Từ năm 2012, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện dự án “Hỗ trợ nhân rộng mô hình xử lý vấn nạn bèo tây bằng chế phẩm sinh học Micromix-3 thành phân hữu cơ sinh học tại 5 huyện/thị của tỉnh Thừa Thiên Huế”. Một trong những kết quả quan trọng của dự án là đề xuất được quy trình kỹ thuật sử dụng chế phẩm vi sinh Micromic-3 xử lý rác thải, bèo tây, rơm rạ thành phân bón hữu cơ sinh học (HCSH).
Sau khi dự án kết thúc đã có nhiều địa phương, hộ nông dân áp dụng thành công quy trình này để sản xuất phân bón HCSH. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nơi, đặc biệt là một số hộ cá thể khi áp dụng quy trình chưa tuân thủ nghiêm ngặt, đầy đủ các bước của quy trình nên chất lượng cũng như hiệu quả của phân bón HCSH chưa đạt được như mong muốn.
Nhằm cung cấp thông tin cho bà con nông dân để áp dụng đúng, nghiêm ngặt việc sản xuất phân bón HCSH từ rác thải, bèo tây, rơm rạ…, Bản tin Khoa học và Kỹ thuật xin giới thiệu Quy trình kỹ thuật sử dụng chế phẩm vi sinh Micromic-3 xử lý rác thải, bèo tây, rơm rạ thành phân bón HCSH.
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu (làm 1 tấn phân hữu cơ sinh học)
– Phụ phẩm nông nghiệp có nguồn gốc từ thực vật khoảng 5-6m3 (rác thải, bèo tây, rơm, rạ, thân cây xanh…), tương đương 1,2-1,5 tấn nguyên liệu;
– Phân NPK (16:16:8) hoặc NPK (10:10:5) 2kg (hoặc phân gia súc, gia cầm, bã thải từ các hầm biogas khoảng 1-1,5 tạ) nhằm giúp vi sinh vật có môi trường thuận lợi để phát triển;
– Chế phẩm VIXURA, (1 gói 2kg); chế phẩm vi sinh vật đa chức năng (1 gói 1kg).
Chú ý: Kích thước nguyên liệu càng nhỏ càng tốt. Nguyên liệu có kích thước lớn hơn 20cm thì cần chặt ngắn khoảng 1 gang tay; Đối với rơm rạ khô nên tưới ẩm trước khi ủ ít nhất 12 giờ. Với bèo tây thì cần phơi héo trước khi ủ.
Bước 2: Chọn nơi ủ
– Ủ ở những nơi thuận tiện cho việc sử dụng, có nền đất nện hoặc xi măng, khô ráo hoặc lót nền đất bằng vải nilon.
– Nên rạch rãnh xung quanh cho nước chảy vào hố gom nhỏ tránh nước ủ phân chảy ra ngoài khi tưới ẩm quá.
– Có thể ủ trong nhà kho, chuồng nuôi không còn sử dụng.
– Diện tích nền khoảng 3-4 m2/lượng nguyên liệu ủ.
Bước 3: Chuẩn bị dụng cụ
– Cào, cuốc 5, bình tưới ozoa (hoặc xô, thùng + rổ, rá);
– Vật liệu che đậy để ủ: có thể dùng các loại vật liệu sẵn có như bạt, bao tải, nilon… để che đậy trong thời gian ủ;
– Vật liệu làm mái: dùng các loại lá, bạt nilon… để làm mái tránh ánh nắng, giữ nhiệt cho đống ủ.
Bước 4: Trộn chế phẩm với nguyên liệu ủ
Để trộn đều một gói chế phẩm (2kg) cho 5-6 m3 nguyên liệu ủ ta làm cách sau:
– Hòa trộn 2kg chế phẩm Vixura vào 80-100 lít nước;
– Hòa trộn 2kg phân NPK vào 80-100 lít nước.
– Trộn chung cả hai dung dịch trên với nhau. Tùy lượng nguyên liệu khô hoặc ướt mà điều chỉnh lượng nước vừa đủ.
– Tiến hành rải một phần nguyên liệu mỗi chiều khoảng 3 bước chân (1,5-2m), độ cao mỗi lớp khoảng 20-25cm (khoảng 1 gang tay). Ta tưới chế phẩm vi sinh cùng với phân NPK đã hòa đều trong nước vào từng lớp nguyên liệu ủ sao cho nguyên liệu ướt đều và nước không bị ngấm chảy ra xung quanh đống ủ, độ ẩm đạt khoảng 55-60% (cầm trên tay bóp nhẹ thấy nước rịn ra ướt tay và khi thả tay ra không bị vỡ vụn là được). Tiếp tục làm từng lớp như thế cho đến khi chiều cao của đống ủ khoảng 1,2-1,5m.
Bước 5: Che phủ và bảo quản
Sau khi ủ xong, đậy đống ủ bằng bạt, bao tải, nilon… Để đảm bảo tốt hơn và tránh ánh nắng trực tiếp đống ủ nên che thêm tấm che bằng lá hoặc mái lợp. Vào mùa đông, cần phải che đậy kỹ để nhiệt độ đống ủ được duy trì ở mức 40-50oC.
Bước 6: Đảo đều và bổ sung nước, không khí
Sau khi ủ vài ngày nhiệt độ của đống ủ tăng lên cao khoảng 40-50oC. Nhiệt độ này sẽ làm cho nguyên liệu bị khô và không khí cần cho hoạt động của vi sinh vật cũng ít dần. Vì vậy, cứ khoảng 7-10 ngày tiến hành kiểm tra, đảo trộn và nếu nguyên liệu khô thì đổ thêm nước. Sau khoảng 28-30 ngày rơm, rác bị mùn hoá được chế biến làm phân bón hữu cơ.
Tùy theo loại nguyên liệu mà thời gian ủ khác nhau. Phụ phẩm nông nghiệp khác như: lá mía, lõi thân cây ngô,… thì thời gian ủ có thể đến 60 ngày. Giai đoạn này, mùn có thể được dùng để bón cây, tăng độ phì cho đất. Tuy nhiên, để chế biến mùn hữu cơ thành phân HCSH, nhằm tăng năng suất và kháng bệnh cho cây trồng, giảm sử dụng phân hóa học thì tiếp tục làm theo bước 7.
Bước 7: Chế biến mùn thành phân HCSH
Dùng chế phẩm vi sinh vật chức năng, bao gồm vi sinh vật cố định đạm (Enterobacter aerogenes); vi sinh vật phân giải lân (Bacillus megaterium, Aspergillus awamori); sinh vật phân kích thích sinh trưởng (Azotobacter chrococcum); sinh vật phân bảo vệ thực vật (B.subtilis. SLTB: 107-109 tb/g).
Mỗi 1kg chế phẩm sinh vật phân chức năng dùng phối trộn với 1000kg (1 tấn) mùn đã hoai mục ở trên; bổ sung 2kg phân hoá học NPK (16:16:8); thêm nước tới độ ẩm 55-60%; đánh đống, phủ nilông để giữ ẩm, cứ 7 ngày đảo 1 lần. Sau khoảng 20 ngày thành 1 tấn phân bón HCSH.
Công dụng của phân bón HCSH là tăng sinh trưởng và năng suất. Giảm bệnh cho cây. Phân dùng không hết nên đánh đống lại, cho vào bao và đưa lên chỗ cao ráo, tránh nước ngập, che đậy cẩn thận để dùng về sau. Phân này ủ xong sử dụng tốt nhất trong vòng 1 năm.
Một số điều kiện cần quan tâm khi ủ:
– Độ ẩm: Khi ủ cần hòa chế phẩm vi sinh vào nước, lượng nước cho vào tùy độ ẩm của phân rác. Sao cho khi tưới chế phẩm vào phân rác được đều và đạt độ ẩm 55-60%. Cách kiểm tra độ ẩm khi ủ: nếu thấy nước ngấm đều trong nguyên liệu và khi cầm vào thấy mềm là đạt độ ẩm cần thiết. Đối với than bùn, mùn cưa, mùn mía… nếu bóp chặt thấy nước rịn ra kẽ tay là độ ẩm khoảng 55-60%, nếu nước chảy ra là quá ẩm, còn nếu xoè tay ra thấy vỡ ra là quá khô. Trong quá trình ủ cần duy trì độ ẩm để vi sinh vật hoạt động tốt bằng cách đậy kỹ và bổ sung nước nếu thiếu.
– Độ thoáng khí: Vi sinh vật cần oxy để sinh trưởng nên khoảng 7-10 ngày nên đảo trộn để bổ sung thêm khí, giúp cho quá trình mùn hoá nhanh hơn.
– Nhiệt độ: Nhiệt độ thích hợp để vi sinh vật ưa nhiệt phân giải nhanh các chất hữu cơ là từ 40-50oC. Để duy trì nhiệt độ này ta cần phải che đậy kỹ. Trong quá trình ủ nhiệt độ lên cao có thể đạt mức trên 60oC sẽ làm cho đống ủ khô, lúc này cần phải đảo trộn bổ sung nước.
Sơ đồ quy trình sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rác thải, bèo tây, rơm rạ thành phân bón hữu cơ sinh học
Hải Yến