Thực trạng triển khai, thực hiện chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị ở Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế được khẳng định có vị thế và vai trò là trung tâm về văn hóa, du lịch, khoa học & công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của khu vực miền Trung và cả nước. Thừa Thiên Huế có đội ngũ trí thức đông đảo, được đánh giá là đứng thứ nhất khu vực miền Trung – Tây Nguyên, đứng thứ ba toàn quốc về số lượng, chỉ đứng sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, là một tiềm năng, thế mạnh mà không phải địa phương nào cũng có được. Đội ngũ trí thức tỉnh là lực lượng quan trọng góp phần to lớn vào những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được trong quá trình đổi mới.

Từ khi được thành lập đến nay, Liên hiệp hội đã từng bước được củng cố và phát triển, xứng tầm, xứng đáng là tổ chức chính trị – xã hội của đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ trên địa bàn tỉnh. Đến nay, hệ thống Liên hiệp hội tỉnh có 40 hội thành viên, 8 trung tâm trực thuộc, 2 câu lạc bộ và một nhóm tư vấn, phản biện xã hội về môi trường với trên 20.000 hội viên là các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ có tính chuyên sâu, có quá trình công tác lâu năm và tầm nhìn rộng để nghiên cứu, đóng góp phát triển nền khoa học và công nghệ của tỉnh; Cơ quan Liên hiệp hội có văn phòng, 2 ban chuyên môn với 10 biên chế.

Những khó khăn, vướng mắc của Liên hiệp hội trong giai đoạn 1993-2010 cũng là khó khăn chung của hệ thống Liên hiệp hội cả nước phát sinh trong thực tiễn thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW của Ban Bí thư, ban hành vào năm 1998, đó là: Một số cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể nhận thức chưa đày đủ về vai trò, vị trí, chức năng của Liên hiệp hội để quan tâm, tạo điều kiện cho Liên hiệp hội hoạt động; tổ chức của trí thức được mở rộng song lĩnh vực, ngành nghề chưa đa dạng; đội ngũ cán bộ chuyên trách của Liên hiệp hội chưa mạnh; nội dung, phương thức hoạt động còn lúng túng, thiếu tính chuyên nghiệp; hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội hiệu quả chưa cao; chưa thu hút và khai thác có hiệu quả tiềm năng trí tuệ của đội ngũ trí thức, nhất là đội ngũ chuyên gia dầu ngành, trí thức ở xã quê hương tham gia các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh… do đó, việc tạo điều kiện về trụ sở, nhân lực, phương tiện làm việc, giao nhiệm vụ và kinh phí và cung cấp thông tin chưa đảm bảo… Những vấn đề này được giải quyết và tháo gỡ một phần từ khi Bộ chính trị ban hành Chỉ thị số 42/CT-TW ngày 16 tháng 4 năm 2010 về việc “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước“. Chỉ thị được ban hành đã có tác động mạnh mẽ tới sự thay đổi tích cức, phát triển nhiều mặt và hiệu quả hoạt động của Liên hiệp hội tỉnh Thừa Thiên Huế.

1. Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị đã tạo ra thời cơ thuận lợi và những kết quả đạt được của Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các ban ngành địa phương nhận thức, bám sát quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp và quán triệt tinh thần Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị, với phương hướng được xác định là “Xây dựng, cũng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh trở thành tổ chức chính trị – xã hội vững mạnh, giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh trí tuệ, sáng của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ; thúc đẫy việc hình thành trung tâm khoa học và công nghệ mạnh của miền Trung và cả nước, là động lực phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững.”. Cụ thể, Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị đã thể chế hóa bằng các chủ trương, chương trình, kế hoạch hành động, cụ thể như sau:

– Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ban hành Chương trình Hành động số 01-CTr/TU ngày 03/11/2010 về việc thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW. Chương trình Hành động số 01-CTr/TU đã đánh giá và đề ra các chủ trương, giải pháp chủ yếu và yêu cầu tiếp tục củng cố, đổi mới và phát triển tổ chức Liện hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương và Liên hiệp hội.

– UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 21 tháng 2 năm 2012 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình Hành động số 01-CTr/TU của Tỉnh Ủy về việc thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW, gồm có 5 nhiệm vụ cụ thể: Tổ chức tuyên truyền quán triệt Chỉ thị 42-CT/TW và Chương trình Hành động số 01-CTr/TU; củng cố, kiện toàn tổ chức Liên hiệp hội; đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện làm việc và tài chính cho Liên hiệp hội hoạt động.

– Đảng đoàn Liên hiệp hội đã xây dựng Kế hoạch hành động số 01/KH-ĐĐ thực hiện Chỉ thị 42 của Bộ Chính trị và Chương trình Hành động số 01-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Với tinh thần của Chỉ thị 42-CT/TW và quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách trên là những thuận lợi cơ bản, kết hợp với sự kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, cùng sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Đoàn chủ tịch hội đồng trung ương Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Thừa Thiên Huế đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả đáng khích lệ về tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, hoạt động chuyên môn,.. góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà, hệ thống Liên hiệp hội toàn quốc. Cụ thể:

Với quan điểm tập trung củng cố, kiện toàn và phát triển tổ chức; thúc đẩy hoạt động chuyên môn theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phấn đấu đến năm 2020 xây dựng Liên hiệp hội trở thành tổ chức chính trị – xã hội vững mạnh giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương. Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị đã đạt được những kết quả khả quan trên các vấn đề chủ yếu sau:

Về củng cố, kiện toàn và phát triển tổ chứctừ khi Chỉ thị 42-CT/TW được ban hành, tổ chức của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế đã được củng cố, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đảng đoàn, chi bộ đảng, tổ chức đoàn thành niên, công đoàn được kiện toàn và thành lập đi vào hoạt động nề nếp, phát huy vai trò và hiệu quả. Tổ chức bộ máy Liên hiệp hội được kiện toàn. UBND tỉnh đã phê duyệt và ban hành Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 01/8/2012 về kiện toàn tổ chức bộ máy Liên hiệp hội, gồm có văn phòng, ban Thông tin và Phổ biến kiến thức, ban Tư vấn, phản biện và Giám định xã hội với tổng biên chế là 15 người. Công tác củng cố tổ chức đã được nhiều hội thành viên chú trọng và dần dần đi vào nề nếp.

Liên hiệp hội đã quyết định thành lập thêm 4 trung tâm khoa học và công nghệ, nhóm Tư vấn đánh giá tác động môi trường và xã hội (SEIA), 02 câu lạc bộ, kết nạp thêm được 6 hội thành viên, nâng tổng số hội thành viên lên 40 hội thành viên trong ngôi nhà chung Liên hiệp hội. Trước khi có Chỉ thị 42, hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế có 35 hội thành viên với hơn 15.372 hội viên và 04 trung tâm khoa học, công nghệ trực thuộc, nay có 40 tổ chức thành viên với hơn 20.000 hội viên, 08 trung tâm, 02 câu lạc bộ (CLB) và một nhóm chuyên gia trực thuộc.

Đảng đoàn Liên hiệp hội được kiện toàn, đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản, trong đó có quy chế phối hợp công tác giữa Đảng đoàn Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh với các huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ, đảng uỷ thuộc tỉnh uỷ và các đảng đoàn, ban cán sự đảng có liên quan.

Về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và phát huy hiệu quả hoạt động của Liên hiệp hội, Liên hiệp hội đã tổ chức hội nghị quán triệt Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị và Chương trình Hành động số 01-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ đó, nhận thức của xã hội, của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền được thay đổi, có sự nhìn nhận và đáng giá đúng vai trò, vị trí của Liên hiệp hội tỉnh trong sự nghiệp xây dựng Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững.

Xây dựng và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Liên hiệp hội. Về tổ chức bộ máy đã tiến hành rà soát và phân công lại trách nhiệm và lĩnh vực phụ trách cho từng cán bộ lãnh đạo và chuyên viên.

Tham gia đóng góp ý kiến vào các chương trình, đề án, các hội nghị, hội thảo của tỉnh, của các ngành, các cơ quan khi được mời, tham gia các hội đồng khoa học của tỉnh. Đã tập hợp lực lượng, lấy ý kiến tham gia đóng góp cho các đề án phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh như đề án lớn xây dựng Thừa Thiên Huế thành Trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước.

Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội được phát huy hiệu quả, Liên hiệp hội đã tổ chức và tham gia phản biện 13 đồ án quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Các nội dung phản biện và các ý kiến đề xuất của Liên hiệp hội được lãnh đạo tỉnh và các ngành hữu quan đánh giá cao. Liên hiệp hội đang tiếp tục cố gắng tập hợp lực lượng trí thức để triển khai hoạt động này với quy mô và mức độ lớn hơn, nhất là đối với các đề án, dự án, công trình quan trọng của tỉnh, có liên quan nhiều tới lĩnh vực xã hội và môi trường như các công trình thủy điện, thủy lợi, du lịch, giao thông, xây dựng, khai thác tài nguyên, quy hoạch dân cư, xây dựng nông thôn mới….Một số hội thành viên đã có nhiều hoạt động tư vấn, phản biện mang tính chuyên ngành như hội Quy hoạch và Phát triển đô thị, Hội Khoa học Lịch sử,…

Hoạt động thông tin, phổ biến kiến thức được tổ chức sâu rộng, công tác thông tin, phổ biến kiến thức luôn được Liên hiệp hội quan tâm tăng cường và nâng cao chất lượng. Bản tin Khoa học Kỹ thuật ra đều đặn 2 tháng/1 số, với chất lượng ngày càng được cải tiến về nội dung và hình thức, giới thiệu các sự kiện nổi bật của tỉnh nhà, kết quả nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, các thông tin khoa học, công nghệ mới. Đây cũng là tiếng nói, diễn đàn của đội ngũ trí thức tỉnh nhà. Đến nay, Liên hiệp hội đã xuất bản được 53 số Bản tin Khoa học và kỹ thuật với hơn 25.000 bản, phát hành đến tận các nhà văn hóa, bưu điện văn hóa, phòng đọc sách của tất cả các thôn trên địa bàn tỉnh.

Trang thông tin điện tử tổng hợp của Liên hiệp hội đã được cập nhật thường xuyên, đặc biệt là các thông tin về nghiên cứu, ứng dụng, triển khai các đề tài, công trình khoa học, kỹ thuật, các mô hình kinh tế… lượng người truy cập ngày càng tăng, bất cứ thời điểm nào cũng có hàng chục đến hàng trăm lượt người truy cập. Theo thống kê, đến thời điểm này có gần 2.300.000 lượt người truy cập. Nhiều người là nông dân, công nhân, học sinh, sinh viên thường xuyên vào trang tin điện tử của Liên hiệp hội để hỏi, trao đổi những vấn đề về khoa học, kỹ thuật phục vụ cho sản xuất và đời sống của họ. Ngoài ra, các trung tâm trực thuộc Liên hiệp hội đều có trang tin điện tử phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật, xuất bản nhiều ấn phẩm phục vụ cho công tác tuyên truyền phổ biền kiến thức.

Hoạt động khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo kỹ thuật, ứng dựng khoa học công nghệ vào cuộc sống được đẩy mạnh thông qua tổ chức giải thưởng, hội thi, cuộc thi, đã tổ chức thành công với 8 lần tổ chức Cuộc thi và Hội thi, 06 lần tổ chức Giải thưởng, các hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh ngày càng có những bước tiến quan trọng cả về số lượng và chất lượng các đề tài, công trình và giải pháp tham dự. Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh được đánh giá là một trong những đơn vị có nhiều đề tài, công trình và giải pháp công nghệ được tham dự, được đánh giá cao từ ban tổ chức Giải toàn quốc. Đến nay, đã có hơn 1.500 mô hình, sản phẩm tham gia Cuộc thi; gần 450 công trình tham gia Giải thưởng và trên 238 giải pháp tham dự Hội thi, trong đó có 197 mô hình, sản phẩm được trao giải Cuộc thi, 124 công trình được trao Giải thưởng và 129 giải pháp được trao thưởng Hội thi cấp tỉnh. Số lượng các đề tài, giải pháp, công trình đạt giải toàn quốc ngày càng tăng. Nhiều đề tài khoa học, công trình dự thi đạt giải đã được triển khai ứng dụng rộng rãi góp phần tạo ra hiệu quả kinh tế xã hội trong và ngoài tỉnh như: Bokashi trầuNghiên cứu một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sinh tổng hợp etylen và ứng dụng trong bảo quản chuối tiêu Nam Đông; Địa chí Thừa Thiên Huế: Phần dân cư – hành chính; Nghiên cứu sử dụng vi khuẩn đối kháng Pseudomonas putida phòng trừ bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu; Hệ thống xử lý nước di động Infillter DAF- tại HueWACO…Nhiều công trình trên lĩnh vực y tế đã được ứng dụng rộng rãi góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, có thể kể đến đề tài: Đề tài Quy trình kỹ thuật về hệ thống tổ chức trong ghép tim lấy từ người cho chết não của giáo sư Bùi Đức PhúCụm công trình nghiên cứu và ứng dựng kỹ thuật phẫu thuật nội soi qua lỗ tự nhiên đã thực hiện thành công nhiều ca ghép tim, ca mổứng dụng dao Gamma trong điều trị các bệnh lý khối u thần kinh, sọ não và các khối u vùng mặt, cổ và thân – đạt danh hiệu cúp vàng Tóp ten thương hiệu Việt năm 2014 đã thực hiện trên 3.000 ca, tiết kiệm cho bệnh nhân miền Trung – Tây Nguyên trên 600 tỷ đồng ,…

Về sự lãnh đạo của Đảng đối với Liên hiệp hộiban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm, theo dỏi và chỉ đạo kịp thời hoạt động của Liên hiệp hội, định kỳ 6 tháng 1 lần nghe Đảng đoàn Liên hiệp hội báo cáo tình hình, kế hoạch hoạt động.

Theo tinh thần Chỉ thị 42-CT/TW và Chương trình hành động số 01-Ctr/TU của ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã bắt đầu giao Liên hiệp hội thực hiện phản biện một số đề án quy hoạch cấp tỉnh và cấp ngành, đồng thời bảo đảm kinh phí duy trì tổ chức bộ máy và các hoạt động thường xuyên của Liên hiệp hội.

Cụ thể: UBND tỉnh đã giao Liên hiệp hội thực hiện phản biện độc lập 6 đồ án quy hoạch: “Quy hoạch điều chỉnh xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”, “Quy hoạch cát, sỏi xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và “Quy hoạch chi tiết khu du lịch dịch vụ cao cấp Cồn Hến” “Quy hoạch trạm thu phát sóng – BTS tỉnh Thừa Thiên Huế” và 02 Quy hoạch đang thực hiện.

2. Những khó khăn và tồn tại trong quá trình thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị

Mặc dù có nhiều thuận lợi, song khó khăn cơ bản hiện nay của Liên hiệp hội là vai trò, vị trí của Liên hiệp hội chưa được thể chế hóa theo tinh thần của Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính Trị, tức là chưa được công nhận tà tổ chức chính trị – xã hội, chỉ là tổ chức hội đặc thù, đồng nhất với các tổ chức xã hội khác, nên còn chịu thiệt thòi về nhiều mặt. Công tác tư tưởng đối với đội ngũ trí chưa được chú trọng, chưa tổ chức được những diễn đàn phù hợp để cung cấp thông tin và tạo môi trường thuận lợi để trí thức bày tổ quan điểm và đóng góp ý kiến vào những chủ trương, chính sách phát triển của địa phương.

Đội ngũ cán bộ chuyên trách của Liên hiệp hội chưa mạnh và chưa thật sự năng động. Theo Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 01/8/2012 của UBND tỉnh về kiện toàn tổ chức bộ máy Liên hiệp hội thì vẫn còn thiếu 5 biên chế chưa bổ sung.

Về phát triển tổ chức: Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có chủ trương thành lập tổ chức Liên hiệp hội cấp huyện những chưa thực hiện. Tổ chức Liên hiệp hội có sự phát triển về số lượng, chất lượng nhưng hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Tỷ lệ trí thức được tập hợp trong các tổ chức của Liên hiệp hội còn thấp; Trí thức trẻ, trí thức trong các doanh nghiệp và trí thức người Huế đang công tác trong và ngoài nước chưa được chú trọng tập hợp.

Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Liên hiệp hội vẫn chưa tương xứng với tiềm năng đội ngũ trí thức, thiếu sự chủ động. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội chưa phát huy và còn thụ động. Nhận thức của đội ngũ trí thức, lãnh đạo địa phương và cơ quan hữu quan địa phương về tầm quan trọng của công tác tư vấn vấn, phản biện và giám định xã hội vẫn còn hạn chế.

Những tồn tại, hạn chế trên, ngoài những nguyên nhân chủ quan như sự thiếu năng động của hệ thống Liên hiệp hội, một phần do thiếu nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực), một phần do sự quan tâm và tạo điều kiện của các cấp, các ngành đối với Liên hiệp hội và các hội thành viên chưa đúng mức.

3. Những kiến nghị cụ thể để thực hiện tốt Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X

Đối với Liên hiệp hội Việt Nam: Đề nghị Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương tiếp tục tham mưu, thúc đẩy Chính phủ phê duyệt các đề án thực hiện Chỉ thị 42, (đặc biệt là đề án về tài chính, cơ chế chính sách cho cán bộ Liên hiệp hội) kiến nghị với Chính phủ thể chế hóa việc công nhận Liên hiệp hội Việt Nam và Liên hiệp hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là tổ chức chính trị – xã hội theo tinh thần Chỉ thị 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị, tạo điều kiện để thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan đến tổ chức và hoạt động của Liên hiệp hội.

Về phần mình, Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế sẽ:

– Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và các cơ quan thông tin tiếp tục tổ chức tuyên truyền quán triệt Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 01-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy sao cho các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các đoàn thể chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp nhận thức một cách đầy đủ và sâu sắc các quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Chỉ thị 42/CT-TW về vai trò, vị trí của Liên hiệp hội tỉnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

– Tham mưu Tỉnh ủy, UBND và các đơn vị có liên quan tổ chức sơ kết đánh giá qua trình tổ chức thực hiện Chỉ thị 42/CT-TW; tham mưu ban hành các văn bản để tạo cơ chế, thuận lợi cho Liên hiệp hội hoạt động và diễn đàn tạo môi trương thuận lợi cho đội ngũ trí thức trao đổi, đối thoại và đóng góp ý kiến xây dựng quê hương.

Sự ra đời Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính và sự thể chế hóa chỉ thị này tại địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi, phát huy những kết quả tích cực và bước đầu tháo gỡ một số khó khăn cơ bản của liên hiệp hội. Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ chính trị tiếp tục khẳng định mục tiêu: Đến năm 2020, xây dựng Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trở thành tổ chức chính trị – xã hội vững mạnh ở Trung ương và các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, giữ nòng cốt trong tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ; góp phần quyết định đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tuy nhiên, Liên hiệp hội và đội ngũ trí thức cần chủ động hơn nữa, huy động sức mạnh tiềm năng của đội ngũ trí thức trong việc tháo gỡ khó khăn để tiếp tục thế chế hóa Chỉ thị 42-CT/TW, tạo cơ chế, chính sách thỏa đáng cho Liên hiệp hội hoạt động.

GS.TS. Trần Hữu Dàng, ThS. Hồ Thành

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh TT. Huế

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email