Hội thảo khoa học về Đề cương Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật

Tác giả: Khánh Phong

Sáng ngày 06/12/2023, tại thành phố Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh cùng với Bảo tàng Mỹ thuật Huế tổ chức Hội thảo khoa học “Đề cương Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Huế”.

Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cùng lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các cơ quan ban ngành trên địa bàn tỉnh và các nhà nghiên cứu, các họa sĩ, nhà điêu khắc đến từ thành phố Hà Nội, tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Hồ Chí Minh.

Ra mắt logo của Bảo tàng Mỹ thuật Huế

Hội thảo nhận được 32 tham luận của 34 tác giả, của hai nhóm nội dung: Đề cương nội dung Không gian trưng bày các tác phẩm mỹ thuật; giải pháp trưng bày Không gian trưng bày các tác phẩm mỹ thuật.

Huế từng là thủ phú xứ Đàng Trong vào thời các chúa Nguyễn, là kinh đô dưới triều Tây Sơn và triều Nguyễn, nơi hội tụ các lớp nghệ nhân tài hoa, mang theo trong mình các giá trị văn hóa tinh túy, đặc sắc của cả nước từ khoa học kỹ thuật, kiến trúc, hội họa, điêu khắc, nghệ thuật. Trong dòng chảy chung của văn hóa Huế, mỹ thuật hình thành và phát triển theo tiến trình lịch sử lâu dài, mang nét đặc sắc riêng có của vùng đất Cố đô.

Mỹ thuật Huế bao gồm mỹ thuật cung đình triều Nguyễn, mỹ thuật dân gian, cho đến những tác phẩm nghệ thuật hiện đại đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển chung của mỹ thuật Việt Nam.

Lợi thế cho sự phát triển của mỹ thuật Huế là sự ra đời của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (năm 1957) nay là Trường Đại học nghệ thuật, Đại học Huế. Nơi hội tụ nhiều thế hệ họa sĩ hàng đầu của Việt Nam như các họa sĩ: Lê Văn Miến, Nguyễn Khoa Toàn, Tôn Thất Sa, Tôn Thất Đào, Vĩnh Phối, Dương Đình Sang, Phạm Đăng Trí… Cùng với đó là sự hội nhập quốc tế với hai nghệ sĩ lớn mang tầm vóc quốc tế là Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị đã chọn Huế trao gửi những tác phẩm có giá trị để hình thành nên Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng và Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị.

Toàn cảnh hội thảo

Trên cơ sở những giá trị đã có sẵn, Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã được thành lập theo Quyết định số 2658/QĐ-UBND ngày 12/11/2018 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Đến nay, Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã tròn 05 năm đi vào hoạt động với 3 không gian trưng bày gồm Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng, Không gian nghệ thuật Điềm Phùng Thị, và Không gian trưng bày tác phẩm nghệ thuật.

Bên cạnh những thuận lợi, 05 năm qua Bảo tàng Mỹ thuật Huế cũng gặp không ít khó khăn. Hội thảo đã tập trung, trao đổi một số nội dung như: Định hướng, quan điểm xây dựng nội dung trưng bày Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Huế; trao đổi, góp ý cho dự thảo Đề cương khái quát Nội dung trưng bày của Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Huế; những kiến nghị đề xuất nội dung và giải pháp trưng bày Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật; các bộ sưu tập tác phẩm, các tác giả của từng giai đoạn lịch sử mỹ thuật để lựa chọn đưa vào nội dung trưng bày; định hướng các giải pháp sưu tầm có hiệu quả các bộ sưu tập, hiện vật tiêu biểu để hình thành các nội dung trưng bày trọng tâm, mang tính đặc sắc của bảo tàng địa phương; các phương án giải pháp thực hiện xây dựng nội dung trưng bày Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật; ứng dụng khoa học kỹ thuật trong hoạt động trưng bày, bảo quản, lưu trữ và phát huy giá trị các bộ sưu tập của Bảo tàng và các nội dung liên quan đến các hoạt động và phát triển của Bảo tàng Mỹ thuật Huế.

Hội thảo đã nghe những ý kiến đóng góp và chia sẻ của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu mỹ thuật, các họa sĩ, đó là ông Nguyễn Khoa Điềm, ông Phan Ngọc Thọ, GS.TS Trương Quốc Bình, họa sĩ Nguyễn Văn Minh, hoạ sĩ Đặng Mậu Tựu, hoạ sĩ Phan Lê Chung, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa và đại diện các Bảo tàng trong tỉnh.

Qua Hội thảo này, đã khẳng định Huế là vùng đất có bề dày về mỹ thuật và có những nét riêng không nơi nào có được. Hy vọng trong thời gian tới Bảo tàng Mỹ thuật Huế sẽ không ngừng lớn mạnh để các họa sĩ gửi gắm những tác phẩm nghệ thuật của mình nhằm lưu giữ và phát huy giá trị./.

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email