Ứng dụng và phát triển kỹ thuật chẩn đoán và điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ

Bệnh nhân mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ có nguy cơ đột tử rất cao và tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng. Trong khi đó, trang thiết bị phục vụ, theo dõi có giá thành cao, khó trang bị, xuất phát từ thực tế đó TS.BS. Hoàng Anh Tiến đã nghiên cứu ứng dụng và phát triển kỹ thuật chẩn đoán hội chứng ngưng thở khi ngủ bằng máy SASD-07 được đánh giá cao, vừa được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế nghiệm thu và đưa vào ứng dụng.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ. Người bệnh có những cơn ngưng thở hoàn toàn ít nhất 10 giây trong giấc ngủ và lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm. Hội chứng ngưng thở khi ngủ có 3 dạng: Ngưng thở khi ngủ dạng tắc nghẽn, ngưng thở khi ngủ do nguyên nhân trung ương, ngưng thở khi ngủ hỗn hợp. Trong đó, ngưng thở khi ngủ dạng tắc nghẽn là dạng thường gặp nhất. Yếu tố nguy cơ của hội chứng ngưng thở khi ngủ được xác định do béo phì, bất thường cấu trúc sọ mặt và mô mềm đường hô hấp trên. Theo các kết quả nghiên cứu cho thấy, khi những yếu tố này càng tăng thì bệnh nhân càng dễ phát triển hội chứng ngưng thở khi ngủ dạng tắc nghẽn.

Đề tài thực hiện thành công việc nghiên cứu cải tiến máy SASD-07 có giá trị chẩn đoán cao hơn máy SASD-07 chưa cải tiến, đối chứng với máy StarDust II; nghiên cứu viết phần mềm tương thích với máy SASD-07 dùng để phân tích và chẩn đoán hội chứng ngưng thở khi ngủ; nghiên cứu mối liên quan giữa hội chứng ngưng thở khi ngủ với các yếu tố nguy cơ tim mạch, phương pháp điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Trên thế giới, các nước tiên tiến đã có máy đa miên ký để đo nhịp thở với độ chính xác cao, tuy nhiên, giá thành của máy rất đắt và khó vận chuyển. Mức chi phí cho việc lắp đặt, hoàn thiện chiếc máy SASD-07 thấp, cấu tạo máy nhỏ, gọn có thể đặt theo dõi nhịp thở cho tất cả những bệnh nhân nghi ngờ có hội chứng ngưng thở lúc ngủ. Hiện nay đã có nhiều máy SASD-07 được đưa vào hoạt động hiệu quả tại Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế. Có thể nói SASD-07 là một giải pháp mới và là thiết bị chẩn đoán hội chứng ngưng thở tự tạo đầu tiên ở Việt Nam.

Để thực hiện đề tài, nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát 230 bệnh nhân trên 18 tuổi đến khám tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế vì ngáy to hoặc có bằng chứng nghi ngờ ngưng thở khi ngủ. Sau khi thăm khám lâm sàng, bệnh nhân được giải thích kỹ lưỡng, làm cam kết và tiến hành đo đa kí hô hấp bằng máy máy StarDust II, mắc đồng thời với máy SASD-07. Máy đa kí hô hấp gồm các thiết bị đo độ bão hòa oxy theo mạch đập, đo lưu lượng khí ở mũi, đo áp lực cơ hô hấp ngực, bụng, đo chỉ số ngày, tư thế nằm và tháo máy vào sáng hôm sau khi bệnh nhân ngủ dậy.

Sau khi tiến hành khảo sát, chỉ số phù hợp Kappa của SASD-07 đã cải tiến cao hơn SASD-07 chưa cải tiến. Điều này chứng minh, máy SASD-07 cải tiến cho độ chính xác cao hơn khi chưa cải tiến và gần sát với giá trị chẩn đoán của máy chuẩn là StarDust II hơn. Ngoài ra, nhóm thực hiện đề tài còn thiết kế phần mềm chẩn đoán hội chứng ngưng thở khi ngủ với giao diện tiếng Việt, dễ sử dụng; quản lý dữ liệu tập trung, hỗ trợ tốt cho bác sĩ ra quyết định trong công tác chẩn đoán ngưng thở. Khả năng hoạt động tốt qua mạng nội bộ, tiết kiệm kinh phí vận hành, thời gian và tận dụng ưu thế công nghệ. Vì vậy, có thể dùng máy SASD-07 kèm phần mềm “Chẩn đoán ngưng thở” trong chẩn đoán hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Nói đến ưu điểm của máy SASD-07, theo TS.BS. Hoàng Anh Tiến: Máy SASD-07 có cấu tạo không phức tạp, được kết hợp máy ghi âm kỹ thuật số gắn liền với ống nghe ghi lại nhịp thở trong giấc ngủ. Âm thở ghi lại được chuyển tải vào máy vi tính thông qua giao tiếp USB trên máy SASD-07. Cấu tạo máy nhỏ gọn nên có thể đặt theo dõi nhịp thở cho tất cả những bệnh nhân nghi ngờ có hội chứng ngưng thở khi ngủ. Bên cạnh đó, do tính cơ động và linh hoạt nên máy ghi âm nhịp thở có thể ứng dụng không chỉ ở bệnh viện mà có thể ở nhà bệnh nhân. Trị giá mỗi chiếc máy là dưới 5 triệu đồng, tùy cấu hình. Điều này, ưu việt hơn các máy theo dõi nhịp thở lớn và ít cơ động.

Máy SASD-07 đã mang lại hiệu quả tốt trong việc chẩn đoán ngưng thở khi ngủ như cho biết bao nhiêu lần ngưng thở trong giấc ngủ, thời gian ngưng thở tối đa. Điều này thực sự quan trọng trong việc kết hợp và đối chiếu với các thiết bị theo dõi nhịp thở hay nhịp tim thường quy để phát hiện các rối loạn hô hấp khi ngủ.

Đánh giá về tính ứng dụng của máy SASD-07, GS.TS. Cao Ngọc Thành – Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Huế cho biết: Hiện máy SASD-07 đã được ứng dụng khá rộng rãi trong chẩn đoán và điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ. Công trình này đã thật sự tạo được một bước tiến trong việc cải tiến các trang thiết bị phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam, khẳng định Trường Đại học Y dược Huế là một trong những đơn vị luôn nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào chẩn đoán và điều trị.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu theo dõi đồng thời nhịp tim, huyết áp cũng như phát triển hệ thống báo động khi phát hiện bệnh nhân trong tình trạng ngưng thở khi ngủ”, TS.BS. Hoàng Anh Tiến cho biết thêm.

Doãn Quan

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email