Tác giả: Hồ Ngọc Anh Tuấn
Từ ngày 20 đến 31 tháng 10 năm 2024, Đoàn Đánh giá và Giám sát gồm Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế (HUSTA), Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB), Công ty tư vấn GITEC Consulting Group đã tổ chức hoạt động đánh giá, giám sát các gói tài trợ nhỏ tại VQG Kon Ka Kinh (Gia Lai) và VQG Chư Mom Ray (Kon Tum).
Đây là một phần của Chương trình Tài trợ Nhỏ giai đoạn 2 (SGP II) do Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) tài trợ cho các nước ASEAN thông qua Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) và HUSTA là Đơn vị cung cấp dịch vụ (SP). Mục tiêu của hoạt động giám sát lần này là đánh giá hiệu quả và tiến độ thực hiện của các gói tài trợ nhỏ, siêu nhỏ của các đơn vị thực hiện.
Hồ Đắc Thái Hoàng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế (HUSTA) phát biểu tại buổi đánh giá và giám sát tại VQG Kon Ka Kinh
Hoạt động tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh
Tại VQG Kon Ka Kinh, Đoàn công tác đã có buổi làm việc cùng Ban Quản lý VQG Kon Ka Kinh và các đơn vị thực hiện gói tài trợ. Đoàn công tác cũng đã tiến hành gặp gỡ các tổ chức, người dân hưởng lợi từ các gói tài trợ.
Các gói tài trợ tại VQG Kon Ka Kinh, bao gồm:
– “Xây dựng kế hoạch phục hồi loài Trắc (Dalbergia cochinchinensis Pierre), cải thiện tình trạng bảo tồn và nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về bảo tồn loài này trong Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh” do Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển Sinh vật thuộc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (CRCCD) thực hiện.
– “Nâng cao năng lực, kỹ năng cho nông dân địa phương tại 3 xã vùng đệm của VQG Kon Ka Kinh thông qua 4 mô hình nông nghiệp” do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông lâm nghiệp (CARD) thực hiện.
Đánh giá mô hình nuôi dê do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông lâm nghiệp thực hiện tại xã DakJota, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai
– “Xây dựng mô hình sinh kế nông nghiệp bền vững tại vùng đệm VQG Kon Ka Kinh” do Đại học Lâm nghiệp Việt Nam (VNUF) thực hiện.
– “Nghiên cứu, giám sát các loài động vật móng guốc và linh trưởng tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, tỉnh Gia Lai” do Hội Động vật học Frankfurt tại Việt Nam (FZS) thực hiện.
– “Thương mại hóa nấm quý cho các cộng đồng tại vùng đệm của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh” do Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-CRES) thực hiện.
– “Điều tra đa dạng sinh học, xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn gen và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển tài nguyên cây dược liệu trên địa bàn Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh do Đại học Duy Tân (DTU)” thực hiện.
Người dân hưởng lợi từ mô hình trồng khổ qua rừng để làm dược liệu của Trường Đại học Duy Tân tại xã Krong, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai
Hoạt động tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray
Tại VQG Chư Mom Ray, Đoàn công tác và giám sát đã có buổi làm việc cùng Ban Quản lý VQG và các đơn vị thực hiện gói tài trợ. Đoàn công tác cũng đã tiến hành gặp gỡ các tổ chức, người dân hưởng lợi từ các gói tài trợ.
Hồ Đắc Thái Hoàng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế (HUSTA) phát biểu tại buổi đánh giá và giám sát tại VQG Chư Mom Ray
Các gói tài trợ tại VQG Chư Mom Ray, bao gồm:
– “Điều tra để xác định khu vực phân bố và xây dựng kế hoạch phục hồi loài Giáng Hương (Pterocarpus macrocarpus Kurz) tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray” do Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái – Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (CBCE) thực hiện.
Mô hình bảo tồn ngoại vi loài cây Giáng Hương của Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái – VQG Chư Mom Ray (CBCE)
– “Xây dựng chương trình đào tạo và nâng cao năng lực đào tạo của các trung tâm khuyến nông, dạy nghề của 5 huyện trong vùng đệm Vườn Quốc gia Chư Mom Ray và Kon Ka Kinh” do Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) thực hiện.
– “Nâng cao năng lực cho phụ nữ và người dân tộc thiểu số về dịch vụ du lịch và kỹ năng phục vụ, thương mại hóa du lịch nông thôn và du lịch dựa vào thiên nhiên bằng các nền tảng truyền thông xã hội” do Trường Cao đẳng Du lịch Huế (HUETC) thực hiện.
Đoàn công tác gặp gỡ và trao đổi với những người phụ nữ dân tộc thiểu số tại làng BarGok, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum – những người hưởng lợi từ gói tài trợ nhỏ do Trường Cao đẳng Du lịch Huế (HUETC) thực hiện
– “Tăng cường bảo tồn tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray thông qua tập huấn và tăng cường cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học” do Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN (VNU-HUS) thực hiện.
– “Điều tra tài nguyên cây thuốc, đề xuất các giải pháp bảo tồn cây dược liệu bị đe dọa tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, cải thiện thu nhập sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua trồng cây dược liệu” do Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế (HUIB) thực hiện.
Kiếm tra, đánh giá mô hình trồng cây dược liệu do Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế (HUIB) thực hiện tại xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum
– “Nuôi ong bản địa và thương mại hóa các sản phẩm mật ong tại các xã vùng đệm của Vườn Quốc gia Chư Mom Ray” do Trung tâm Nghiên cứu và Hành Động Vì Sự Phát Triển Hòa Nhập (IDEA) thực hiện.
Đoàn giám sát và đánh giá chụp hình lưu niệm với một đơn vị thực hiện và người dân hưởng lợi