Những điểm sáng từ Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật lần thứ VII, năm 2015

Những năm qua, Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế (Hội thi) đã góp phần thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo với hàng trăm công trình của các đơn vị, cá nhân tham gia; trong đó có nhiều giải pháp, mô hình đoạt giải ở Hội thi cấp tỉnh, quốc gia.

Những nhà sáng tạo nông dân

Từ một nông dân gắn bó với nghề chăn nuôi, anh Nguyễn Văn Nhân, Công ty TNHH máy ấp trứng Huế đã mày mò nghiên cứu sáng tạo ra máy ấp trứng tự động thích ứng với mọi điều kiện thời tiết. Anh Nhân cho hay: “Trong chăn nuôi, con giống có vai trò quyết định đến hiệu quả kinh tế nhưng trên thực tế người Huế lại phải đặt mua con giống ở các địa phương lân cận do việc vận hành máy ấp trứng đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra, thiết bị chủ yếu phải nhập từ các tỉnh thành khác, tỷ lệ hư hỏng cao, hiệu quả không như mong muốn. Từ đó, tôi tập trung tìm hiểu qua sách báo, nghiên cứu tài liệu và đã sản xuất thành công máy ấp trứng phù hợp với khí hậu vùng miền đầu tiên trong năm 2003. Bỏ ra nhiều năm nghiên cứu và cải tiến, đến năm 2009, dòng máy ấp trứng hiện đại như ngày hôm nay mới chính thức cho xuất xưởng”.

Tham gia Hội thi năm nay, đề tài này được ban tổ chức đánh giá cao và đạt giải nhất lĩnh vực cơ khí và tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải nhờ nhiều tính năng vượt trội như: máy vận hành tự động; các thông số kỹ thuật phù hợp với các đặc tính sinh lý của gia cầm khi ấp trứng; dễ sử dụng và có thể ấp được tất cả các loại gia cầm, cho tỉ lệ nở cao (trên 80%), chất lượng con giống tốt.

Chỉ tốt nghiệp THPT và đang là công nhân nhà máy xi măng Lux, nhưng ông Lê Ngà (phường Tây Lộc, thành phố Huế) đã chế tạo mô hình tàu ngầm mang tên Hoàng Sa. Mặc dù chỉ đạt giải khuyến khích tại Hội thi nhưng đề tài này mở ra nhiều triển vọng trong việc phát triển các loại máy móc điều khiển từ xa. Nuôi trong mình ý tưởng chế tạo mô hình tàu ngầm được điều khiển bằng thiết bị từ xa như máy bay mô hình. Ông Lê Ngà đã mày mò tìm hiểu các tài liệu về kỹ thuật chế tạo tàu ngầm trên mạng internet. Đến năm 2013, ý tưởng này mới được hiện thực hóa.

Từ 2 bình ga công nghiệp, tác giả Lê Ngà đã sáng tạo thành công tàu ngầm Hoàng Sa mang hình dáng của một tàu mnầm quân sự được điều khiển từ xa bằng công nghệ điện tử, không cần người lái, chức năng và ứng dụng như tàu ngầm thật. Tác giả này còn tận dụng chân vịt của ghe thuyền, các linh kiện rađio, thiết bị trò chơi điện tử chế tạo thiết bị điều khiển từ xa. Nói đến hiệu quả kỹ thuật của mô hình, ông Lê Ngà cho hay: “Mô hình tàu ngầm sẽ thay con người làm nhiều việc như: tìm cổ vật, tìm người bị nạn, rà phá thủy lôi vv…”

Khả năng ứng dụng cao

Khác với mọi năm, Hội thi năm nay có sự tham gia của các giáo sư đầu ngành của tỉnh như: GS.TS. Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh Viện Trung ương Huế, GS.TS. Nguyễn Hoàng Lộc, Trường Đại học Khoa học Huế…Trong đó, đề tài “Quy trình kỹ thuật và hệ thống tổ chức trong ghép tim lấy từ người cho chết não” của GS.TS. Bùi Đức Phú đạt giải nhất Hội thi lĩnh vực y học.

Trên thực tế, ghép tim là phương pháp điều trị triệt để bệnh lý suy tim giai đoạn cuối. Thực hiện ghép tim đòi hỏi rất cao về trình độ chuyên môn kỹ thuật của đội ngũ cán bộ, hệ thống tổ chức đồng bộ phối hợp nhịp nhàng, cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại. Theo Giáo sư Phú, vấn đề ghép tạng lấy từ người chết não vẫn còn mới tại Việt Nam. Thành công của đề tài khẳng định Việt Nam có thể thực hiện những kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán, hồi sức và phẫu thuật ghép tim lấy từ người cho chết não. Kết quả về qui trình chẩn đoán và hồi sức chết não sẽ được áp dụng cho các đơn vị hồi sức, khoa hồi sức, trung tâm hồi sức và cả đơn vị cấp cứu (115) trên phạm vi toàn quốc.

Ngoài những cái tên lần đầu tiên tham gia, thì những cái tên được xướng danh tại lễ trao giải Hội thi những năm trước cũng góp mặt tại Hội thi năm nay thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Năm nay, ông Trương Công Nam, Giám đốc Công ty TNHH NN MTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế có 3 đề tài tham dự Hội thi và cả 3 đề tại này đều đạt giải cao.

Các đề tài tham gia đều được ứng dụng vào thực tiễn hoạt động của công ty và mang lại hiệu quả kinh tế nhất định. Ví như đề tài “Nghiên cứu ứng dụng giải pháp đảm bảo an toàn cho con người và môi trường khi sử dụng Clo lỏng trong xử lý nước sạch” đạt giải nhất lĩnh vực cơ khí và tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải. Các tác giả đã nghiên cứu, ứng dụng thành công các giải pháp bảo đảm an toàn cho con người và môi trường khi sử dụng Clo lỏng từ công đoạn lưu trữ, xử lý sự cố rò rỉ khí Clo. Quá trình tự gia công, chế tạo, hệ thống tháp trung hòa khẩn cấp khí Clo rò rỉ giúp giảm giá thành tiết kiệm khoảng chi phí trên 2,1 tỷ đồng so với nhập ngoại. Ngoài ra, hệ thống trên còn đảm bảo các chất thải sau khi trung hòa không gây nguy hại đến môi trường và các công trình xung quanh. Công trình nghiên cứu này được áp dụng tại 06 nhà máy xử lý nước và có thể được tham khảo, áp dụng rộng rãi cho tất cả các công ty cấp nước trên toàn quốc.

Đánh giá về Hội thi năm nay, GS.TS. Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp hội, Trưởng ban tổ chức Hội thi cho hay: Đây là năm có số lượng đề tài đăng ký tham gia tăng cao (tăng 116% so với hội thi lần thứ VI, năm 2013), nhiều đề tài được đầu tư rất công phu, chất lượng và đã gây được tiếng vang lớn trong thực tiễn. Trong đó, có những đề tài có tầm quốc gia, quốc tế và đã được ứng dụng vào thực tiễn, đối tượng tham gia cũng đa dạng từ người lao động bình thường như: bảo vệ, thợ cơ khí, công nhân viên chức… đến những giáo sư đầu ngành. Ban tổ chức đã thành lập 6 hội đồng chấm thi chuyên ngành gồm các giáo sư, chuyên gia đầu ngành giúp ban tổ chức xem xét, đánh giá và xếp hạng các đề tài tham gia. Căn cứ vào kết quả chấm điểm của các hội đồng, Ban tổ chức đã quyết định trao giải thưởng cho 63 giải pháp, bao gồm: 10 giải Nhất, 12 giải Nhì, 25 giải Ba và 16 giải Khuyến khích.

Được tổ chức 2 năm một lần (vào các năm lẻ) nhằm thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo khoa học kỹ thuật của toàn dân, thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, qua đó ghi nhận và tôn vinh công lao của các nhà sáng tạo có các giải pháp kỹ thuật hữu ích, các sáng kiến hay đã được áp dụng trên địa bàn tỉnh và đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao, Hội thi lần thứ VII, năm 2015 đã thật sự thu hút sự quan tâm, hưởng ứng rộng rãi của đội ngũ những người lao động và trí thức khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh, góp phần động viên các nhà khoa học nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo để cống hiến cho đời, những giải pháp đoạt giải đều có tính mới, tính sáng tạo, có khả năng áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của từng ngành và toàn tỉnh, khẳng định Thừa Thiên Huế thực sự là một trong những trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước.

Doãn Quan

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email