Tác giả: Thanh Hiền
Ngày 18/7, tại huyện A Lưới, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp Hội) phối hợp với UBND huyện tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Chuyển giao và ứng dụng các giải pháp sáng tạo khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản tại huyện A Lưới”.
Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra một trong những nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến các huyện miền núi, trong đó có huyện A Lưới là “Phát triển kinh tế – xã hội các huyện miền núi theo hướng hình thành các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với phát triển công nghiệp chế biến và dịch vụ, du lịch, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững mối quan hệ hữu nghị với các tỉnh chung đường biên giới với nước bạn Lào”. Hội thảo tổ chức lần này hướng đến mục đích đẩy mạnh ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp – thuỷ sản vào thực tế sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm góp phần phát triển kinh tế – xã hội huyện A Lưới.
Đại biểu chụp hình lưu niệm
Tham dự hội thảo, có ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới; ông Lê Hoàng Vũ Hải Quang, Chánh Văn phòng UBND huyện; ông Trần Phước Hùng, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện sở, ban, ngành cấp tỉnh; Đại diện phòng, ban, UBND xã thuộc huyện A Lưới và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên địa bàn tỉnh cùng đến tham dự. Về phía Liên hiệp Hội có TS. Hồ Đắc Thái Hoàng tham dự và phát biểu tại Hội thảo, cùng các Phó Chủ tịch chuyên trách, các chuyên viên Văn phòng, các ban của cơ quan Liên hiệp Hội.
Ông Hồ Đắc Thái Hoàng, Chủ tịch Liên hiệp Hội phát biểu khai mạc Hội thảo
Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới phát biểu tại Hội thảo
Trong khuôn khổ của Hội thảo, các đại biểu đại diện sở, ban, ngành cấp tỉnh và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu được tham quan một số mô hình trồng rau trong nhà kính (hộ bà Nga) và mô hình nuôi cá tầm (hộ anh Phương) tại huyện A Lưới.
Đại biểu tham quan mô hình trồng rau và mô hình nuôi cá tầm tại A Lưới
Tại Hội thảo, đại biểu được lắng nghe chia sẻ từ phía lãnh đạo huyện và các chuyên gia, nhà nghiên cứu thông qua các bài tham luận.
Ông Đặng Thanh Phú, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội trình bày báo cáo đề dẫn
Các báo cáo viên trình bày tham luận tại Hội thảo
Ông Trần Phước Hùng, Phó Trưởng phòng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới với tham luận về “Hiện trạng và nhu cầu về lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản để phát triển kinh tế – xã hội huyện A Lưới” giới thiệu về hiện trạng và đánh giá chung sản xuất nông nghiệp huyện A Lưới với những thuận lợi và khó khăn cùng một số đề xuất để phát triển kinh tế – xã hội huyện A Lưới để giúp cho ngành nông nghiệp của Huyện phát triển ngày càng hiệu quả, bền vững.
Tham luận của ThS. Hoàng Nhật Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN về “Hiệu quả của các mô hình ứng dụng KHCN chất lượng cao đã và đang triển khai tại địa bàn huyện A Lưới” cho biết trong thời gian qua, Trung tâm đã thực hiện 04 dự án do Trung ương quản lý, 02 dự án cấp tỉnh, 03 dự án cấp cơ sở và tổ chức hơn 10 lớp tập huấn kỹ thuật về ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và thuỷ sản cho người dân trên địa bàn huyện A Lưới với tổng kinh phí ngân sách nhà nước được đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Hầu hết các dự án, lớp tập huấn được triển khai có hiệu quả thiết thực, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện A lưới.
Tham luận “Hỗ trợ xây dựng và vận hành 10 mô hình sinh kế nuôi trồng thủy sản tại huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế” của PGS.TS. Trịnh Thị Định, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xã hội (CSRD). Việc xây dựng các mô hình sinh kế ở địa phương nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững dựa vào quản lý tài nguyên của địa phương một cách hiệu quả. Để các mô hình kinh tế nuôi trồng thủy sản cộng đồng trên phát triển bền vững và có thể lan tỏa nhân rộng, thì vẫn cần tiếp tục có cơ chế, chính sách của chính quyền các cấp ở địa phương. Cộng đồng các dân tộc ở huyện vùng cao A Lưới của tỉnh Thừa Thiên Huế rất cần được tiếp tục hỗ trợ, được hướng dẫn và được chỉ đạo quyết liệt hơn trong quá trình phát triển của họ, trong quá trình “thoát nghèo” của huyện.
Với tham luận “Tóm tắt kết quả bước đầu xây dựng mô hình phục hồi rừng bản địa đa loài dựa vào nội lực cộng đồng tại xã Trung Sơn, huyện A Lưới – Nhìn từ phương pháp tiếp cận và triển vọng nhân rộng” của ông Võ Quang Vinh, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Chủ rừng – FOSDA. Mô hình này, nếu thành công sẽ mở ra triển vọng rất lớn trong phục hồi rừng bản địa đa loài ở A Lưới. Vì đây là dư địa rất lớn để đầu tư phục hồi rừng với biện pháp trồng lại rừng hỗn giao nhiều loài cây bản địa chủ yếu là mô phỏng từ mẫu rừng tự nhiên trên địa bàn phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái rừng. Mô hình đã đạt được một số thành quả bước đầu về xây dựng mô hình phục hồi rừng bản địa đa loài dựa vào nội lực cộng đồng tại xã Trung Sơn, huyện A Lưới.
Ông Hồ Đắc Thái Hoàng và ông Trần Phước Hùng chủ trì phiên thảo luận
Tại Hội thảo, các đại biểu đến từ các phòng, ban, UBND xã thuộc huyện A Lưới đã chia sẽ nhiều khó khăn về kinh tế – xã hội, người dân chưa tiếp cận rộng rãi các kỹ thuật mới, vẫn còn nghèo do sản xuất và chăn nuôi truyền thống, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng của người nông dân còn kém, cũng như đề xuất các giải pháp thiết thực, cụ thể sát với thực tiễn của huyện nhà. Từ đó Ban Tổ chức Hội thảo đưa ra được những giải pháp hiệu quả nhằm giúp huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo Quốc gia và đạt giảm nghèo bền vững đến cuối năm 2025, cũng như các giải pháp triển khai có hiệu quả việc chuyển giao và ứng dụng các sáng tạo khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản tại huyện A Lưới, qua đó đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Các đại biểu tham gia thảo luận.
Với chủ đề “Chuyển giao và ứng dụng các giải pháp sáng tạo khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản tại huyện A Lưới”, Hội thảo là hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, có mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2025 theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,0%-2,2% và huyện A Lưới thoát khỏi tình trạng huyện nghèo năm 2024. Việc tiếp thu các kiến thức bổ ích từ các chuyên gia, các nhà khoa học để đưa ra giải pháp sáng tạo khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và thuỷ sản tại huyện A Lưới là hết sức cần thiết và quan trọng, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của huyện A Lưới./.