Đặc điểm các mỏ khoáng chất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

     Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế các loại khoáng chất công nghiệp rất đa dạng và phong phú, như: Pyrit, than bùn và cát thủy tinh.

          1. Pyrit (FeS2):

Pyrit là dạng hợp chất phổ biến nhất của lưu huỳnh, được sử dụng rộng rãi để sản xuất axit sulfuric, phân khoáng và trong nhiều ngành công nghiệp khác. Trên lãnh thổ Thừa Thiên Huế có 3 mỏ pyrit gồm: Bản Gôn, La Vân, Hương Phú và các điểm quặng: Hương Hữu, Ma Ray, Nông Trường Nam Đông, Khe Tre, Khe Trường, A Xiêm, Ke Đe, Thường Nhật, A Ka, Ka Đau, Cha Măng.

– Mỏ pyrit Bản Gôn: Mỏ pyrit Bản Gôn nằm gần Bản Gôn, xã Thượng Long, huyện Nam Đông. Vùng mỏ thuộc địa hình núi cao trung bình, điều kiện giao thông khá thuận lợi có thể đến mỏ bằng các phương tiện xe cơ giới. Mỏ được phát hiện năm 1977, đoàn Địa chất 406 tìm kiếm thăm dò năm 1991. Đã phát hiện mỏ pyrit Bản Gôn gồm 2 khu A và B, trong đó quặng phân bố chủ yếu ở khu A dưới 2 dạng: quặng gốc và quặng lăn eluvi deluvi. Các thân quặng gốc gồm 7 chùm thân quặng; mỗi chùm có 1 – 3 thân, có chiều dày 1 ÷ 20m, dài 100 ÷ 650m, hàm lượng pyrit: 13 ÷ 80%; As: 10 ÷ 20%; Au: 0,4 ÷ 1,6g g/t. Tổng trữ lượng cấp B + C1 + C2 = 2.520,9 ngàn tấn pyrit tương đương 1.016,4 ngàn tấn lưu huỳnh (S), trữ lượng vàng cấp P1 = 947,3kg, bạc cấp P1 = 4.101kg.

          – Điểm quặng pyrit Khe La Vân: Điểm quặng thuộc xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông. Điểm quặng có một thân quặng bị phủ dưới trầm tích Đệ tứ, chiều dài 100 ÷ 400m, hàm lượng lưu huỳnh (S): 9,13 ÷ 44,25%; tài nguyên dự báo là 76 ngàn tấn pyrit. Các điểm quặng còn lại quy mô nhỏ, mức độ nghiên cứu còn sơ lược.

    2. Than bùn

Than bùn là nguyên liệu không thể thiếu được để sản xuất phân bón hoặc chiết tách acit humic làm chất kích thích tăng trưởng. Các sản phẩm từ than bùn đang ngày được sử dụng rộng rãi trong trồng trọt và chăn nuôi, mang lại hiệu quả cao. Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có giá trị là mỏ than bùn trầm Đức Tích- Triều Dương thuộc xã Phong Hòa và Phong Hiền, huyện Phong Điền. Báo cáo kết quả thăm dò đã xác định chính xác được diện tích mỏ đưa vào khai thác là 84,3612 ha; Trữ lượng than bùn cấp 122 ở trạng thái bảo hoà nước là 1.297.359 tấn.

   3. Cát thuỷ tinh

Cát thuỷ tinh có độ hạt nhỏ đều, sạch (hàm lượng SiO2 >99%, Fe2O3<0,3%, các oxit TiO2, Al2O3, Cr2O3 đều <0,1%) được sử dụng để sản xuất sản phẩm thuỷ tinh cao cấp và men frit trong công nghiệp sứ gốm. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực sứ gốm, trung bình 1m2 gạch cần khoảng 1 kg men. Ở nước ta, loại cát thuỷ tinh đạt tiêu chuẩn trên không nhiều, phân bố chủ yếu ở miền trung, trong đó Thừa Thiên Huế và Quảng Bình có quy mô lớn hơn cả.

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, cát thuỷ tinh được phát hiện nhiều nơi như Phú Xuân, Quảng Điền, Phong Điền, Tràng Vinh, tổng tài nguyên dự báo dự báo là 38.779.027 tấn (ướt), trong đó cấp C2 = 8.888.293 tấn, song đáng chú ý và có ý nghĩa hơn cả là cát thuỷ tinh ở huyện Phong Điền. Cát thuỷ tinh có thành phần chủ yếu là cát thạch anh màu trắng, trắng tinh, độ hạt nhỏ, đều.

– Cát thuỷ tinh Điền Hoà: Điểm quặng thuộc xã Điền Hoà, huyện Phong Điền. Tại Điền Hoà có một thân quặng cát thuỷ tinh kéo dài từ Kế Môn đến bắc Điền Hải, dài 9,5km, rộng trung bình 250m, dày trung bình 4,2m. Thành phần hoá học (%) SiO2: 99,18; Fe2O3: 0,11; TiO2: 0,67; MgO: 0,72; Al2O3: 0,07; NKN: 0,1m; cỡ hạt cát: > 0,5mm là 21,97%; 0,5 ÷ 0,25mm là 25,38%; < 0,25mm là 71,12%. Tài nguyên dự báo là 11.389.560 tấn.

          – Cát thuỷ tinh Cầu Thiềm: Điểm quặng thuộc xã Phong Hoà, Phong Chương, huyện Phong Điền. Tại khu vực Cầu Thiềm (Phong Hòa) có 3 thân quặng phát triển theo phương tây bắc – đông nam, chiều dài 1,5 – 4km, rộng từ 200 ÷ 850m, chiều dày trung bình 2,9m. Thành phần hoá học (%) SiO2: 99,42; Fe2O3: 0,051; TiO2: 0,053; Cr: 0,001;  MgO: 0,2; mất khi nung: 0,21m; Al2O3: 0,07. Cát thuỷ tinh có chất lượng tốt cả về thành phần hoá học và cỡ hạt, trữ lượng và tài nguyên dự báo lớn, lớp phủ mỏng ≤ 0,3m. Tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo là 17.379.027 tấn, trong đó cấp C2: 8.490.734 tấn. Ngoài các mỏ cát thuỷ timh nêu trên, tỉnh Thừa Thiên Huế còn có điểm cát thuỷ tinh Phú Xuân (Phú Vang). Cát thuỷ tinh ở đây có hàm lượng  SiO2 trung bình 98%, hàm lượng Fe2O3: 0,95%. Tài nguyên dự báo cấp P là 21 triệu tấn.

BÙI THẮNG

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email