Mối quan hệ giữa sự tự tin và sự hài lòng trong học tập của sinh viên Đại học Huế

Trạng thái đề tài:

Lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo

Hoạt động: Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật

Năm: 2025

Ngày nộp đề tài: 21/05/2025

Thông tin nhóm tác giả

Tên tác giả / nhóm tác giả: TS. Hồ Thị Trúc Quỳnh, TS. Phạm Thị Thúy Hằng, TS. Nguyễn Thanh Hùng, PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Bé, TS. Nguyễn Bá Phu, ThS. Nguyễn Thị Hà

Đơn vị công tác của chủ nhiệm: Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế

Địa chỉ cơ quan của chủ nhiệm: 34 Lê Lợi, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Tính mới của giải pháp

- Nghiên cứu đã hệ thống hóa các vấn đề lý luận về mối quan hệ giữa sự tự tin và sự hài lòng trong học tập của sinh viên. Từ việc tổng quan các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đến đề tài, có thể thấy rằng có khá nhiều công trình nghiên cứu về sự tự tin trong học tập, sự hài lòng trong học tập và mối quan hệ giữa sự tự tin và sự hài lòng trong học tập của sinh viên. Những nghiên cứu này đã xây dựng cơ sở lý luận về sự tự tin trong học tập, sự hài lòng trong học tập và mối quan hệ giữa sự tự tin và sự hài lòng trong học tập của sinh viên, tạo nền tảng vững chắc cho các công trình nghiên cứu tiếp theo. Tuy nhiên, trên thế giới và tại Việt Nam, chúng tôi chưa tìm thấy bất kì nghiên cứu nào đánh giá mối quan hệ gián tiếp giữa sự tự tin trong học tập và sự hài lòng trong học tập của sinh viên thông qua động cơ học tập và sự trì hoãn trong học tập. Đề tài đã hệ thống hóa các vấn đề lý luận liên quan đến sự tự tin trong học tập (khái niệm, vai trò, nguồn ảnh hưởng và công cụ đo lường sự tự tin trong học tập), sự hài lòng trong học tập (khái niệm, vai trò, công cụ đo lường và các yếu tố liên quan đến sự hài lòng trong học tập) và mối quan hệ trực tiếp và gián tiếp (thông qua động cơ và sự trì hoãn trong học tập) giữa sự tự tin và sự hài lòng trong học tập của sinh viên. Đây chính là cơ sở cho việc đề xuất các giả thuyết, xây dựng mô hình nghiên cứu và khảo sát, đánh giá thực trạng về mối quan hệ giữa sự tự tin và sự hài lòng trong học tập của sinh viên Đại học Huế. - Nghiên cứu đã khảo sát, phân tích và đánh giá thực trạng về sự tự tin trong học tập, sự hài lòng trong học tập và mối quan hệ giữa sự tự tin và sự hài lòng trong học tập của sinh viên Đại học Huế. Trên mẫu gồm 771 sinh viên Đại học Huế, chúng tôi sử dụng bốn thang đo bao gồm: thang đo sự tự tin tổng thể (10 item), thang đo động cơ học tập (28 item), thang đo sự trì hoãn phi lý (9 item) và thang đo sự hài lòng trong học tập (5 item) để đánh giá thực trạng vấn đề nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng: (1) Sinh viên Đại học Huế có mức độ tự tin trong học tập ở mức trung bình, không có sự khác biệt đáng kể về mức độ tự tin trong học tập giữa các nhóm sinh viên xét theo giới tính và khối lớp. (2) Sinh viên Đại học Huế về cơ bản là sự hài lòng trong học tập. Xét theo giới tính, không có sự khác biệt đáng kể về mức độ hài lòng trong học tập giữa sinh viên nam và sinh viên nữ. Xét theo khối lớp, có sự khác biệt đáng kể về mức độ hài lòng trong học tập giữa sinh viên các khối năm 2, năm 3 và năm 4; trong đó mức độ hài lòng trong học tập của sinh viên các khối lớp nhỏ cao hơn so với các khối lớp lớn. (3) Động cơ học tập của sinh viên Đại học Huế ở mức trung bình. Có sự khác biệt đáng kể về động cơ học tập giữa sinh viên các khối lớp; trong đó động cơ học tập của sinh viên các khối lớp lớn cao hơn so với các khối lớp nhỏ. Phân tích trung gian cho thấy, cả hai loại động cơ bên trong và động cơ bên ngoài đều đóng vai trò trung gian một phần trong mối quan hệ giữa sự tự tin trong học tập và sự hài lòng trong học tập ở sinh viên Đại học Huế. (4) Mức độ trì hoãn trong học tập của sinh viên Đại học Huế không cao và chỉ có 10,3% sinh viên “thường xuyên” và “rất thường xuyên” trì hoãn nhiệm vụ học tập. Sự trì hoãn trong học tập không đóng vai trò trung gian trong mối quan hệ giữa sự tự tin trong học tập và sự hài lòng học tập ở sinh viên Đại học Huế. - Đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao sự hài lòng trong học tập của sinh viên Đại học Huế. Trên cơ sở thực trạng, nghiên cứu đã đề xuất các biện pháp nhằm cải thiện sự hài lòng trong học tập của sinh viên. Theo đó, các biện pháp nhằm cải thiện sự hài lòng trong học tập của sinh viên nên tập trung vào việc tăng cường sự tự tin trong học tập và tăng cường động cơ học tập cho sinh viên, thông qua đó có thể cải thiện sự hài lòng trong học tập của sinh viên. Các biện pháp nhằm tăng cường sự tự tin trong học tập bao gồm: Sử dụng các nhiệm vụ hoặc bài tập có độ khó vừa phải, sử dụng những hình mẫu thành công và dạy cho sinh viên các chiến lược học tập. Các biện pháp nhằm tăng cường động cơ học tập học tập bao gồm: Liên kết nội dung học tập hoặc nhiệm vụ học tập với hứng thú của sinh viên, tạo cho sinh viên cơ hội học tập hợp tác và xây dựng mối quan hệ tích cực giữa giảng viên và sinh viên. Đối với mỗi biện pháp được đề xuất, chúng tôi trình bày mục đích của biện pháp; cơ sở khoa học của biện pháp; và nội dung, cách thức và yêu cầu thực hiện biện pháp.

Tính sáng tạo

Bức tranh thực trạng về mối quan hệ giữa sự tự tin và sự hài lòng trong học tập của sinh viên Đại học Huế là cơ sở đề chúng tôi đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao sự hài lòng trong học tập của sinh viên. Những biện pháp được chúng tôi đề xuất tập trung vào hoạt động dạy học của giảng viên và hoạt động học tập của sinh viên ở trường đại học. Đây đều là các biện pháp dễ thực hiện, có thể thực hiện hiệu quả mà ít tốn kém nhất. Do đó, các cán bộ quản lý giáo dục và giảng viên có thể cân nhắc sử dụng các biện pháp này để nâng cao sự hài lòng học tập của sinh viên, qua đó tăng cường khả năng giữ chân sinh viên và cải thiện lợi thế cạnh tranh của Đại học Huế so với các trường đại học khác và tạo động lực cho sinh viên theo đuổi việc học tập thường xuyên và suốt đời. Về phương thức chuyển giao kết quả nghiên cứu và địa chỉ ứng dụng kết quả nghiên cứu: + Phương thức chuyển giao: Thông qua báo cáo tổng kết và các bài báo được công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước. + Địa chỉ chuyển giao: Sản phẩm của nghiên cứu có thể được sử dụng tại thư viện trường ĐHSP Huế, tại phòng tư liệu khoa Tâm lý và Giáo dục để học viên, sinh viên, cán bộ giảng viên, cán bộ quản lý tham khảo, làm cơ sở để xây dựng các biện pháp nhằm nâng cao sự hài lòng học tập của sinh viên.

Hiệu quả kinh tế xã hội

Về mặt kinh tế - xã hội: Nghiên cứu cung cấp các lý thuyết về sự tự tin trong học tập, sự hài lòng trong học tập và mối quan hệ giữa sự tự tin và sự hài lòng trong học tập. Kết quả nghiên cứu cung cấp hiểu biết về thực trạng về sự tự tin và hài lòng trong học tập của sinh viên Đại học Huế. Đồng thời, nó cung cấp những hiểu biết mới về con đường và cách thức tác động của sự tự tin đối với sự hài lòng trong học tập của sinh viên. Quan trọng hơn, kết quả nghiên cứu còn cung cấp các biện pháp nhằm nâng cao sự hài lòng trong học tập của sinh viên. Đây đều là các biện pháp dễ thực hiện, có thể thực hiện hiệu quả mà ít tốn kém nhất. Thông qua thực hiện những biện pháp được đề xuất có thể tăng cường sự tự tin và động cơ học tập của sinh viên, thông qua đó mà nâng cao sự hài lòng trong học tập của họ. Khi cải thiện sự hài lòng của sinh viên, trường Đại học không những có thể giữ chân sinh viên, tạo động lực để sinh viên theo đuổi giáo dục thường xuyên mà còn tăng cường hiệu quả đào tạo và cải thiện lợi thế cạnh tranh của trường đại học. Về mặt kĩ thuật: Kết quả nghiên cứu từ đề tài có thể trở thành cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc triển khai thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao sự hài lòng trong học tập của sinh viên. Các biện pháp nhằm nâng cao sự hài lòng trong học tập của sinh viên được trình bày khá chi tiết và cụ thể về mục đích của biện pháp, cơ sở khoa học của biện pháp và nội dung, cách thức và yêu cầu thực hiện biện pháp. Khi hiểu biết về cơ sở khoa học của các biện pháp, cán bộ quản lý và giảng viên có thể hình thành niềm tin trong việc sử dụng các biện pháp. Khi nắm vững mục đích, nội dung, cách thức và yêu cầu thực hiện mỗi biện pháp, cán bộ quản lý và giảng viên có thể thuận tiện và sử dụng đúng quy trình trong khi áp dụng các biện pháp.
Facebook
Twitter
LinkedIn
Email