Đột quỵ & Đột tử: Khác nhau như thế nào? Cách dự phòng!

Đột quỵ & Đột tử: Khác nhau như thế nào? Cách dự phòng!

      ĐỘT TỬ – ĐỘT QUỴ

     Đột tử là một hiện tượng một người nào đó cho mình “người khỏe mạnh và làm việc bình thường” đột ngột tử vong mà không cứu được kịp thời.

Đột tử có nhiều nguyên nhân, nguyên nhân thường gặp nhất là lên cơn ngưng tim, nhất là những người ở lứa tuổi trung niên, tức là trên 40 tuổi.

Cơn ngưng tim này xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau như: rối loạn nhịp tim nặng (ví dụ: cơn nhịp nhanh thất, rung thất, ngoại tâm thu thất nhịp đôi, nhịp ba,…) hoặc nhồi máu cơ tim (tắc nghẽn mạch mạch vành), hoặc do có bệnh lý tim trước đó mà không phát hiện (như bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim dãn, …).

     Đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não): do nghẽn mạch máu trong não, có liên quan đến bệnh tim mạch và rối loạn lipid máu hoặc do vỡ mạch máu trong não, có liên quan đến tăng huyết áp không được điều trị hoặc điều trị không đầy đủ.

Có hai thể đột quỵ, đó là thể nhồi máu não (tắc nghẽn mạch máu não) và xuất huyết não (vỡ mạch máu não).

Nhồi máu não xảy ra khi có cục máu đông do mảng xơ vữa tại mạch máu não hoặc từ nơi khác theo dòng máu di chuyển đến não gây tắc nghẽn mạch máu. Tế bào não thiếu oxy và dưỡng chất nên bị tổn thương, nếu để lâu tế bào sẽ chết. Trong khi đó, xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu bị vỡ.

      DỰ PHÒNG ĐỘT TỬ & ĐỘT QUỴ

Mọi người có thể phòng tránh được đột tử nếu đi kiểm tra sức khỏe định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, có chế độ tập luyện phù hợp, sử dụng thuốc hợp lý.

Kiên quyết bỏ thuốc lá, bớt uống rượu bia, tập thể dục đều đặn, không để thừa cân béo phì. Điều trị tốt các bệnh mạn tính kèm theo như: đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, các bệnh u bướu,…

Nguy cơ đột tử của người khỏe mạnh và trẻ tuổi dưới 40 khá thấp trừ một số trường hợp có bất thường về di truyền gây rối loạn nhịp tim hoặc dị dạng mạch máu não. Những trường hợp này kiểm tra sức khỏe thông thường đôi khi không phát hiện được. Tuy nhiên, nếu kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ thì bác sĩ sẽ phát hiện.

Luyện tập thể dục 30 phút mỗi ngày, tránh thức quá khuya quá 23 giờ, hạn chế làm việc, ngủ đủ giấc (ít nhất 6 giờ/ngày). Đặc biệt, người ngủ ngáy nên đi khám bệnh càng sớm càng tốt.

Bỏ những thói quen không tốt như: đi tắm hoặc xông hơi ngay sau khi uống rượu, bia, sau khi ăn no. Ngâm mình trong nước quá lâu làm mất thân nhiệt.

Những người bị bệnh mạch vành tim, tăng huyết áp thì hạn chế tắm đêm, nhất là tắm với nước lạnh, vì khi tắm với nước lạnh có thể gây co thắt mạch đột ngột gây nên những cơn đột quỵ não hay cơn co thắt mạch vành tim.

Thời điểm tốt nhất để tắm là sau khi ngủ dậy, cơ thể đã khỏe mạnh hoàn toàn với một vài động tác khởi động nhẹ nhàng chứ không cần thiết phải ra mồ hôi. Không tự ý dùng thuốc khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ.

Tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, đối với những bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu và tái khám đúng định kỳ.

      NHỮNG BIỂU HIỆN ĐỘT TỬ & ĐỘT QUỴ

     Đột tử

Do cục máu đông bít tắc trong mạch máu phổi đột ngột gây ngưng thở và đột tử. Thường liên quan đột biến về bộ gen di truyền hoặc do ngồi lâu một chỗ không vận động hoặc những người từng được phẫu thuật vùng bụng, vùng sinh dục, hậu môn hay chi dưới, hoặc do các bệnh mạn tính (bệnh van tim), hút nhiều thuốc lá, dùng thuốc nội tiết tố không đúng cách, nhồi máu cơ tim.

Vỡ phình động mạch chủ ở bụng: khi động mạch chính ở bụng vỡ sẽ dẫn đến mất máu đột ngột lên não và tim, và bệnh nhân tử vong rất nhanh nếu không được phẫu thuật. Bệnh này có liên quan đến hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh mãn tính khác,…

Chứng ngưng thở khi ngủ: ngưng thở khi ngủ luôn bị thiếu oxy máu và người ngưng thở khi ngủ có khả năng bị đột tử, tức là ngưng thở luôn trong lúc ngủ, nhất là những người đã có chứng này rồi mà lại còn lạm dụng thêm thuốc an thần. Y học đã chứng minh chứng ngưng thở khi ngủ làm tăng tỉ lệ béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành tim,… cần đi khám bệnh để xác định xem có bị chứng ngưng thở khi ngủ.

     Đột quỵ

Việc phát hiện sớm những dấu hiệu của đột quỵ là cực kỳ quan trọng để giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm, rút ngắn thời gian điều trị bệnh.

Dấu hiệu ở thị lực: thị lực giảm, nhìn mờ dần cả hai mắt hoặc một mắt. Chỉ có người bệnh khi nhận thấy mình có dấu hiệu này thì nên đến bệnh viện được cấp cứu ngay.

Dấu hiệu ở mặt: có biểu hiện thiếu cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống. Đặc biệt khi người bệnh nói hoặc cười thì sẽ thấy rõ dấu hiệu méo miệng và thiếu cân xứng trên mặt.

Dấu hiệu ở tay: cảm giác của người bị đột quỵ là tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác. Ngoài ra thì người bệnh cũng cảm thấy đi lại khó khăn, không nhấc chân lên được.

Dấu hiệu qua giọng nói: người bị đột quỵ có thể gặp triệu chứng nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức thì mới nói được.

Dấu hiệu qua nhận thức: người bệnh có biểu hiện rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, mắt mờ, tai ù không nghe rõ. Dấu hiệu ở thần kinh

Người bệnh cảm thấy nhức đầu dữ dội. Đây là triệu chứng nặng và khá phổ biến của bệnh đột quỵ, nhất là người bệnh có tiền sử bị đau nửa đầu.

TS.BS. NGUYỄN ĐỨC HOÀNG

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email