Virus Corona mới 2019 (2019 – nCoV): Tác nhân gây bệnh viêm phổi và nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng

Coronavirus 2019 (2019-nCoV) là một loại virus đường hô hấp mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người và cho thấy có sự lây lan từ người sang người. Virus này được xác định trong một cuộc điều tra ổ dịch bắt nguồn từ khu chợ lớn chuyên bán hải sản và động vật ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. 2019-nCoV là chủng virus mới chưa được xác định trước đó. Ngoài chủng coronavirus mới phát hiện này, đã có 6 chủng coronavirus khác được biết tới ngày nay có khả năng lây nhiễm ở người.

   1. Đặc tính virus học

Virus corona mới 2019 (2019-nCoV) thuộc Betacoronavirus Lineage B, giống Sarbecovirus.

nCoV có cấu trúc capsid đối xứng xoắn ốc, chưa  RNA chuỗi đơn với chiều dài trình tự ARN khoảng chừng là 30.000 nucleotit.

nCoV có bao ngoài và có khả năng ngưng kết hồng cầu, vớihình thái đa dạng, có đường kính từ 60 -130nm trên bề mặt của virus có các gai glycoprotein như hình vương miện (corona), các gai này giúp cho virus bám vào các receptor của tế bào vật chủ và xâm nhập vào tế bào.

Hình ảnh và cấu trúc của nCoV

  2. Khả năng gây bệnh

  2.1. Dịch tễ học

Các cơ quan y tế và đối tác y tế đang nỗ lực để xác định nguồn gốc của 2019-nCoV. Virus corona là một betacoronavirus, giống như MERS và SARS, tất cả đều có nguồn gốc từ vật chủ từ loài dơi. Virus corona là một họ virus lớn, phổ biến ở nhiều loài động vật khác nhau bao gồm lạc đà, mèo và dơi. Phân tích cây di truyền của virus này đang được tiếp tục để biết nguồn gốc cụ thể của virus. SARS, một loại coronavirus khác xuất hiện lây nhiễm cho người, bắt nguồn loài từ cầy hương, trong khi MERS, một loại coronavirus khác lây nhiễm cho người, bắt nguồn từ lạc đà

2019- nCoV ban đầu xuất hiện từ nguồn gốc động vật nhưng có khả năng lây lan sang người va từ người sang người. Sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra trực tiếp qua giọt bắn, qua đường hô hấp hoặc thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm.

Virus cũng có thể lây gián tiếp qua vật dụng mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh, đặc biệt nguy hiểm là chất thải tiêu hóa.

  2.2. Gây bệnh cho người

Nhiễm 2019-nCoV ở người có thể khác nhau từ nhiễm trùng không có triệu chứng đến hội chứng hô hấp cấp và viêm não gây tử vong. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, bệnh nhân cũng có thể bị sốt, khó chịu, đau đầu, sổ mũi và các triệu chứng hô hấp giống cúm.

Thời kỳ ủ bệnh sau khi nhiễm nCoV kéo dài từ 2-14 ngày, ở giai đoạn đầu, nhiễm nCoV thường biểu hiện dưới dạng viêm đường hô hấp trên, gây sốt hoặc viêm phổi, rất khó phân biệt với các bệnh nhiễm trùng hô hấp khác. Suy hô hấp là một dấu hiệu điển hình trong khoảng 20% ​​các trường hợp và tử vong cho đến nay khoảng 2-3%.

Nhiễm nCoV còn có thể tồn tại dưới dạng nhiễm trùng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

  3. Chẩn đoán

  3.1. Về lâm sàng:

Vì triệu chứng ban đầu giống với một nhiễm trùng hô hấp hay cúm nên khá mơ hồ. Các triệu chứng chủ yếu là sốt, đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, có khi khó thở, lơ mơ và có thể có nôn.

Cần tìm hiểu có hay không các yếu tố nguy cơ liên quan đến triệu chứng sốt về dịch tễ như tiền sử sinh sống hoặc đi tới vùng lưu hành dịch, tiếp xúc với người nhiễm bệnh đã xác định…

  3.2. Xét nghiệm:

     Các xét nghiệm thường quy chẩn đoán nhiễm trùng: như công thức máu, kiểm tra chức năng gan, MRI sọ não, điện tâm đồ (EEG), CT phổi, các xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể các bệnh nhiễm trùng khác như cúm, Rickettsia…để phân biệt.

Các xét nghiệm chẩn đoán nCoV: Bệnh phẩm là máu, huyết thanh, dịch hô hấp hay sinh thiết tổ chức phổi (bệnh nhân tử vong)…

Chẩn đoán trực tiếp: giải trình tự gen hoặc bằng RT-PCR

Chẩn đoán gián tiếp: bằng kỹ thuật ELISA để tìm kháng thể kháng vCoV trong huyết thanh bệnh nhân. Cần có mẫu huyết thanh kép để tìm động lực kháng thể.

  4. Dự phòng và điều trị

  4.1. Dự phòng

Chủ yếu là dự phòng chung, tránh đi tới vùng lưu hành dịch, tránh tiếp xúc với người nhiễm bệnh đã xác định, hoặc những người đến từ vùng có dịch…

Ngày 16.1.2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 125/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng virus Corona mới (nCoV) cho tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc.

  Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng chủ động thực hiện tốt các biện pháp sau:

– Tránh đi lại, du lịch nếu đang có sốt, ho hoặc khó thở. Đến ngay cơ sở y tế khi có triệu chứng nghi ngờ. Đồng thời, chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế.

– Tránh tiếp xúc với người bị sốt, ho. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng.

– Khi ho, hắt hơi hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau khi sử dụng khăn giấy bỏ vào thùng rác rồi rửa tay sạch sẽ.

– Nếu thấy có dấu hiệu ốm khi đi lại, du lịch cần thông báo ngay cho nhân viên hàng không, đường sắt, ô tô và tìm đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

– Chỉ sử dụng các loại thực phẩm chín.

– Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Tránh tiếp xúc gần với các động vật nuôi hoặc hoang dã.

– Đeo khẩu trang khi đi đến chỗ đông người hoặc khi tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh.

* Những người từ Trung Quốc trở về

– Những người từ Trung Quốc trở về Việt Nam cần tự cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày. Cần khai báo với cơ quan sở tại nơi gần nhất để được hỗ trợ khi cần thiết.

– Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Khi đến cần gọi điện trước để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ.

* Những người đến Trung Quốc

– Nếu không có việc cần thiết hoặc công việc đột xuất, không nên đến Trung Quốc trong dịp này.

– Trường hợp bắt buộc, phải hạn chế ra khỏi nhà, thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

– Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang, thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Khi đến cần gọi điện trước để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ.

* Một số lưu ý để phòng, chống lây nhiễm nCoV

– Tránh tiếp xúc quá gần với người bị sốt hay bị ho.

– Rửa sạch tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch; hoặc các loại nước rửa tay có chứa cồn.

– Tránh chạm tay vào mắt, mũi hay miệng

* Sử dụng khẩu trang y tế đúng cách

– Khi ho hay hắt hơi, hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau khi sử dụng khăn giấy, vứt khăn giấy vào thùng rác. Rửa sạch tay ngay lập tức.

– Khi sử dụng khẩu trang, hãy chắc chắn rằng khẩu trang che kín miệng và mũi và tránh chạm vào khẩu trang khi đang sử dụng.

– Nếu sử dụng các loại khẩu trang dùng 1 lần, sau khi sử dụng cần loại bỏ ngay lập tức vào thùng rác và rửa sạch tay sau khi bỏ khẩu trang.

* Lưu ý quan trọng để phòng, chống lây nhiễm nCoV

– Chỉ sử dụng các loại thực phẩm được nấu chín và đảm bảo an toàn thực phẩm

– Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng

– Tránh tiếp xúc quá gần với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã, dù là động vật sống, bị ốm hay đã chết.

Hiện tại, chưa có vacxin phòng bệnh.

  4.2. Điều trị: Hiện tại chưa có hoặc liệu pháp nào được cấp phép, và chỉ có điều trị hỗ trợ.

PGS.TS. TRẦN ĐÌNH BÌNH
Facebook
Twitter
LinkedIn
Email