Chăm sóc người bị Covid-19 có triệu chứng mất khứu giác – vị giác

1. Mở đầu

Một trong những triệu chứng của người nhiễm SARS-Cov2 là mất khứu giác (Anosmia), vị giác (Ageusia). Mất khứu giác, vị giác đột ngột có liên quan đến Covid-19 ngay cả khi không có triệu chứng ho, sốt dai dẳng. Đây là triệu chứng được cảnh báo sớm và có giá trị phát hiện người mắc Covid-19.

Bài viết này xuất phát từ thực tế quá trình tư vấn cho rất nhiều bệnh nhân Covid-19 cho rằng mình bị mất khứu-vị giác nhưng liệu chừng có phải tất cả những Covid-19 phàn nàn về vấn đề này đều chính xác không? Vì vậy, trước hết cần phải khẳng định người bệnh Covid-19 có đúng là mất khứu giác-vị giác hay không?

2. Định nghĩa đúng về mất khứu giác-vị giác

– Mất vị giác (Ageusia): Mất vị phải là khi nhắm mắt lại người khác đưa một thức ăn vào mình không biết ăn cái gì?

Mất hoàn toàn: người bệnh mất hết chức năng vị giác, không còn phân biệt được ngọt, mặn, đắng, chua, cay…;

Mất một phần: người bệnh chỉ còn nhận biết một số vị chứ không phải toàn bộ cảm giác nếm[3][4].

– Mất khứu giác (Anosmia = loss smell) là tình trạng mất mùi hoàn toàn, người bệnh không thể ngửi được một hoặc nhiều mùi khác nhau. Khi mất khứu giác chỉ xảy ra ở một bên nên thường người bệnh khó có thể tự nhận ra[2][4]. Mất khứu giác là khi nhắm mắt đưa một loại chất lỏng như nước hoa, tinh dầu … ngửi vẫn không biết là loại mùi gì

Nhiều người lo sợ quá hay do đường mũi họng viêm nhiễm ngạt mũi, mệt mỏi, cảm giác sợ mùi vị. Do vậy, cần phân biệt ngạt mũi, hay do mệt và nhạt miệng ăn không ngon?

Người mắc Covid-19  mất triệu chứng khứu – vị giác sẽ dễ mệt mỏi, chán ăn nếu mình không chú trọng vào chế độ dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, tập luyện thì càng làm cho cơ thể càng mệt hơn càng dễ để virus tấn công mình hơn[1][4]

3. Chế độ dinh dưỡng

Khi bị mắc Covid-19 người bệnh thường chán ăn, lười ăn không muốn ăn làm ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự hồi phục.  Do đó cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng như sau:

Uống nước đầy đủ: Các loại nuớc uống có thể dùng: Nước cam, nước sinh tố, sữa chua, sữa, nước lọc nhưng bảo đảm ấm và nên nhấp từng ít một để làm ấm họng và không để khô cổ họng- Không để cho Virus có môi trường thuận lợi để có dịp sinh sôi.

– Dinh dưỡng hợp lý:

Đa dạng thực phẩm: Nên ăn 10 – 15 loại thực phẩm trong một ngày.

Đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng: Chất đường bột, chất đạm, chất béo, khoáng chất và các vitamin.

Chia thành nhiều bữa ăn trong ngày (4 – 6 bữa): Do người bệnh mệt mỏi, mất khứu giác-vị giác, nên việc chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong một ngày sẽ giúp cho người bệnh cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết. Mặt khác, khi mệt mỏi, chán ăn người bệnh ăn được số lượng thức ăn rất ít khó đảm bảo được nhu cầu năng lượng cần thiết. Để tăng năng lượng cần cho thêm 1 muỗng dầu oliu vào thức ăn hàng ngày

Chế biến thức ăn ở dạng mềm, lỏng, dễ tiêu hóa. Vì vậy cần nấu chín mềm, nhừ (Cháo, súp, phở, miến…)

  • Bổ sung thêm các loại vitamin và khoáng chất để tăng cường sức chống đỡ cho cơ thể:

Vitamin C: 500 mg buổi sáng.

D3K2: loại 1 giọt 400UI (2-3 giọt buổi sáng)

Kẽm: 10 mg chia 2 lần.

4. Tinh thần, tập luyện, theo dõi, chăm sóc

– Về tâm lý người bệnh lo lắng, sợ dịch bệnh do vậy cần giữ vững tinh thần lạc quan tin tưởng ngày mai sẽ hơn ngày hôm nay, các bệnh virus 1 tuần sẽ qua. Nghe nhạc xuân, yêu đời sẽ mau bình phục.

– Tập luyện: Người bệnh mệt mỏi, buồn bã chỉ muốn nằm, như thế sẽ không tốt. Nên đi lại trong nhà, luyện tập các động tác thể dục nhẹ nhàng hàng ngày mình vẫn tập. Lưu ý nhất là tập thở.

– Theo dõi: Theo dõi nhiệt độ và các biểu hiện của bệnh hàng ngày. Nếu thấy có dấu hiệu khó thở, thở nhanh, sốt cao, SpO2 < 95%. Cần báo ngay nhân viên y tế.

– Chăm sóc vệ sinh niêm mạc vùng mũi họng:

Việc súc miệng và nhỏ mũi cũng được bàn luận nhiều: xịt nước muối, nước biển với áp lực mạnh thực ra không tốt gây khó chịu nhất là với những cháu nhỏ và người già. Sau đây là một số khuyến cáo có thể thực hiện một cách đơn giản [1]:

  • Súc miệng nước muối sinh lý ngày 3-6 lần.
  • Nhỏ mũi vài 3 giọt nước muối sinh lý ngày vài ba lần, tạo cảm giác thoải mái dễ chịu. Tốt nhất dùng loại nước muối 90/00 điểm mắt để nhỏ mũi cho an toàn.
  • Nước súc miệng có thể tự pha: cho muối vào ca 200 ml cho thêm nước sôi vào khuấy cho tan đều. Để một lúc chêm nước sôi nguội sao cho như nước canh là vừa súc miệng. Không nên mặn qua hay nhạt quá.

Kết luận: Mất khứu giác-vị giác là triệu chứng thường gặp ở người bệnh Covid-19. Tuy nhiên, việc kiểm tra xem xét thực sự đúng hay không rất quan trọng giúp người bệnh bình tĩnh, lạc quan tập trung vào việc chăm sóc dinh dưỡng, vận động, theo dõi các triệu chứng góp phần sớm hồi phục bệnh là rất cần thiết.

Từ khoá: Covid-19, Mất vị giác (ageusia), Mất khứu giác: (anosmia = loss smell)

 

TS.BS. Phạm Hoàng Hưng*,***

TS.BS. Vũ Thị Bắc Hà**,***

*Hội Nhi khoa Thừa thiên Huế.

**Hội Dinh Dưỡng Thừa thiên Huế.

***Ngành Dinh dưỡng – Khoa Công nghệ Thực Phẩm- Đại Học Đông Á.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Y tế 2021, Chứng mất khứu giác, vị giác ở bệnh nhân Covid-19: tự khỏi hay cần điều trị, Sức khoẻ đời sống.vn. https://moh.gov.vn/tin-lien-quan/-/asset_publisher/vjYyM7O9aWnX/content/chung-mat-khuu-giac-vi-giac-o-benh-nhan-covid-19-tu-khoi-hay-can-ieu-tri-

2. Jair V.G 2020, Ageusia and Anosmia, a common sign of Covid-19? A case series from four countries. 19.html. J Neurovon.2020Jul 14:1-5.

3. Sachiko Koyama 2021, Loss of Smell and Taste in Patients With Suspected COVID-19: Analyses of Patients’ Reports on Social Media, Department of Chemistry Indiana University 800 E Kirkwood Ave Bloomington, IN, 47405-7102 United States.

4. Alain K.K 2021, Symptoms Report with New Onset of Loss of Taste or Smell in Individual with and without SARS-CoV-2 Infection, Jama Otolaryngo Head Neck Surg, 2021 Oct 1; 147(10): 911-914.

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email