Giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ mầm non trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Trạng thái đề tài:

Lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo

Hoạt động: Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật

Năm: 2025

Ngày nộp đề tài: 04/02/2025

Thông tin nhóm tác giả

Tên tác giả / nhóm tác giả: Nguyễn Thanh Tâm; Hồ Hữu Nhật; Lê Văn Huy; Nguyễn Thùy Nhung; Lê Thị Nhung

Đơn vị công tác của chủ nhiệm: Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế

Địa chỉ cơ quan của chủ nhiệm: 34 Lê Lợi, thành phố Huế

Tính mới của giải pháp

- Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên hệ thống hóa những vấn đề lí luận cơ bản về giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ mầm non, từ việc tiếp cận và làm rõ nội hàm các khái niệm: văn hóa địa phương, giáo dục văn hóa địa phương đến việc xác lập khung tiếp nhận văn hóa địa phương của trẻ mầm non, xác định và phân tích mục tiêu giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ mầm non, các yếu tố ảnh hưởng, nội dung và hình thức giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ mầm non, ý nghĩa của việc giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ mầm non. - Đã tiến hành khảo sát và đánh giá thực trạng giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ mầm non trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Để cung cấp cơ sở thực tiễn cần thiết cho việc đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ mầm non trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, nghiên cứu này đã tiến hành đánh giá thực trạng giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ mầm non trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Thực tế cho thấy, hiện tại, chưa có một nghiên cứu nào tiếp cận thực trạng giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ mầm non trên địa bàn tỉnh. - Nghiên cứu đã đề xuất 5 biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ mầm non trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế: (1) Xây dựng học liệu văn hóa địa phương để giáo dục trẻ MN, (2) Nâng cao năng lực tích hợp giáo dục VHĐP cho giáo viên MN, (3) Giáo dục VHĐP thông qua hoạt động trải nghiệm, (4) Thiết lập vòng tròn giáo dục VHĐP, (5) Xây dựng môi trường giáo dục mang bản sắc VHĐP. Những biện pháp này vừa đảm bảo tính mới, vừa có tính khả thi. Mỗi biện pháp được trình bày rõ về mục đích, ý nghĩa và cách thực hiện. Đó là cơ sở lí luận thuận lợi để áp dụng các biện pháp vào thực tiễn. - Xây dựng được hồ sơ tài liệu văn hóa địa phương và các video hướng dẫn hỗ trợ hoạt động giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ mầm non trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Hồ sơ tài liệu văn hóa địa phương không chỉ dừng lại ở thao tác sưu tầm mà còn viết lại một số truyện cổ dân gian, chuyển thể một số câu chuyện dân gian thành thơ; đặt lời mới cho các làn điệu âm nhạc dân gian Thừa Thiên Huế. 02 talk show về Âm nhạc dân gian Thừa Thiên Huế và Mỹ thuật dân gian Thừa Thiên Huế được thực hiện với sự tham gia của các nghệ nhân, chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế: nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Liên, PGS.TS. Phan Thanh Bình, Nhạc sĩ Dương Bích Hà. Ngoài ra, nghiên cứu còn xây dựng 01 video tiết dạy hoạt động làm quen tác phẩm văn học, đề tài Truyền thuyết sông Hương (do TS. Nguyễn Thanh Tâm - thành viên nhóm nghiên cứu viết lại truyện dân gian và chuyển thể thành thơ) và 01 tiết dạy hoạt động Âm nhạc, nghe hát bài Sắc xuân (do Ths. Nguyễn Thùy Nhung - thành viên nhóm nghiên cứu viết lời mới dựa trên làn điệu Lý hoài xuân). - Xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả tổ chức hoạt động giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ mẫu giáo. Bộ tiêu chí này có thể áp dụng để đánh giá hiệu quả giáo dục Âm nhạc, Văn học, Mỹ thuật dân gian mọi địa phương cho trẻ mầm non.

Tính sáng tạo

- Kết quả nghiên cứu là tài liệu tham khảo cho các nhà khoa học, nhà giáo dục thực hiện các công trình nghiên cứu tiếp theo trong lĩnh vực giáo dục mầm non, đặc biệt là hệ thống lý luận, các biện pháp giáo dục văn hóa địa phương, tài liệu giáo dục văn hóa địa phương Thừa Thiên Huế, bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giáo dục văn hóa địa phương mà nghiên cứu đã đề xuất, thiết lập, xây dựng. - Kết quả nghiên cứu có thể được áp dụng trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ mầm non. Hồ sơ tài liệu văn hóa địa phương, hệ thống biện pháp hướng dẫn giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ mầm non và các video có thể được áp dụng ở các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ. - Kết quả nghiên cứu là nguồn tài liệu học tập cho sinh viên mầm non, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non. Sinh viên ngành Giáo dục mầm non có thể sử dụng kết quả nghiên cứu này để phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học.

Hiệu quả kinh tế xã hội

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa là chiến lược phát triển bền vững quốc gia, trong đó giáo dục đóng vai trò quan trọng nhất. Thông qua giáo dục, các giá trị về vật chất và tinh thần của văn hóa địa phương sẽ được lưu truyền, bảo tồn, kết nối giữa các thế hệ. Nghiên cứu này được thực hiện trong 2 năm với kinh phí không nhiều nhưng đã đóng góp vào sự phát triển giáo dục mầm non nói riêng và văn hóa Thừa Thiên Huế nói chung. Trong thời gian thực hiện, nhóm nghiên cứu đã hướng dẫn thành công 02 khóa luận tốt nghiệp với đề tài: Truyện kể dân gian Thừa Thiên Huế với đời sống tâm hồn trẻ mầm non, Thực trạng giáo dục nghề truyền thống cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi trong hoạt động khám phá xã hội tại một số trường mầm non trên địa bàn thành phố Huế. Bên cạnh đó, nghiên cứu đã xuất bản 01 sách chuyên khảo ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn và công bố 01 bài báo ở hội thảo quốc tế có phản biện, 01 bài báo ở Hội thảo khoa học quốc gia, 03 bài báo trên các tạp chí nằm trong danh mục tạp chí xét chức danh Giáo sư. Những sản phẩm này không chỉ là tài liệu tham khảo cho các nhà khoa học mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện nhân cách trẻ mầm non, góp phần giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế.
Facebook
Twitter
LinkedIn
Email