Dịch bệnh COVID-19 có thể chưa dừng lại, các đợt bùng phát dịch mới có nguy cơ tiếp tục xuất hiện, biến chủng mới Omicron đang lây lan mạnh trên thế giới và trong nước, chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 trung ương và các cấp đã thực hiện các biện pháp và phương án để sống chung với Covid-19, hoạt động kinh tế-xã hội ổn định và đảm bảo sức chống chịu của hệ thống y tế.
3 biện pháp thích ứng với dịch bệnh COVID-19 hiện tại
1.Không hoang mang khi số ca mắc vẫn còn cao: Theo báo cáo số liệu của những ngày gần đây, số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày trên toàn quốc trung bình từ 14.000 đến 16.000 người, như vậy so với những thời điểm cao điểm thì con số mắc không giảm mà còn có nguy cơ sẽ tăng cao khi chúng ta vẫn đang cố gắng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Tuy nhiên con số bệnh nhân tử vong do Covid-19 đã giảm nhiều, có thời điểm xuống còn 2 con số, và hiện nay số mắc cao như vậy nhưng con số tử vong báo cáo hàng ngày khoảng 200 ca, tỷ lệ tử vong khoảng 1,2-1,4% là ở mức thấp so với báo cáo trên thế giới. Số ca nhiễm duy trì mức độ cao như vậy do việc phát hiện do sàng lọc diện rộng, tự xét nghiệm và báo cáo, tầm soát hàng ngày cho bệnh nhân và nhân viên các cơ sở y tế…Kể từ khi cho phép chỉ cần test nhanh kháng nguyên dương tính là xác định ca nhiễm thì số ca mắc tăng lên nhanh trong cộng đồng. Số ca mắc nhiều có nghĩa là dịch bệnh vẫn đang ở mức cao, lây lan rộng dù chúng ta đang kiểm soát khá tốt. Tuy nhiên số ca mắc chưa chắc đã thể hiện đúng nguy cơ và thực trạng của dịch bởi vì vẫn còn nhiều ca xét nghiệm dương tính không báo cáo, nhiều ca chưa được xét nghiệm, nhiều ca đang ở giai đoạn âm tính khi xét nghiệm…Nói như vậy để đừng nhìn vào con số mà đánh giá ngay tình hình dịch, chỉ cần giảm xét nghiệm là lập tức con số giảm đi. Tuy nhiên, con số bệnh nhân tử vong do Covid-19 được báo cáo là thấy rõ nhất về tình hình dịch, cho thấy chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đã thu dung quản lý điều trị hiệu quả nên số tử vong giảm nhiều dù dịch bệnh đang ở mức cao.
2. Hướng dẫn xét nghiệm sàng lọc và xác định bệnh: Hiện tại việc xét nghiệm sàng lọc rộng rãi không còn nhiều ý nghĩa, vì nói như dân gian là “bói ra ma, quét nhà ra rác”. Khi các ca nhiễm đã xuất hiện nhiều trong cộng đồng, với tính chất dễ lây như COVID-19 mà hiện nay là biến thể mới Omicron còn lây mạnh hơn thì việc xét nghiệm rộng rãi, tầm soát hàng loạt trong cộng đồng sẽ làm tăng số ca nhiễm mà không hề thay đổi tính chất và nguy cơ của dịch. Thực sự hiện nay, hơn 90% ca mắc không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên chưa cần phải chăm sóc y tế, không nên xét nghiệm rộng rãi nhằm bóc tách F0 để đưa vào các khu cách ly tập trung để giảm gánh nặng cho y tế, giảm thiểu nguy cơ lây lan trong khu vực này. Tại các bệnh viện, các cơ sở y tế có giường nội trú cần tầm soát dịch bằng xét nghiệm định kỳ, xác định nhanh người mắc, đưa vào khoa cách ly của bệnh viện, chăm sóc và điều trị, tránh lây lan rộng trong bệnh viện.
3. Tập trung thu dung và quản lý điều trị người nhiễm Covid-19: Thực tế hiện nay, không nên quá chú trọng vào số ca mắc trong cộng đồng nữa. Phân tầng thu dung quản lý điều trị người nhiễm Covid-19 hợp lý, tập trung tầm soát số ca mắc tại các cơ sở y tế, cơ sở điều trị Covid-19 để giám sát tốt nguy cơ diễn biến nặng trên những bệnh nhân đang điều trị các bệnh nền, các bệnh nhân nhiều yếu tố nguy cơ, các bệnh nhân có nguy cơ sẽ diễn biến nặng để giảm thiểu nguy cơ tử vong.
Trạm y tế địa phương, tổ y tế lưu động là đơn vị quản lý người dân tại địa bàn về y tế, chịu trách nhiệm khám sàng lọc cho người dân khi có triệu chứng, xét nghiệm nhanh những đối tượng này. Không để người dân trực tiếp đến các phòng khám hoặc bệnh viện làm tăng nguy cơ lây lan.
Không thiết lập khu phong toả, địa bàn phong toả và xét nghiệm toàn bộ dân cư trong khu phong toả vì hiện tại ít ý nghĩa trong phòng chống dịch.
4 chiến lược hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh COVID-19
1. Bao phủ vaccine: Tiêm chủng vaccine đầy đủ cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên. Tiêm chủng tăng cường cho nhân viên tuyến đầu và các đối tượng nguy cơ diễn tiến bệnh nặng. Theo số liệu của Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 quốc gia, đến ngày 11/1/2022, cả nước đã tiêm được hơn 162,375 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên đạt hơn 146,238 triệu liều, trong đó có hơn 70,314 triệu liều mũi 1; hơn 65,039 triệu liều mũi 2 và hơn 6,947 triệu liều mũi 3, mũi bổ sung…Với số mũi tiêm như trên, tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên ở nước ta đã đạt 99,9% và tỉ lệ tiêm đủ liều cơ bản đạt 92,4%. Đối với trẻ em từ 12-17 tuổi, đã tiêm được hơn 13,794 triệu liều, trong đó có hơn 7,932 triệu liều mũi 1 và hơn 5,861 triệu liều mũi 2. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine ở lứa tuổi này đã đạt 89%, mũi 2 đạt 65,7%. Theo Bộ Y tế cho biết còn khoảng 21,5 triệu liều mới tiếp nhận đang tiến hành các thủ tục kiểm định chất lượng để tiếp tục tiêm chủng. Khi tỷ lệ tiêm chủng cao, đặc biệt đủ liều nhắc lại và bổ sung thì nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 sẽ được ngăn chặn, nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong sẽ giảm nhiều trên các nhóm có bệnh nền nặng, tuổi quá lớn…
2. Xét nghiệm Covid-19: Chỉ xét nghiệm sàng lọc cho những người có triệu chứng hô hấp hoặc những triệu chứng liên quan. Xét nghiệm bổ sung cho người có tiếp xúc gần với người nhiễm. Không xét nghiệm rộng rãi trong cộng đồng. Xét nghiệm định kỳ nhân viên y tế và bệnh nhân nội trú cùng người nhà bệnh nhân bằng PCR mẫu gộp để tầm soát nguy cơ lây nhiễm ở các cơ sở y tế, đánh giá hợp lý nguy cơ của nhân viên y tế và người bệnh, người nhà để đảm bảo bệnh viện an toàn, tránh nguy cơ lây lan trong cơ sở y tế. Xét nghiệm sàng lọc ngẫu nhiên 10-20% dân cư trong cộng đồng tuỳ theo mức độ nguy cơ để tầm soát lây nhiễm.
3. Chăm sóc và điều trị: Phân tầng thu dung, quản lý điều trị người nhiễm Covid-19 hợp lý. Những người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ như cảm lạnh, cảm cúm thông thường nên được theo dõi tại nhà, không đưa vào các khu cách ly tập trung, cơ sở thu dung, quản lý bệnh nhân nhiễm Covid-19. Các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên đều thiết lập khu cách ly điều trị như một bệnh truyền nhiễm, để có thể chăm sóc cách ly các ca nhiễm COVID-19 (gồm cả bệnh nhân và nhân viên y tế) giúp giảm các bệnh viện dã chiến và các khu cách ly tập trung vừa đảm bảo bệnh nhân được tiếp tục điều trị bệnh nền an toàn. Lựa chọn và sử dụng các biện pháp hữu hiệu (thuốc, các biện pháp can thiệp) để điều trị tốt nhất cho nhóm bệnh nhân nặng, nhiều bệnh nền, làm giảm tỷ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân này.
4. Ý thức của cộng đồng: Tiêm chủng đầy đủ, tự giác tuân thủ 5K, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, hạn chế đi vào vùng có dịch. Duy trì các hoạt động học tập, lao động bình thường của bản thân và cộng đồng.
Đến một thời điểm, có thể là cuối năm 2022, COVID-19 được xem như một bệnh đặc hữu, như cảm lạnh, cúm mùa, sốt xuất huyết, tay chân miệng…vậy, sự phát sinh dịch bệnh có thể dự báo và dự phòng. Khi mắc bệnh nếu cần thiết thì nhập viện điều trị, nhẹ thì chăm sóc tại các trạm y tế và tại nhà. Cuộc sống của chúng ta sẽ trở lại bình thường, song hành với dịch bệnh mà chắc chắn trong tương lai gần chúng ta khó mà loại bỏ dứt điểm được. Tiêm chủng đầy đủ, phòng hộ cá nhân và an toàn cho cộng đồng theo thông điệp 5K là chiến lược lâu dài để sống chung với dịch covid-19 và có thể với những dịch bệnh khác./.
PGS.TS. Trần Đình Bình
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế – xã hội
2. Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”
3. Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19
4. Thông báo số 28/TB-VPCP ngày 08/02/2021. Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19
5. Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19
6. Quyết định 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế ban hành tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”
7. Quyết định số 3989/QĐ-BYT ngày 18/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Tiêu chí kiểm soát dịch COVID-19 tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ”
8. Quyết định số 4038/QĐ-BYT ngày 21/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà”
9. Quyết định số 4355/QĐ-BYT ngày 10/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19
10. Quyết định số 4377/QĐ-BYT ngày 11/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Sổ tay hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ của Trạm Y tế lưu động
11. Quyết định số 4689/QĐ-BYT ngày 06/10/2021 về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19.
12. Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 quốc gia, ngày 11/01/2021. https://tiemchungcovid19.gov.vn/portal
13. Sebastian Strangio, January 07, 2022. Thailand Raises COVID-19 Alert Level as Neighbors Brace for Omicron Surge. https://thediplomat.com/2022/01/thailand-raises-covid-19-alert-level-as-neighbors-brace-for-omicron-surge/
14. Reuters, January 06, 2022. Thailand raises COVID-19 alert level due to Omicron spread. https://www.reuters.com/business/healthcare-pharmaceuticals/thailand-raises-covid-19-alert-level-due-omicron-spread-2022-01-06/
15. WHO Coronavirus (COVID-19) Dashboard. https://covid19.who.int/?gclid-2022-01-11/
16. Sean Boynton, January 8, 2022. When will the Omicron wave end? Data suggests it could be soon, but experts are wary. https://globalnews.ca/news/8494760/omicron-wave-end-covid/
Hình ảnh: internet