Tác giả: TS.BS. Nguyễn Đức Hoàng
Sốc nhiệt là bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng tăng nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C và kèm theo rối loạn chức năng thần kinh (rối loạn ý thức, hôn mê, co giật).
Sốc nhiệt
Trong mùa hè này, cả nước đang trải qua nhiều đợt nắng nóng cao độ với nhiệt độ ngoài trời thường xuyên trên 40 độ C. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề do nóng như cháy nắng, chuột rút, ngất, say nắng,… trong đó nguy hiểm nhất là sốc nhiệt.
Sốc nhiệt (hay say nắng, cảm nắng) là một loại bệnh nhiệt nghiêm trọng. Thông thường, trung khu điều nhiệt giữ nhiệt độ cơ thể luôn ở mức cân bằng, không thay đổi nhiều theo tác động của môi trường. Khi tiếp xúc với nắng nóng kéo dài, gắng sức khiến trung tâm điều nhiệt bị tổn thương hoặc không còn điều khiển nổi sự cân bằng đó thì nhiệt độ cơ thể sẽ tăng mạnh, gây rối loạn các chức năng trong cơ thể, nhất là hệ thần kinh, có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.
Nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị sốc nhiệt là:
– Người già, trẻ em, phụ nữ: Là những người có khả năng chịu đựng kém.
– Người mắc bệnh lý mạn tính như bệnh tim mạch, gan, ung thư,…
– Những người lao động ngoài trời như công nhân, nông dân, vận động viên thể thao, bộ đội huấn luyện ngoài thao trường, nhân viên giao hàng,…
Các bệnh nhân đều có đặc điểm chung là lao động nhiều giờ trong điều kiện nắng nóng, không nghỉ ngơi và bổ sung nước, điện giải đầy đủ.
Biến chứng thường gặp nhất ở những bệnh nhân sốc nhiệt cấp cứu muộn thường là co giật, tiêu cơ vân, suy thận, hôn mê kéo dài, tổn thương thần kinh và các cơ quan khác không hồi phục, thậm chí là tử vong.
Chẩn đoán
Chẩn đoán xác định
– Nhiệt độ cơ thể > 40 độ C.
– Rối loạn thần kinh trung ương.
– Phơi nhiễm với nhiệt độ cao: nhiệt nội sinh hoặc ngoại sinh.
– Loại trừ: nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương, sepsis, tăng than nhiệt ác tính.
Chẩn đoán phân biệt
Hội chứng suy hô hấp tiến triển, sảng rượu, hôn mê toan ceton, viêm não, sốt rét, viêm màng não, hội chứng an thần kinh ác tính, sốc nhiễm khuẩn,…
Điều trị
Ngay lập tức phải hạ thân nhiệt và hỗ trợ chức năng các cơ quan là 2 nhiệm vụ chính
Ngoài bệnh viện
– Làm mát ngay tức thì và hỗ trợ suy chức năng cơ quan.
– Đưa bệnh nhân ra khỏi môi trường nóng, cởi bỏ quần áo, chuyển tới nơi bóng râm.
– Hỗ trợ đường thở, hô hấp, tuần hoàn bằng đặt đường truyền TM, thở oxy, thông khí hỗ trợ nếu có chỉ định.
– Ngay lập tức hạ thân nhiệt bệnh nhân bằng mọi cách có thể nhưng không gây cản trở việc vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện, mục đích là phải hạ thân nhiệt ngay xuống dưới 39,40C. Vận chuyển bằng xe có điều hòa nhiệt độ hoặc mở cửa sổ, có thể vừa vận chuyển vừa hạ nhiệt bệnh nhân.
Tại khoa hồi sức
– Bù nước và điện giải
– Làm lạnh bệnh nhân càng nhanh càng tốt, lý tưởng nhất là hạ được thân nhiệt xuống 0,2 độ C/ phút, nhiệt độ trực tràng xuống 38 độ C, nhiệt độ da xuống 30- 33 độ C, tránh hạ quá vì gây tác dụng phụ do hạ thân nhiệt.
– Nhanh chóng ổn định chức năng hô hấp tuần hoàn, thở máy khi có suy hô hấp, bù dịch theo áp lực tĩnh mạch trung tâm, sử dụng các thuốc nâng huyết áp nếu cần, tránh các thuốc kích thích.
– Khi có biểu hiện tiêu cơ vân phải bù nhiều dịch và lợi tiểu.
– Hỗ trợ tích cực các cơ quan khi có suy đa tạng như lọc máu liên tục, lọc gan, tuần hoàn ngoài cơ thể.
Các biện pháp làm lạnh
Các phương pháp làm lạnh theo nguyên lý dẫn truyền
Làm lạnh bên ngoài
– Ngâm bệnh nhân trong nước đá là biện pháp làm lạnh có hiệu quả cao tuy nhiên có nhiều bất lợi như gây co mạch ngoại vi, rét run, hạ thân nhiệt quá, khó theo dõi các chức năng sống. Hiện nay nhiều trường hợp sử dụng nước lạnh 20- 25 độ C để ngâm bệnh nhân nhằm khắc phục nhược điểm trên. Khi ngâm phải để đầu trên mặt nước, theo dõi sát các chức năng sống.
– Đặt các túi chườm đá vào vùng bẹn, nách, cổ.
– Sử dụng chăn làm lạnh (Cooling blankets).
Làm lạnh bên trong
– Dùng nước đá để rửa dạ dày hoặc thụt hậu môn.
– Dùng nước đá để rửa màng bụng (ít dùng).
– Đặt catheter lạnh (Cooling line catheter) vào trong tĩnh mạch chủ trên với phương tiện làm lạnh CoolGard.
– Hạ thân nhiệt bằng tuần hoàn ngoài cơ thể.
Các phương pháp làm lạnh theo nguyên lý bốc hơi và đối lưu
– Cởi bỏ quần áo, đặt trong phòng lạnh 20- 22 độ C và quạt.
– Phun nước 25- 30 độ C và quạt.
– Phủ gạc ướt 20- 25 độ C lên bệnh nhân và quạt.
– Sử dụng đơn vị làm lạnh đặc biệt là một giường đặc biệt có thể phun nước dạng nguyên tử hóa ở nhiệt độ 15 độ C và không khí ấm 45 độ C trên toàn bộ bề mặt cơ thể để giữ nhiệt độ da ở mức 32-33 độ C.
Dự phòng
Sốc nhiệt hoàn toàn có thể phòng tránh được, hiểu biết về những rối loạn do sốc nhiệt giúp chúng ta giảm được tỷ lệ bệnh tật và tỷ lệ tử vong. Cụ thể những việc cần làm:
– Phân loại các đối tượng có nguy cơ để có các biện pháp phòng chống và kế hoạch rèn luyện phù hợp.
– Khuyến khích các tổ chức đoàn thể có các chương trình phổ biến rộng rãi về dấu hiệu, triệu chứng và nguy cơ của bệnh để giúp chẩn đoán và điều trị sớm.
– Mỗi cá nhân đều phải tự rèn luyện để thích nghi với nóng, lập thời gian luyện tập thể lực vào lúc mát trong ngày, giảm bớt vận động thể lực vào lúc thời tiết quá nóng.
– Uống đủ nước và muối
– Khi có các bệnh lý nguy cơ thì không được tập luyện trong điều kiện thời tiết quá nóng.
– Mặc quần áo rộng, nhẹ, thoáng và sáng màu.