Trong mọi thời đại và ở bất cứ quốc gia nào, đội ngũ trí thức luôn là nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Trí thức là những người có năng lực, tâm huyết và khát vọng cống hiến.
1. Trong mọi thời đại và ở bất cứ quốc gia nào, đội ngũ trí thức luôn là nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Trí thức là những người có năng lực, tâm huyết và khát vọng cống hiến. Họ là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về các lĩnh vực chuyên môn cụ thể, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm vật chất và tinh thần có giá trị đối với xã hội. Đối với nước ta, tầm quan trọng của trí thức đã được khẳng định từ rất sớm. Tấm bia tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã ghi dấu ấn tư tưởng của các bậc cổ nhân về trí thức “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh; nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy”. Hiền tài tạo nên sức sống của dân tộc, nói cách khác, hiền tài đó là cốt lõi, tinh túy của quốc gia. Đây vừa là sự thể hiện khát vọng mãnh liệt dân tộc, đồng thời, cũng là lời căn dặn sâu sắc của tổ tiên chúng ta mà đến ngày nay vẫn nguyên giá trị. Người con ưu tú của đất nước Việt Nam – Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình rất quan tâm đến đội ngũ trí thức. Người đã mời gọi, thuyết phục, tập hợp được nhiều nhân sĩ, trí thức vào khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngày nay, khi cuộc cách mạng KH&CN diễn ra như vũ bão, đã và đang chiếm lĩnh mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, khi khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, trở thành lợi thế so sánh giữa các quốc gia thì đội ngũ trí thức càng phải được đặc biệt coi trọng. Nhận thức thấu đáo vấn đề này, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã khẳng định: “Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mọi quốc gia trong chiến lược phát triển”. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách để phát triển đội ngũ trí thức. Do đó, đội ngũ trí thức của Việt Nam trong những năm qua không ngừng lớn mạnh, vừa có sự gia tăng về lượng, vừa có sự chuyển biến về chất.
Thừa Thiên Huế là địa phương rất quan tâm đến công tác trí thức. Tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, ban hành và thực hiện các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức. Các tổ chức như Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật tỉnh ra đời, được củng cố, kiện toàn về mặt tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động nhằm tập hợp, phát huy sức mạnh của lực lượng trí thức trên lĩnh vực khoa học, kỹ thuật vào sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước. Kết quả, Thừa Thiên Huế đã có đội ngũ trí thức đông đảo và ngày càng phát triển. Hiện nay, trí thức của tỉnh xếp thứ 3 cả nước với hơn 40 nghìn người có trình độ từ cao đẳng trở lên; đa dạng về ngành nghề đào tạo. Số lượng trí thức có học hàm, học vị cao tăng nhanh. Riêng trên lĩnh vực giáo dục – đào tạo có 205 giáo sư, phó giáo sư, gần 500 tiến sĩ, khoảng 3.000 thạc sĩ và gần 200 nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú… Trí thức Thừa Thiên Huế giàu lòng yêu quê hương, đất nước, tận tuỵ, đam mê công việc, thông minh, có hoài bão, tinh thần vượt khó, ham học hỏi, say mê tìm tòi, nghiên cứu và giàu sáng tạo… Phát huy những phẩm chất tốt đẹp vốn có, trong những năm qua, đội ngũ trí thức tỉnh hoạt động trên mọi lĩnh vực, đóng góp to lớn vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh.
2. Để cụ thể hóa Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị, hoàn thành mục tiêu sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, Tỉnh ủy đã ra các nghị quyết chuyên đề. Trong đó, cùng với việc xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm về văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc; trung tâm y tế chuyên sâu; trở thành trung tâm giáo dục – đào tạo, đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao thì Nghị quyết 07-NQ/TU Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV “về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm KH&CN của khu vực và cả nước giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020” được coi là sự nâng tầm về mặt chỉ đạo để tạo ra bước đột phá về KH&CN của tỉnh trong bối cảnh mới, đã đặt toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thừa Thiên Huế nói chung và mỗi giai tầng, mỗi lực lượng nói riêng phát huy cao độ tâm sức, trí tuệ của mình để hoàn thành nhiệm vụ trên, trong đó, đội ngũ trí thức là lực lượng động lực, đi đầu.
Dưới sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, đội ngũ trí thức Thừa Thiên Huế đã phát huy vai trò của mình với nhiều hoạt động có ý nghĩa về lý luận lẫn thực tiễn. Cụ thể, trí thức Thừa Thiên Huế đã tham gia thực hiện, đóng góp ý kiến, cung cấp các luận cứ khoa học cho các chủ trương, chính sách của tỉnh. Thông qua các đề tài, như: “Luận cứ và giải pháp phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011 – 2020 theo hướng phát triển bền vững”, “Điều tra cơ bản tổng hợp có tính định hướng điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên các huyện của Thừa Thiên Huế”, “Nghiên cứu đánh giá các điều kiện phát triển công nghệ cao và đề xuất mô hình khu công nghệ cao tại Thừa Thiên Huế”, “Xây dựng cơ sở dữ liệu GIS về kết quả nghiên cứu tài nguyên khoáng sản có giá trị kinh tế và nước dưới đất ở Thừa Thiên Huế”… đã cung cấp các thông tin có giá trị, những luận cứ đáng tin cậy, làm sáng tỏ những vấn đề đặt ra trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, tạo cơ sở để các cấp ủy đảng, chính quyền hoạch định chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Nhiều đề tài, dự án KH&CN đã phục vụ đắc lực cho các ngành, các địa phương trong việc xây dựng các mục tiêu, giải pháp, đề án phát triển kinh tế – xã hội.
Với vai trò là lực lượng tiếp nhận những thành quả về KH&CN trong và ngoài nước, ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, đội ngũ trí thức đã góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh. Trên lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, trí thức đã đi đầu trong các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ được áp dụng, góp phần quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế; khai thác có hiệu quả vùng cát nội đồng, vùng ven biển và gò đồi; ứng dụng các tiến bộ mới trong canh tác, trình độ cơ giới hoá trong các công đoạn sản xuất nông nghiệp đạt trên 80%, mở ra triển vọng mới để khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng biển và đầm phá phục vụ cho xuất khẩu và xóa đói, giảm nghèo theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Trí thức trên lĩnh vực công nghệ thông tin có nhiều đóng góp về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện thủ tục hành chính một cửa, được đánh giá cao trên toàn quốc. Công nghệ lắp ráp máy tính, sản xuất và gia công một số phần mềm phát triển, góp phần quan trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho tỉnh và khu vực. Bên cạnh đó, các nghệ nhân, các nhà khoa học đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin cho việc trùng tu, bảo tồn và phát huy những di sản văn hoá Huế, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, giáo dục – đào tạo và y tế là hai lĩnh vực tập trung đội ngũ trí thức đông đảo, chất lượng cao, tạo được uy tín, thương hiệu trong nước và quốc tế. Riêng Đại học Huế có 10 giáo sư, 179 phó giáo sư, 431 tiến sĩ, 1.844 thạc sĩ. Đội ngũ này cùng với lực lượng cán bộ, giáo viên, giảng viên của các cơ sở giáo dục – đào tạo trong tỉnh là lực lượng quan trọng trong việc nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề cho Thừa Thiên Huế và các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Đội ngũ y, bác sỹ, dược sỹ, giảng viên của Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trường Đại học Y – Dược Huế và các cơ sở y tế đã nhiều đóng góp cho hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng thành công một số kỹ thuật tiên tiến, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân. Đã làm chủ và thực hiện chuyển giao một số kỹ thuật khám, chữa bệnh hiện đại tầm khu vực và quốc tế, thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật mang tính tiên phong, gây được tiếng vang lớn trong cả nước và quốc tế, góp phần khẳng định thành tựu của y học Việt Nam, khẳng định vị thế là trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước.
Bên cạnh những thành tựu trên, bộ phận trí thức tham gia công tác lãnh đạo, quản lý, trong những năm qua đã phát huy tốt vai trò và khả năng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, trình độ quản lý Nhà nước. Một số tập thể và cá nhân được tặng bằng lao động sáng tạo, giải thưởng sáng tạo KH&CN. Đội ngũ trí thức trẻ năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều người đã tích cực tham gia nghiên cứu, có các công trình, các sản phẩm KH&CN được đánh giá cao…
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh với nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức trên lĩnh vực khoa học, kỹ thuật đã có bước phát triển nhanh về tổ chức và số lượng hội viên. Hoạt động đạt được một số kết quả trên các mặt: tư vấn, phản biện và giám định xã hội; tuyên truyền, phổ biến kiến thức KH&CN; giáo dục – đào tạo, tổ chức các hội thảo khoa học, tham gia thực hiện một số đề tài, dự án phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa KH&CN vào sản xuất và đời sống…
3. Như vậy, trong thời gian qua, lực lượng trí thức đã có nhiều cống hiến trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm KH&CN của cả nước. Nhiệm vụ xây dựng trung tâm KH&CN có mối quan hệ chặt chẽ, khăng khít với các nhiệm vụ xây dựng trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Bởi lẽ, trên mọi lĩnh vực đều chứa đựng yếu tố KH&CN, KH&CN vừa là nền tảng, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải làm gì để tiếp tục phát huy sức mạnh của đội ngũ trí thức?. Thiết nghĩ, các giải pháp phải được thực hiện đồng bộ và thể hiện ở hai khía cạnh: đối với các cấp chỉ đạo, điều hành, quản lý và đối với bản thân đội ngũ trí thức.
Về mặt chỉ đạo, điều hành, quản lý, các cấp ủy đảng, chính quyền từ trung ương và địa phương cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nhận thức, tư duy về công tác trí thức nói chung và trí thức KH&CN nói riêng. Cần xác định công tác trí thức là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa mang ý nghĩa trước mắt vừa mang tầm chiến lược lâu dài. Trên cơ sở đó, cần đổi mới công tác cán bộ, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý KH&CN có tâm và có tầm, đồng thời, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ. Công tác quy hoạch đội ngũ trí thức phải có sự phân bố hợp lý, đảm bảo bổ sung nguồn lực trí thức trong các ngành, chuyên ngành còn thiếu, phát huy lực lượng trí thức trên các lĩnh vực đang có lợi thế. Ngoài ra, tiếp tục quan tâm nghiên cứu, ban hành, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, cơ chế nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho trí thức làm việc, cống hiến, có chế độ đãi ngộ xứng đáng với công sức, thành quả của trí thức là nhiệm vụ cấp thiết đang đặt ra hiện nay. Đảng và Nhà nước cần tiếp tục ban hành và thực hiện các chính sách, chế độ thưởng cho các công trình KH&CN có giá trị; tiếp tục áp dụng nhiều hình thức biểu dương, tôn vinh sự đóng góp của các nhà khoa học và chuyên gia công nghệ đầu ngành; các chính sách khuyến khích, thu hút chất xám của trí thức Việt kiều, chuyên gia nước ngoài cống hiến cho tỉnh nhà… Mặt khác, chỉ đạo ngành giáo dục – đào tạo chủ động thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị – xã hội trong việc đoàn kết, tập hợp rộng rãi tầng lớp trí thức…
Song song với các giải pháp nêu trên, thời đại hội nhập quốc tế hiện nay đang đặt ra cho trí thức những cơ hội lớn, song hành với những thách thức mới. Trí thức Thừa Thiên Huế đang hội nhập sâu rộng với trí thức của thế giới, được học hỏi, hợp tác giao lưu, đọ sức đua tranh với trí thức trong và ngoài nước. Trí thức tỉnh nhà sẽ có dịp nắm bắt những luồng tư tưởng mới, nảy sinh nhiều sáng kiến mới, thêm tự tin, thêm sức sáng tạo. Mặt khác, Kiến thức, năng lực của trí thức sẽ được đánh giá, kiểm định theo những chuẩn mực cao hơn hơn, do đó, đặt ra cho trí thức trách nhiệm lớn hơn. Trí thức Thừa Thiên Huế phải ý thức sâu sắc vị trí, vai trò của mình, vừa tiếp bước truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước, vừa phải nâng tầm để theo kịp xu thế của xã hội hiện đại. Trí thức phải tích cực đổi mới tư duy và năng động, nhanh nhạy tiếp thu các thành tựu, kỹ thuật mới, say mê nghiên cứu, tìm tòi để có nhiều sáng kiến mới có giá trị hơn, áp dụng vào sản xuất, kinh doanh và thực tiễn đời sống. Trí thức cần thường xuyên rèn luyện để nâng cao lập trường tư tưởng chính trị dưới ánh sáng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đoàn kết, hăng hái thi đua yêu nước, hội nhập vững chắc để góp phần xây dựng thành công Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm KH&CN của cả nước và trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương.
PHAN CÔNG TUYÊN
Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế