Đề xuất phương pháp mới trong xác định động mạch vành thủ phạm bằng gây hẹp thực nghiệm bằng bóng kết hợp ST chênh trước can thiệp động mạch vành

PGS.TS. Hoàng Anh Tiến và nhóm cộng sự Trường Đại học Y Dược Huế, Bệnh viện trường Đại học Y Dược Huế đã nghiên cứu thành công và đề xuất phương pháp mới trong xác định động mạch vành thủ phạm bằng gây hẹp thực nghiệm bằng bóng kết hợp ST chênh trước can thiệp động mạch vành trên 32 bệnh nhân đạt kết quả tốt.

Hệ thống bóng và monitor đánh giá ST chênh

Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên sử dụng bóng gây hẹp thực nghiệm lòng động mạch vành để qua đó xác định độ chênh ST một cách tự động trên monitor điện tâm đồ và dựa vào độ chênh xác định động mạch vành nào là thủ phạm chính: hẹp nhiều nhất và ảnh hưởng nhiều nhất đến chức năng của động mạch vành. Từ đó dùng bóng nong động mạch vành để xác định động mạch vành nào là thủ phạm gây ra thiếu máu cơ tim để ưu tiên can thiệp động mạch vành.

PGS.TS. Hoàng Anh Tiến, cho biết: Ở Việt Nam chưa có nghiên cứu về gây hẹp thực nghiệm động mạch vành để xác định động mạch vành thủ phạm, và đây là lần đầu tiên chúng tôi sử dụng bóng nong động mạch vành gây hẹp động mạch vành, đánh giá sự biến đổi ST để xác định động mạch vành thủ phạm chính. Trên thế giới đã có các công trình nghiên cứu về vấn đề này, tuy nhiên phải trang bị các phương tiện hiện đại và đắt tiền như siêu âm nội mạch vành (IVUS), đo phân suất dự trữ lưu lượng vành (FFR), tạo hình 3D động mạch vành…

Đối với giải pháp này, trong trường hợp hội chứng vành cấp khi chụp động mạch vành có tắc hoàn toàn các nhánh động mạch vành thì việc xác định động mạch vành thủ phạm rất đơn giản, tuy nhiên khi các kết quả chụp các động mạch vành cho kết quả hẹp từ 70-95% thì việc xác định động mạch vành nào thực sự là thủ phạm chính để đặt stent động mạch vành là một thách thức trong quá trình can thiệp. Việc áp dụng phương pháp bóng gây hẹp thực nghiệm lòng động mạch vành để xác định độ chênh ST một cách tự động trên monitor điện tâm đồ và dựa vào độ chênh để xác định động mạch vành nào là thủ phạm chính (hẹp nhiều nhất và ảnh hưởng nhiều nhất đến chức năng của động mạch vành) thì đây là giải pháp mang tính hiệu quả cao.

Về kết quả, PGS.TS. Hoàng Anh Tiến cho biết thêm: Phương pháp này được áp dụng và đánh giá qua 32 bệnh nhân cho thấy: Giá trị tiên lượng xác định động mạch vành thủ phạm: Diện tích dưới đường cong ROC (AUC): 0,87, Sai số chuẩn: 0,05, 95% khoảng tin cậy : 0,79-0,96, p<0,001; Điểm cắt mức chênh ST trên monitor điện tâm đồ là 0,12 mV, Likely hood ratio (+): 4,35; Likely hood ratio (-): 0,16.

Biểu đồ: Giá trị tiên lượng xác định động mạch vành thủ phạm dựa trên biến đổi ST chênh trên monitor điện tâm đồ.

Đánh giá về đề tài, GS.TS. Trần Hữu Dàng chia sẻ: Đây là phương pháp xác định động mạch vành thủ phạm tận dụng các phương tiện trong quá trình theo dõi bệnh nhân bằng monitor điện tâm đồ và các dụng cụ trong nong và can thiệp động mạch vành rất khả thi trong quá trình áp dụng trên thực tế lâm sàng. Phương pháp này nhanh, không chiếm nhiều thời gian của quá trình nong và can thiệp, không ảnh hưởng đến thời gian thao tác cũng như theo dõi bệnh nhân. Phương pháp này dùng các dụng cụ trong quá trình can thiệp nên tiết kiệm chi phí tiến hành.

Hồ Thành

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email