NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG PHẪU THUẬT NỘI SOI PECTOPEXY VỚI MẢNH GHÉP CẢI TIẾN ĐIỀU TRỊ SA SINH DỤC

Trạng thái đề tài:

Lĩnh vực: Y dược

Hoạt động: Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật

Năm: 2024

Ngày nộp đề tài: 23/10/2024

Thông tin nhóm tác giả

Tên tác giả / nhóm tác giả: Nguyễn Thanh Xuân, Đinh Thi Phương Minh, Lý Thanh Trường Giang, Lê Viết Nguyên Sa, Đặng Văn Tân, Nguyễn Văn Tuấn Anh, Võ Quang Tân

Đơn vị công tác của chủ nhiệm: Bệnh viện Trung ương Huế

Địa chỉ cơ quan của chủ nhiệm: 16 Lê Lợi - phường Vĩnh Ninh - Thành phố Huế

Tính mới của giải pháp

- Mặc dù các nghiên cứu về ứng dụng của phẫu thuật nội soi Pectopexy đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới tuy nhiên ở Việt Nam hiện tại chưa có nhiều nghiên cứu về hiệu quả của phương pháp này trong điều trị sa tạng chậu. Bệnh viện Trung ương Huế là một trong những đơn vị đầu tiên trong cả nước và là đơn vị duy nhất tại tỉnh Thừa Thiên Huế ứng dụng phương pháp phẫu thuật Pectopexy để điều trị cho bệnh nhân sa sinh dục có chỉ định. - Nghiên cứu đầu của Banerjee và Noe sử dụng mảnh ghép polyvinylidene fluoride (PVDF) và dùng chỉ không tiêu cố định mảnh ghép trong phẫu thuật Pectopexy. Tuy nhiên, với sự cải tiến không ngừng của các trang thiết bị phục vụ cho phẫu thuật nội soi hiên nay nói chung và phẫu thuật Pectopexy nói riêng thì hiện nay phẫu thuật Pectopexy sử dụng mảnh ghép chuyên dụng (tên thương mại là Dynamesh). Mặc dù Dynamesh có nhiều ưu điểm vượt trội vì được sản xuất đặc thù cho loại phẫu thuật này tuy nhiên do giá thành cao, bệnh nhân khó có khả năng chấp thuận chi trả nên chưa được sử dụng phổ biến trên khắp cả nước. Nghiên cứu của chúng tôi sử dụng mảnh ghép polypropylene cải tiến từ mảnh ghép điều trị thoát vị bẹn với giá thành thấp và sử dụng Protak hoặc chỉ không tiêu để cố định mảnh ghép. Các vật liệu này có chỉ định ứng dụng trong phẫu thuật nội soi với giá thành thấp, dễ chấp nhận, an toàn, được sử dụng phổ biến hiện nay và phù hợp với điều kiện hiện tại ở Bệnh viện Trung ương Huế. Tuy nhiên, do mảnh ghép điều trị thoát vị bẹn có kích thước và hình dạng không phù hợp với phẫu thuật Pectopexy, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu tạo hình lại mảnh ghép với kích thước phù hợp giải phẫu vùng chậu phụ nữ Việt Nam, hình dạng thuôn hai đầu (để đính vào dây chằng Cooper) và rộng ở giữa (để đính vào tử cung). Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy mảnh ghép cải tiến này hoàn toàn hiệu quả trong phẫu thuật Pectopexy và có thể ứng dụng rộng rãi với giá thành chỉ bằng 1/10 so với mảnh ghép chuyên dụng (Dynamesh).

Tính sáng tạo

- Phương pháp Pectopexy có ưu điểm hơn so với các phương pháp khác đó là vị trí giải phẫu dễ bộc lộ, ít tổn thương các cơ quan xung quanh, thời gian phẫu thuật ngắn nên đây là sự lựa chọn thay thế mới của nhiều phẫu thuật viên phụ khoa trong điều trị sa tạng chậu. Phẫu thuật Pectopexy cố định tử cung/ mỏm âm đạo vào dây chằng chậu lược. Vị trí cố định vào dây chằng tương ứng mức sinh lý (mức đốt sống S2). Thêm vào đó dây chằng chậu lược đã được các nghiên cứu trên thế giới báo cáo đảm bảo độ chắc để cố định sàn chậu trong điều trị bệnh lý sa sinh dục. - Phương pháp sử dụng các phương tiện thiết bị, vật tư sẵn có và phổ biến, rẻ tiền nên có thể được áp dụng ở các bệnh viện tuyến dưới. Kỹ thuật mổ đơn giản và ít biến chứng hơn so với các phương pháp phẫu thuật nội soi điều trị sa tạng chậu trước đây nên các bệnh viện tuyến dưới dễ dàng được chuyển giao kỹ thuật và nhanh chóng áp dụng thành thạo.

Hiệu quả kinh tế xã hội

- Mảnh ghép cải tiến được chúng tôi ứng dụng trong phẫu thuật Pectopexy hiện nay là một loại chất liệu khá phổ biến, giá thành rẻ (chỉ bằng 1/10 giá thành của mảnh ghép chuyên dụng), đảm bảo chức năng nâng đỡ, chưa thấy tác dụng phụ nào trong nghiên cứu ngắn hạn của chúng tôi. - Phẫu thuật Pectopexy là kỹ thuật cố định mảnh ghép tổng hợp vào dây chằng chậu lược. Mảnh ghép tổng hợp đi theo dây chằng tròn và dây chằng rộng, không đi ngang qua niệu quản và ruột do đó không làm hẹp tiểu khung và không gây tổn thương thần kinh - mạch máu hạ vị. Ngoài ra, phẫu thuật Pectopexy được thực hiện trong phạm vi phẫu trường rộng, cách xa niệu quản, ruột và mạch máu, do đó giảm thiểu nguy cơ tổn thương các cấu trúc quan trọng này, do đó hữu ích trong các trường hợp phức tạp. - Phẫu thuật này có quy trình kỹ thuật khá đơn giản, thời gian phẫu thuật và thời gian nằm viện ngắn, ít tai biến và biến chứng sau mổ, thời gian hồi phục nhanh, người bệnh sớm phục hồi khả năng lao động phục vụ cá nhân và xã hội, từ đó lợi ích cho cộng đồng và cho xã hội cũng tăng lên …. Như vậy, có thể thấy rằng phương pháp Pectopexy mang lại hiệu quả về điều trị cũng như giúp người bệnh tiết kiệm chi phí điều trị, phục hồi khả năng lao động và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Facebook
Twitter
LinkedIn
Email