Hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế nằm trải dài trên địa phận của 5 trong số 9 huyện, thị xã của tỉnh Thừa Thiện Huế. Đó là các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền và thị xã Hương Trà, gồm 31 xã với tổng số dân khoảng 300.000 người (bằng 18% dân số của tỉnh), trong đó có 195.000 người có liên quan trực tiếp đến hệ đầm phá với 3.900 hộ và 7.500 lao động chuyên nghề khai thác đầm phá và đặc biệt hơn một vạn người lấy mặt nước đầm phá làm nơi cư trú. Ngoài ra, còn có đến 3.200 hộ với 5.000 lao động là nghề biển thường sử dụng đầm phá làm cơ sở xuất phát hoặc là nơi tránh gió bão.
Hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, có tổng diện tích mặt nước là 216 km2, có liên quan mật thiết với 49.000 ha đồng bằng và 19.000 ha đất cát ven biển. Mật độ dân cư vào loại trung bình, khoảng 600 người/km2. Cơ cấu dân số phân bố theo ngành nghề. Số hộ sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng 50%, sau đó đến đánh bắt nuôi trồng thủy sản 20%, số còn lại làm các loại nghề khác như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, lâm nghiệp, thương nghiệp, xây dựng.
Dân cư trong vùng sống bằng nông nghiệp có đời sống còn thấp, chịu ảnh hưởng nhiều của điều kiện môi trường hệ đầm phá, như: bão, lụt, hạn, mặn hóa, năng suất sản xuất thấp, sản phẩm chưa trở thành hàng hóa ở địa phương. Bên cạnh nông nghiệp, ngành đánh bắt thủy sản chiếm vị trí quan trọng. Khai thác hải sản, thủy sản trong đầm phá và ở các khu vực nước ngọt đều phát triển. Nghề thủy sản đầm phá phát triển khá mạnh, tốc độ phát triển tàu thuyền đánh cá hàng năm tăng khoảng 10% và mật độ khai thác rất cao (4 ha/tàu thuyền).
Song sản lượng khai thác đang giảm dần hoặc cầm chừng, chỉ đạt trên dưới 2.500 tấn/năm tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên trong năm. Có hai nhóm nghề khai thác chính là nghề khai thác cố định với kỹ thuật đánh bắt thủy sản truyền thống, như nghề sáo, nghề đáy, nghề rớ giàn, nghề chuôm, …. Nghề khai thác lưu động bao gồm các hình thức cá đóng bắt lưới, nghề te máy, nghề giã.
Ngoài ra còn một số hình thức khai thác bất hợp pháp, gây nguy hại trên đầm phá như nghề khai thác bằng sung điện. Nuôi trồng thủy sản, với đặc điểm chế độ bán nhật triều tạo độ mặn khá ổn định nên việc nuôi trồng thủy sản cũng là một thế mạnh. Trong những năm qua, diện tích nuôi trồng thủy sản trên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai đạt trên dưới 1.500 ha. Ngoài ra hàng năm nhân dân ở đây còn khai thác khoảng 400 tấn rong câu khô và 15.000 tấn rong tươi để làm phân bón cho đồng ruộng.
Giao thông khu vực đầm phá chịu ảnh hưởng nhiều của thiên nhiên, như: ngập lụt, bồi lấp cửa Tư Hiền, các trục đường liên xã ở phía đông đầm phá đã và đang được xây dựng, tu bổ tạo điều kiện giao lưu nội địa ra sát biển. Sông Hương và hệ đầm phá tạo thành một hệ thống giao thông thủy rất thuận tiện và là nơi tránh gió bão rất an toàn cho tàu thuyền. Tuy nhiên, việc cửa Tư Hiền bị bồi lấp vẫn đang là mối đe dọa lớn nhất không chỉ đối với các ngành kinh tế mà còn đối với cả ngành giao thông.
Ngành du lịch ở đây vẫn chưa phát triển, chưa thu hút được nhiều khách du lịch đến với Huế, đến với phá Tam Giang – Cầu Hai và sông Hương. Trên địa bàn còn có một số nghề truyền thống, như: chạm trổ, điêu khắc, gò hàn và một số nghề mới như chế biến thủy hải sản, xây dựng, buôn bán nhỏ, thương nghiệp tư nhân, tập trung chủ yếu ở huyện Phú Vang.
Mức sống của cư dân ở trên hệ đầm phá nói chung còn rất thấp, đặc biệt là với 10.000 dân du cư trên đầm phá đời sống còn rất nhiều khó khăn, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Tuyệt đại đa số cư dân sống trên vùng đầm phá là người kinh, phần đông theo Phật giáo, sau đó là Thiên chúa giáo. Hầu như các xã đều có chùa và có một số nhà thờ Công giáo. Ngoài ra, các điện thờ, nhà thờ họ cũng khá phổ biến. Cũng giống như các vùng ven biển khác, ở đây cũng có các lễ cầu may trước mùa đánh bắt, các lễ hội làng xã theo tập quán của người Việt. Tình hình an ninh trật tự khá ổn định. Trên vùng đầm phá có nhiều hoạt động hợp tác kinh tế, viện trợ nhân đạo, hoạt động từ thiện, … của các tổ chức phi chính phủ ở quy mô nhỏ.
Bùi Thắng