Lưu vực sông Hương nằm giữa hai đới kiến trúc A Vương và Long Đại thuộc miền uốn nếp Trường Sơn, trên lưu vực sông Hương lộ ra các đá có tuổi từ cổ đến trẻ.
Hệ tầng Avương (z2– O1 av ), thành tạo này có diện lộ hẹp ở rìa Tây Nam, dọc theo đứt gãy Đakrông – A Lưới và được phân thành 3 phân hệ tầng với thành phần thạch học như sau: phiến thạch anh serisit, cát kết dạng quărzit, phiến sét sericit, phiến sừng biotit, phiến felspat – sericit xen cát bột kết, phiến sét đen… Bề dày trên 700m.
Hệ tầng Long Đại (O3-S1 lđ ) phân bố chủ yếu ở thượng nguồn sông Tả Trạch và Hữu Trạch. Thành tạo này có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động bồi – xói của sông Hương với thành phần thạch học gồm: phiến sericit, cát kết dạng quarzit, cát kết xen phiến thạch anh, đôi chổ gặp bột kết, phiến sét, thấu kính sét vôi… Bề dày của hệ tầng từ 1600 đến 2700 m.
Hệ tầng Tân Lâm (D1tl). Hệ tầng này phân bố thành một dải dài dọc theo triền núi phía tây Huế và xuyên qua thượng nguồn của sông Hương từ Bình Điền – Dương Hòa đến Hương Hồ và được chia làm hai phân hệ tầng với thành phần thạch học chủ yếu là sạn kết xen bột kết, đá phiến sét, cát bột kết, cát kết thạch anh dạng quarzit… Bề dày trên 1200 m.
Hệ tầng Cò Bai (D2 – 3cb), chỉ lộ thành từng chỏm nhỏ nằm rải rác ở Thủy Biều và Phong Sơn, còn phần lớn diện tích bị che phủ được phát hiện ở cá LK331 (Thủy Dương) và 301 (Lâm Khe) với thành phần thạch học là đá vôi phân lớp xen lớp mỏng sét vôi. Những phát hiện mới về hệ tầng Cò Bai dưới lớp phủ ở rìa đồng bằng Huế chứng tỏ chúng có diện phân bố khá rộng. Bề dày từ 500 đến 600 m.
Các trầm tích (aN2 – Q1) không lộ trên mặt, chỉ gặp trong các lỗ khoan (HU6a, HU7, 320, 326) với thành phần gồm sét kaolin ở phần thấp thuộc vỏ phong hóa và phần trên là cuội sỏi bị laterit hóa. Bề dày trầm tích này tăng nhanh từ ven rìa ra biển và thay đổi từ 10 đến 30 m.
Các trầm tích Đệ tứ phân bố khắp nơi trong các trũng đồng bằng Huế, ven các sông suối, dọc đầm phá, ven biển và có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động bồi – xói của sông Hương.
Trầm tích Pleistocen hạ không lộ trên mặt mà chỉ gặp qua các lỗ khoan đồng bằng Huế (LKHU6, HU7, 309, HU8..). Mặt cắt đặc trưng bởi cát, cuội sỏi, cát pha, sét pha loang lổ. Thành tạo này thường phủ bất chỉnh hợp trên các đá có tuổi cổ hơn. Bề dày thay đổi từ 1,6 – 30 m.
Trầm tích sông – biển Pleistocen trung – thượng (amQ1 2-3) phân bố ven rìa đồng bằng thành những dải hẹp không liên tục trên các đồi thấp, một phần bị phủ bởi các trầm tích trẻ hơn. Thành phần thạch học chủ yếu là cát, cuội sỏi và đất loại sét bị laterit hóa.
Trầm tích biển Pleistocen thượng – Hệ tầng Đà Nẳng (mQ13 đn) thường bị các trầm tích trẻ che phủ, chỉ lộ ra từng chỏm không liên tục ở ven rìa đồng bằng, dọc theo QL1A với độ cao từ 8 – 12 m. Thành phần thạch học gồm cát hạt trung lẫn ít sét, bột màu vàng nghệ đặc trưng và được bắt gặp ở rất nhiều lỗ khoan (506a, HU6, HU8, PB6, N31) với bề dày 2 – 10 m.
Trầm tích sông, sông – biển Pleistocen thượng (a, amQ13) không lộ trên mặt mà được bắt gặp qua các lỗ khoan 331, 371, 372, 314, HU7, HU6, 309, … với thành phần là cát, cuội, sỏi, cát pha, sét pha và sét bị laterit hóa. Bề dày từ 5 – 25 m.
Trầm tích sông, sông – biển – đầm lầy Holocene hạ – trung (a, ambQ21-2) không lộ ra trên mặt, hầu hết được bắt gặp ở các lỗ khoan sâu ở Huế và chủ yếu nằm lót đáy dưới các trầm tích Holocen khác. Thành phần gồm có sỏi, cát, cát pha, sét pha, sét, than bùn và đất hữu cơ. Bề dày trầm tích từ 3 – 25 m.
Trầm tích biển Holocen trung (mQ22 ), có tên gọi là hệ tầng Nam Ô với diện tích phân bố khá rộng và thường xuất lộ trên mặt ở vùng đất sau đầm phá thành những cồn cát, đụn cát không liên tục cao từ 5 – 7 m ở Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc và đôi nơi ở Hương Thủy. Thành phần gồm cát nhỏ màu trắng xám khá đồng đều, độ mài tròn tốt. Thành tạo cát trắng được hình thành vào thời đoạn biển tiến Flandrian cực đại cách đây 6500 – 4500 năm. Chiều dày trầm tích từ 5 đến 25 m.
Trầm tích hỗn hợp sông – biển Holocen trung – thượng (amQ22) có diện phân bố rộng nhất trong các thành tạo Đệ tứ ở vùng đất sau đầm phá với bề mặt địa hình cao 3 – 5 m, có độ nghiêng thoải về phía biển và hướng kéo dài song song với đường bờ biển hiện tại. Tham gia cấu tạo trầm tích đang xét chủ yếu là cát pha, sét pha, sét, ít hơn là cát, sỏi, bùn và đất hữu cơ. Bề dày từ 3 – 14 m.
Trầm tích biển – gió (mvQ23) Holocen thượng hầu như chỉ phân bố ở dọc bờ biển thuộc vùng đất cồn đụn cát chắn bờ. Thành tạo này có thành phần gồm cát thạch anh hạt mịn, nhỏ đến vừa, đôi khi có cả hạt thô. Cát có màu vàng mỡ gà, xám trắng, đôi nơi có vỏ sò chọn lọc và mài tròn tốt, trong cát có lẫn sa khoáng inmenit, zircon. Trầm tích biển bị gió vun cao và di chuyển về phía lục địa được hình thành vào thời đoạn biển lùi kể từ 4000 năm cho đến 1000 năm trước đây. Bề dày thay đổi từ 5 – 25 m.
Trầm tích sông – biển – đầm lầy Holocen thượng (ambQ23) đang tiếp tục hình thành xung quanh đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Thành phần của trầm tích gồm cát, cát pha, bột sét tàn tích thực vật và vỏ sò hến màu xám tro, xám đen, xám vàng. Bề dày thay đổi 3 – 5 m.
Trầm tích sông Holocen thượng (aQ23) phân bố thành những dải hẹp ven sông suối hiện đại tạo nên bờ bãi ở giữa lòng hoặc hai bên bờ. Thành phần chủ yếu là cát, cuội, tảng, ít hơn là bột, sét màu xám nâu đến xám vàng, cuội sỏi có thành phần đa khoáng, độ mài tròn kém, dày 1,5 – 2,0 m.
Đệ tứ không phân chia phân bố rải rác trên các sườn đồi thoải và một vài chỏm nhỏ ở phía tây huyện Phú Lộc, bao gồm chủ yếu là các sản phẩm tàn – sườn tích (edQ) và sông – lũ – sườn tích (apdQ). Thành phần là sét cát sạn sỏi (laterit, cát kết, bột kết, phiến sét), tảng, cuội, dăm, cát, cát pha, gắn kết yếu, đôi chổ bị latirit hóa, dày từ 1 – 5 m.
Bùi Thắng