Crimea sáp nhập Nga: Không dễ dàng đến vậy!

Nga và Crimea đã ký một hiệp ước về việc bán đảo bên bờ Biển Đen trở thành một phần của nước Nga vào ngày 18/3. Tuy nhiên, việc sát nhập này khó có thể nhanh chóng hoàn tất như mong muốn của cả hai bên.

Nga và Crimea đã ký một hiệp ước về việc bán đảo bên bờ Biển Đen trở thành một phần của nước Nga vào ngày 18/3. Tuy nhiên, việc sáp nhập này khó có thể nhanh chóng hoàn tất như mong muốn của cả hai bên và lầm tưởng của nhiều người.

Hiệp ước mà Nga và Crimea đã ký vào ngày 18/3 trên thực tế không phải là công nhận sự sáp nhập, nó chỉ mới dừng lại ở một dự thảo thỏa thuận giữa hai bên. Để có thể đưa dự thảo này thành một điều luật, Tổng thống Vladimir Putin và nước Nga sẽ bước qua khá nhiều công đoạn, và những bước đi này không hề đơn giản.

Cần phải dựa trên Luật và Hiến pháp

Trong hai ngày qua kể từ sau khi cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea về việc sáp nhập vào Nga kết thúc, giới truyền thông đã không ngừng đưa các tin tức về sự kiện này, trong đó nhấn mạnh báo đảo ở bờ biển Hắc Hải sẽ chỉ mất từ 3 đến 7 ngày để chính thức trở thành một phần của nước Nga.

Quang cảnh bên ngoài trụ sở nghị viện của Crimea tại thủ phủ Simferopol ngày 14/3. (Nguồn: THX/TTXVN) Khẳng định này dựa vào việc đảng Nước Nga chính nghĩa (Fair Russia) đã gửi đơn đệ trình lên Hạ viện Nga (Duma quốc gia) đề nghị rút gọn quá trình sáp nhập Crimea. Tuy nhiên, theo tờ BBC tiếng Nga đưa tin, dự luật này sau đó đã được chính đảng này rút lại. Trên thực tế, mong muốn này khó có thể thành hiện thực, bởi quá trình này phải đi qua từng bước một. Mỗi bước đi đó đều cần một khoảng thời gian nhất định.

Trước hết, việc sáp nhập này sẽ phải được cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội Nga thông qua. Ngày 18/3, Tổng thống Nga Putin vừa chính thức thông báo lên Quốc hội nước này về yêu cầu xin sáp nhập vào Nga của Crimea. Quá trình thông qua này sẽ mất một thời gian ngắn. Theo truyền thông quốc tế, có thể vào cuối tuần này, Quốc hội Nga sẽ chấp nhận Crimea là một phần lãnh thổ của quốc gia, thông qua dự luật sáp nhập.

Tiếp đó, Tổng thống Nga sẽ chính thức ký kết hợp ước song phương với Crimea về vấn đề sáp nhập. Ông sẽ phải trình lên Tòa án Hiến pháp liên bang Nga xem xét tính hợp hiến của hiệp ước. Trong dự thảo Hiệp ước song phương, dự luật Hiến pháp Liên bang cần phải đưa ra cụ thể quy định tên gọi chủ thể mới, chính thể, biên giới. Một lần nữa, nó sẽ được trình lên Duma quốc gia để được công nhận.

Khi các văn kiện trên được thông qua, điều 65 Hiến pháp Liên bang Nga sẽ được bổ sung. Điều 65 khi đó sẽ nêu rõ danh sách các thủ thể của Liên bang Nga. Điều 65 được hoàn thành thì lúc đó Nga mới đưa ra được quyết định chính thức về việc Crimea gia nhập vào thành phần liên bang.

Dư luận quốc tế là bước cản lớn

Những nguồi dân Crimea thân Nga ăn mừng tại Sevastopol tối hôm 16/3 sau cuộc trưng cầu dân ý. Một bước đi mà Nga vẫn cần phải thực hiện đó là được sự công nhận của quốc tế về quá trình sáp nhập này. Đây là điều khó khăn nhất mà có lẽ Nga khó có thể vượt qua. Hiện không có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới dám đứng ra ủng hộ quyết định sáp nhập Nga của Crimea khi mà các cường quốc phương Tây và Mỹ phản đối. Các cường quốc thậm chí đang lên kế hoạch áp đặt từng phần các lệnh trừng phạt đối với Matxcơva.

Tờ BBC đưa tin cho biết, Ủy ban Viên – Một cơ quan tư vấn về luật và hiến pháp tại Hội đồng châu Âu – đã chuẩn bị một dự thảo ý kiến về luật pháp Nga, trong đó cho rằng hiệp ước sáp nhập Crimea là trái với nguyên tắc luật pháp quốc tế. Là Chủ tịch Ủy ban Hiến pháp Pháp luật và Nhà nước của Duma quốc gia Nga, ông Vladimir Pligin khẳng định: “Ủy ban Viên không đủ thẩm quyền để xem xét hiệp ước này”.

Dĩ nhiên, theo tình hình hiện tại, Nga sẽ làm mọi việc mà không cần thông qua dư luận quốc tế. Tuy nhiên, về lâu dài, Nga sẽ vẫn phải tìm một bên thứ ba công nhận cho các hành động của mình nhằm đảm bảo tính pháp lý của hiệp ước được thực thi.

Tiến trình sáp nhập có thể mất gần một năm

Để tiến hành các thủ tục pháp lý như đã nói ở trên, các chuyên gia nhận định rằng cả hai bên Nga và Crimea sẽ cần khoảng thời gian ít nhất là nửa năm, thậm chí là nhiều hơn như thế.

Song song với quá trình đó, các hoạt động sáp nhập sẽ được diễn ra. Trước hết là Crimea sẽ phải quốc hữu hóa toàn bộ tài sản Ukraine ở trên bán đảo. Vào ngày 18/3, Quốc hội Crimea đã khẳng định rằng: “Tất cả cơ sở, doanh nghiệp và tổ chức khác của Ukraine hoặc có sự tham gia của Ukraine trên lãnh thổ Crimea sẽ thuộc về Crimea”.

Vào tháng 3 này, Crimea sẽ chuyển sang sử dụng múi giờ Matxcơva. Đồng thời, Crimea sẽ dần chuyển đổi sang sử dụng đồng Rub của Nga. Đến ngày 1/1/2016, đồng Grivna của Ukraine sẽ không còn lưu hành trên lãnh thổ Crimea.

Một vấn đề khó giải quyết chính là các căn cứ quân sự của Ukraine tại Crimea, hiện vẫn chưa có phương án nào để xử lý các tài sản dạng này như là giữ lại hay yêu cầu Ukraine rút trở về. Các binh lính Ukraine vẫn đang cố thủ tại các căn cứ này và chờ lệnh từ Kiev. Phía Kiev vẫn tiếp viện cho lực lượng ở Crimea, tuy nhiên, việc này khó kéo dài. Hoặc là Nga, hoặc Kiev phải hành động để quyết định số phận của những người lính Ukraine đang bị giam chân tại Crimea.

ĐINH VĂN CHUNG

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email