Các hoạt động kinh tế, xây dựng công trình rất đa dạng với mục đích chủ yếu là phục vụ đời sống của con người sinh sống ở nơi đây. Nhưng, do sự nhận thức không đầy đủ về quy luật vận động của dòng chảy hoặc do lợi ích cục bộ, vô tình đã làm tăng mức độ xói lở của sông. Mặc dù các hoạt động này không phải là những yếu tố chủ đạo, song trong một vài trường hợp chúng đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy quá trình xói lở xảy ra, thậm chí xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn. Tác động của các yếu tố hoạt động kinh tế – xã hội đối với sự biến dạng lòng dẫn sông Hương gây xói lở bờ sông gồm khai thác vật liệu xây dựng dưới lòng sông quá mức.
Nguy cơ bờ sông bị xói lở do khai thác cát, sỏi ở đoạn sông chuyển tiếp từ đồi núi vào đồng bằng đã ghi nhận ở một số nơi trên sông Hương. Như đã nêu trên, lượng bồi tích của sông Hương không nhiều và phần lớn được lắng đọng ở thượng nguồn và khu vực hợp lưu của 2 nhánh sông Tả Trạch và Hữu Trạch.
Do nhu cầu ngày càng tăng về vật liệu xây dựng, nên việc khai thác cát, sỏi ở hạ lưu sông Hương những năm qua diễn ra với tốc độ đáng lo ngại. Qua nhiều đợt khảo sát cùng với việc tham khảo các số liệu điều tra của Sở Công Thương và Cảnh sát Đường thủy dễ dàng nhận thấy, lòng sông Hương bị khai thác cát sạn quanh năm trừ những ngày nước lớn.
Ngoài các vị trí khai thác tập trung đề cập ở trên, nếu tính cả những thuyền khai thác đơn lẻ, hiện trên sông Hương có hơn 300 thuyền khai thác cát, sỏi bằng thủ công hoặc bằng các máy bơm hút hỗn hợp. Trong một ngày ước tính gần 5000 – 8000 m3 khối cát sạn đem ra khỏi lòng sông Hương. Riêng việc khai thác cát ở Kim Long là do Ban dự án quản lý sông Hương chủ động thực hiện có tính đến sự cân bằng dòng chảy. Còn phần lớn các hoạt động khai thác cát mang tính tự phát của cư dân. Hơn nữa lòng dẫn của đoạn sông từ Điện Hòn Chén đến Linh Mụ có độ ổn định kém, hai bên bờ được cấu tạo từ các loại đất đá có khả năng chống xói lở kém, nên hoạt động khai thác cát, sỏi đã làm tăng thêm mức độ xói lở bờ sông ở đoạn Linh Mụ, đặc biệt mạnh vào trận lũ tháng 11/1999. Ngoài các tác động tiêu cực đến môi trường địa chất (gây ô nhiễm), việc khai thác cát sạn bừa bãi còn là một trong những nhân tố gây mất ổn định bờ sông, làm biến dạng đột ngột các luồng lạch cũng như trường vận tốc dòng chảy do sự thiếu hụt lượng bồi tích dọc bờ. Chính hoạt động này đã gây xói lở bờ rất nghiêm trọng, như ở khu vực phà Tuần, nền đường tỉnh lộ 549 (năm 1997 trên một đoạn dài gần 60 m gây ách tắc giao thông trong một thời gian dài). Chỉ thị số 37/1999/CT-UB (05/8/1999) về việc tăng cường quản lý hoạt động khai thác cát sạn lòng sông Hương, đặc biệt là trên đoạn từ Điện Hòn Chén đến Chùa Linh Mụ đã góp phần giảm bớt những tác động nói trên đối với quá trình xói lở bờ sông Hương. Tuy chưa xác định được tỷ phần của việc khai thác cát sạn ảnh hưởng đến hoạt động xói lở bờ sông Hương, nhưng thực tế cho thấy đoạn sông nào bị xói lở mạnh thì ở đó đã hoặc đang tiến hành khai thác cát sạn.
Bùi Thắng