cuộc thi cấp tỉnh”.
Khác với A Lưới, huyện Phong Điền được xem là “cái nôi” của Cuộc thi cấp huyện. Cụ thể từ năm 2013, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tổ chức Cuộc thi nhằm tuyển chọn những đề tài có chất lượng tham gia Cuộc thi cấp tỉnh. Sau 3 năm triển khai, Cuộc thi đã nhận được hơn 150 đề tài đăng ký tham gia, trong đó có 42 đề tài tham gia cấp tỉnh.
Ông Lê Đăng Thái, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Phó trưởng ban tổ chức Cuộc thi huyện Phong Điền chia sẻ: “Để Cuộc thi trở thành phong trào thi đua sôi nổi việc trước tiên phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức. Nhất là giới thiệu những tập thể có nhiều sản phẩm dự thi và đạt nhiều giải, có khả năng ứng dụng trong thực tế để nhân rộng điển hình; đưa việc triển khai, tham gia Cuộc thi vào tiêu chí thi đua đối với các trường; phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường, sự ủng hộ của các thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh. Ngoài ra, cần động viên, khen thưởng kịp thời để thúc đẩy phong trào sáng tạo trên địa bàn huyện trong thời gian tới”,
Tăng cả về chất lẫn lượng
Cuối tháng 6 khi Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng kết thúc việc nhận hồ sơ dự thi và Ban tổ chức Cuộc thi đang chuẩn bị thành lập các hội đồng chấm thi, chúng tôi đã có dịp thăm trụ sở Liên hiệp hội. Tại đây, chúng tôi ghi nhận có rất nhiều mô hình, sản phẩm dự thi của các em. Quan sát một lượt các mô hình, sản phẩm tham gia dự thi, điều khiến chúng tôi cảm thấy tự hào là các em đã biết tận dụng các sản phẩm tự nhiên sẵn có tại địa phương và một số sản phẩm phế thải để tạo ra những sản phẩm hữu dụng, giàu tính sáng tạo như: máy làm lạnh mini, hệ thống lọc nước từ cùi chuối và quả bàng… Điển hình phải kể đến đề tài “Nghiên cứu tạo ra nguồn cơ chất tổng hợp poly lactic từ sơ dừa” của Võ Đức Huy và Trương Thị Diễm Quỳnh lớp 12 chuyên Lý, Trường THPT chuyên Quốc Học. Từ nguồn nguyên liệu sơ dừa và bả mía không được tái sử dụng gây ô nhiễm môi trường, 2 em tiến hành nghiên cứu tạo ra nguồn cơ chất tổng hợp poly lactic tạo tiền đề sản xuất nhựa sinh học có khả năng tự phân hủy trong tự nhiên.
Võ Đức Huy chia sẻ: “Trước đó, nhiều người đã tiến hành nghiên cứu tạo ra poly lactic bằng các phương pháp hoá học, còn bằng phương pháp sinh học như chúng em thì rất hiếm. Từ nguồn nguyên liệu sẵn có là sơ dừa và bã mía chúng em tiến hành phân lập các chủng xạ khuẩn có khả năng phân giải cellulase, tuyển chọn các chủng có hoạt tính cellulase mạnh; phân lập và tuyển chọn các chủng vi khuẩn lên men lactic mạnh từ các thực phẩm lên men chua; nghiên cứu ảnh hưởng điều kiện môi trường nuôi cấy đến khả năng sinh trưởng, phát triển và tạo hoạt tính của chủng vi khuẩn và xạ khuẩn. Trên cơ sở nghiên cứu đó, nhóm đã tạo ra nguồn cơ chất tổng hợp polylactic acid, hướng đến sản xuất một loại nhựa sinh học thay thế cho các túi ni lông khó phân huỷ trên thị trường”.
Đánh giá về Cuộc thi năm nay, GS.TS. Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp hội, Trưởng ban tổ chức cho hay: Năm 2015 là năm đầu tiên Cuộc thi được triển khai rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, là năm có nhiều đề tài tham gia nhất từ trước đến nay. Ban tổ chức tiến hành nhiều biện pháp bảo đảm tính công khai, công bằng, nghiêm túc trong việc phân loại, thành lập hội đồng chấm thi và tổ chức chấm thi. Ngoài việc tổ chức lễ tổng kết và trao giải để tôn vinh, biểu dương các tác giả, nhóm tác giả có đề tài xuất sắc, chúng tôi còn tổ chức triển lãm các mô hình, sản phẩm để giới thiệu những hình ảnh các mô hình tiêu biểu của các em.
Nhiều đề tài tham dự, chất lượng các đề tài tăng lên so với các năm là điểm nổi bật của Cuộc thi năm nay. Trong đó nhiều em, nhóm tác giả cùng lúc đạt nhiều giải quan trọng. Trong đó phải kể đến Lê Ngô Duy Phong, Trường THPT Phú Bài, thị xã Hương Thuỷ nhận được 3 giải (1 giải nhất, 1 giải nhì và 1 giải ba). Phong cho hay: Cuộc thi tạo điều kiện cho em được hiện thực hoá ý tưởng. Với sự giúp sức của các thầy cô trong trường, em bắt tay vào nghiên cứu thực hiện các đề tài theo yêu cầu mà Cuộc thi đã đặt ra. Việc nhận 3 giải tại Cuộc thi là động lực rất lớn tạo điều kiện cho các em trong nghiên cứu sau này.
Doãn Quan