Tác giả: Nguyễn Đính
(sưu tầm và biên tập)
Theo Bách khoa toàn thư mở trực tuyến Wikipedia, lễ tế Giao (chữ Hán: 郊天禮 (Giao Thiên lễ)/ 祭天 (Tế Thiên), thường gọi lễ tế Nam Giao (chữ Hán: 南郊禮 (Nam Giao lễ), là nghi lễ tế Trời do vị quân chủ của một nước theo văn hóa Trung Hoa Khổng giáo tiến hành. Đây là nghi thức được xếp vào hàng Đại tự (lễ lớn) và là lễ tế linh thiêng bậc nhất của các triều đại phong kiến – quân chủ ở một số nước Đông Á.
Theo nhà bác học Phan Huy Chú (Lịch triều hiến chương loại chí, phần Lễ nghi chí, năm 1809-1819), lễ tế Giao đời cổ có hai nghĩa: một là tế để đón hòa khí, tức như trong sách Chu lễ nói: “Đông chí tế Trời ở đàn Viên Khâu”; hai là tế để cầu được mùa, tức là như thiên “Nguyệt lệnh”, Kinh lễ nói: “Ngày mồng một tháng Giêng vua tế Trời để cầu được mùa”. Đời sau, lễ tế ở đàn Viên Khâu và đàn Phương Trạch không làm nữa, chỉ có đầu xuân tế Giao, hợp tế cả Trời Đất. Khoảng năm Hồng Vũ (1368-1398), nhà Minh định thành điển. Đầu nhà Lê mới dùng chế độ nhà Minh, làm lễ vào tháng Giêng, hơn ba trăm năm sau vẫn theo không thay đổi.
Ở các quốc gia vùng Đông Á chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa, lễ tế Giao được tổ chức từ thiên niên kỷ trước. Tại Nhật Bản, nghi lễ tế Trời được du nhập từ Trung Hoa vào nước này dưới thời Nhà Đường, hoàng đế sẽ làm lễ tế vào ngày Đông chí. Theo sách Tục Nhật Bản Kỷ (tiếng Nhật: 続日本紀), Thiên hoàng Shōmu đã thực hiện nghi thức tế Trời trong buổi lễ triều hạ (bá quan vào chầu và chúc mừng) vào ngày mùng một Tết năm 725. Tại Triều Tiên, các nghi thức tế lễ để tạ ơn trời đất sau mỗi mùa vụ đã xuất hiện từ khá sớm trong cộng đồng cư dân nông nghiệp cổ; còn nghi thức tế Trời do một vị vua tiến hành chỉ thực sự được chuẩn hóa và thực hiện bởi triều đình kể từ Nhà Cao Ly, gọi là Tế thiên hành sự (chữ Hán:祭天行事, tiếng Triều Tiên: 제천행사) dưới thời vua Thành Tông (Hangul, trị vì 981 – 997).
Ở Việt Nam, một số nhà nghiên cứu cho rằng lễ tế Giao bắt đầu được thực hiện từ nhà Đinh khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, xưng “Hoàng đế” vào năm 968, lần đầu tiên đặt niên hiệu để sử dụng rộng rãi ở Việt Nam. Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại chi tiết đầu tiên nhắc tới đàn tế Giao vào năm 1154, vua Lý Anh Tông cho đắp đàn Viên Khâu phía Nam của La Thành (thành Đại La – Thăng Long, Hà Nội).
Không ảnh và quang cảnh đàn Nam Giao triều Nguyễn ở Huế những năm đầu thế kỷ XX
Từ thời Lê trở đi, việc tế Nam Giao được triều đình rất coi trọng, vua trực tiếp tế Nam Giao. Đến thời Lê trung hưng, chúa Trịnh nắm thực quyền, thế lực lấn át vua Lê, tuy nhiên vào lễ tế Giao thiêng liêng bậc nhất thì vua Lê vẫn là người có địa vị cao nhất, vì chỉ bậc thiên tử mới được đứng ra chủ tế. Sang thời Tây Sơn vẫn duy trì việc tế Nam Giao ở kinh đô Phú Xuân. Đàn Nam Giao triều Tây Sơn còn là nơi công bố, niêm yết khi thay đổi niên hiệu.
Đến nay, ở Việt Nam còn lại dấu tích của bốn đàn Nam Giao là đàn Nam Giao Thăng Long, đàn Nam Giao nhà Hồ, đàn Nam Giao nhà Tây Sơn và đàn Nam Giao triều Nguyễn ở Huế, không kể đàn Kính Thiên được phục dựng ở cố đô Hoa Lư. Trong số đó, đàn Nam Giao triều Nguyễn ở cố đô Huế dù bị thời gian và chiến tranh tàn phá nhưng vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Từ năm 1992 đến nay, đàn Nam Giao Huế được trùng tu, tôn tạo, đồng thời lễ tế Nam Giao đã được nghiên cứu và phục dựng trong các kỳ Festival Huế, trở thành lễ hội văn hóa độc đáo chỉ riêng có ở cố đô Huế.
Theo tài liệu lịch sử, đàn tế Nam Giao Triều Nguyễn được xây dựng dưới triều vua Gia Long, hoàn tất năm 1807. Vị trí đàn Nam Giao nằm trên trục chính Nam của Kinh thành Huế, cách Kỳ đài khoảng 3km, nay thuộc địa phận phường Trường An, quận Thuận Hóa, thành phố Huế.
Trong khuôn viên hình chữ nhật rộng hơn 10 hecta (265m x 390m), khu đàn Nam Giao được bao phủ bởi rừng thông xanh mướt, bốn mặt khuôn viên đều trổ cửa theo bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc trong đó cửa Nam là cửa chính, trước mỗi cửa đều xây bình phong bằng đá. nay chỉ còn ba bức ở các phía Đông, Nam, Tây. Bao bọc lấy khu đàn tế là một vòng tường xây bằng đá bazan nhưng đã bị hư hỏng, triệt phá từ lâu. Phía trong khuôn viên đàn là các công trình kiến trúc để phục vụ đại lễ Nam Giao với trung tâm là đàn Nam Giao. Ngoài ra còn có Trai cung, Thần khố, Thần trù, Quan cư, Khoản tiếp cùng một số công trình phụ. Trong lịch sử Việt Nam, đây là đàn tế Giao to lớn nhất.
Đàn Nam Giao gồm 3 tầng bằng gạch xây chồng lên nhau, cấu tạo và kích thước của các tầng rất hài hòa và cân đối với các dạng thức và màu sắc khác biệt.
Tầng trên cùng là Viên đàn, xây hình tròn (tượng trưng cho Trời) gồm 5 án thờ: chính giữa thờ Trời (Hiệu Thiên Thượng Đế) và Đất (Hoàng địa kỳ), các án còn lại thờ Thái tổ Gia Dụ Hoàng đế, Thế tổ Cao Hoàng Đế, Thánh Tổ nhân Hoàng đế, Hiến Tổ chương Hoàng đế. Đàn cao 6 thước 8 tấc, chu vi 30 trượng 3 thước 5 tấc, bốn mặt có thềm: phía Nam 15 bậc, các hướng còn lại đều 9 bậc.
Tầng giữa là Phương đàn hay còn gọi là Tùng đàn, xây hình vuông cao 2 thước 5 tấc, vuông 72 trượng, bốn mặt thềm đều 5 bậc. Tầng này có 8 án tòng tự (8 vị được dự thờ). Ở phía bên trái: Án thứ nhất thờ Mặt trời (Đại Minh), án thư nhì thờ vì sao, án thứ 3 thờ các thần Mây, thần Mưa, thần Gió và thần Sấm, án thứ tư thờ thần Thái Tuế và thần Nguyệt Tướng. Ở phía phải: án thứ nhất thờ Mặt trăng (Dạ Minh), án nhì thờ thần Núi, thần Biển, thần Sông và thần Chằm, thần các núi Hiệu Trường, Khải Vận, Hưng Nghiệp và Thiên Thụ đều thờ ở án này; án thứ 3 thờ thần giữ lăng tẩm, mộ phần; án thứ 4 thờ các thần kỳ trong nước.
Tầng dưới cùng xây hình vuông, cao 1 thước 9 tấc, vuông 130 trượng 7 thước, bốn mặt thềm đều 4 bậc.
Ba tầng đàn, xung quanh đều xây lan can, tầng thứ nhất tô màu xanh, tầng thứ 2 tô màu vàng, tầng thứ 3 tô màu đỏ. Khoảng đất vuông ngoài đàn đều trồng cây thông, xung quanh xây tường đá, bốn mặt đều mở 3 cửa rộng. Phía Đông Bắc ngoài tường là Nhà kho, Nhà bếp, Kho Tế khí và Nhà Sát sinh; phía Tây Nam là Trai Cung, mở 2 cửa trước sau, xung quanh xây tường gạch, trồng nhiều cây thông.
Từ khi đàn tế được xây dựng xong cho đến cuối thế kỷ 19, hàng năm triều Nguyễn đều tổ chức lễ tế Nam Giao vào mùa Xuân. Lễ tế Nam Giao lần đầu tiên được vua Gia Long tổ chức vào ngày 27/3/1807. Từ năm 1886 đến năm 1890, triều đình Huế không tổ chức lễ tế Giao. Bắt đầu từ năm 1891, cứ 3 năm triều đình tổ chức lễ tế Nam Giao một lần. Lễ tế Giao cuối cùng của triều Nguyễn vào ngày 23/3/1945, đúng 5 tháng trước khi nền quân chủ nhà Nguyễn cáo chung ngày 30/8/1945 (vua Bảo Đại tuyên chiếu thoái vị tại Ngọ Môn, Huế).
Thời gian tổ chức lễ tế Nam Giao là sau tết Nguyên Đán, Khâm Thiên Giám – cơ quan trông coi lịch pháp dưới triều Nguyễn sẽ chọn ra một ngày tốt để dâng vua phê chuẩn. Sau đó, triều đình sẽ tiến hành các công việc chuẩn bị cho lễ tế Nam Giao.
Trước khi tế Giao, nhà vua phải trai giới trong ba ngày, trong thời gian đó, vua phải ăn chay, tịnh tâm để hướng đến những suy nghĩ trong sáng và một lòng thành kính đối với Trời và Đất. Đồng thời vua đích thân ban hành những chiếu dụ thông báo cho dân chúng, tri ân cho các quan và cho phép giảm án tù.
Trong lễ tế Nam Giao, có thể đích thân nhà vua đứng làm chủ tế, hoặc giao cho quan Khâm mệnh Đại thần thay mặt làm chủ tế. Trong ngày tế, vua đội mũ Cửu Long, mặc áo bào vàng, đeo đai ngọc, xiêm vàng; các quan dự đều mặc triều phục; lễ tế có chuông, trống, nhã nhạc đều theo hiệu lệnh.
Lễ tế Nam Giao là để hiện vai trò “Thiên tử” (con Trời) của nhà vua, để chính danh với thiên hạ và để gửi gắm những ước mơ, khát vọng của con người với thần linh về một thế giới thái bình, no ấm, con người sống hài hòa với tự nhiên. Đây là một nét văn hóa cung đình độc đáo và đặc sắc dưới triều Nguyễn, chứa dựng giá trị lịch sử văn hóa cùng giá trị nhân văn độc đáo.
Đàn Nam Giao triều Nguyễn trở thành một di tích lịch sử quan trọng trong quần thể di tích cố đô Huế được công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1993. Trong mùa Festival Huế 2004, sau 60 năm vắng bóng, lễ tế Nam Giao đã được ban tổ chức phục dựng và trở thành điểm nhấn trong các mùa Festival sau này. Ngoài việc phục dựng lễ tế Giao hoành tráng dưới hình thức sân khấu hóa trong một số kỳ Festival, lễ tế Nam Giao cũng được thành phố Huế tổ chức trang trọng vào tháng Giêng hàng năm.
Di tích đàn Nam Giao thứ hai ở Huế là đàn tế Giao dưới triều Tây Sơn nằm trên Núi Bân, còn gọi Hòn Thiên (Thiêng), núi Ba Tầng, núi Ba Vành, cao gần 44 m, bên cạnh núi Ngự Bình về phía Tây. Năm 2023, căn cứ báo cáo sơ bộ kết quả khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và các nhà nghiên cứu xác định đàn Nam Giao dưới triều Tây Sơn được xây dựng đơn giản trên núi Bân, nay thuộc phường An Tây, quận Thuận Hóa, thành phố Huế. Núi Bân cũng là nơi Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung vào năm 1788 và xuất quân thần tốc ra Thăng Long tiêu diệt 29 vạn quân Thanh xâm lược vào ngày 25 tháng11 năm Mậu Thân (22/12/1788). Năm 2010, dự án chỉnh trang, tôn tạo di tích núi Bân cùng với xây dựng quảng trường và tượng đài của vua Quang Trung với tổng diện tích hơn 2,5 hecta được hoàn thành, trở thành công trình quan trọng của di tích Tây Sơn tại cố đô Huế./.